Đường dẫn truy cập

TT Phúc yêu cầu sẵn sàng cách ly thành phố lớn, người dân đồng tình


Cơ quan chức năng làm việc tại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội.
Cơ quan chức năng làm việc tại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội.

Tính đến cuối ngày 30/03, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh phong tỏa để chặn dịch Covid-19 đối với tỉnh thành nào, nhưng người dân nói VOA Tiếng Việt rằng họ đồng tình với biện pháp cách ly trên diện rộng của chính phủ.

Chiều ngày 30/3, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khuyến cáo người dân nên ở nhà: “Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”.

Ông Phúc phát biểu như trên khi chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 về các quyết sách, theo Cổng thông tin Chính phủ.

Hôm 29/03, trong cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh thành lớn, ông Phúc yêu cầu UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM rà soát, cập nhật phương án phòng chống dịch trên địa bàn, “bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố,” theo trang Tuổi Trẻ.

Người dân ở các thành phố lớn với VOA rằng họ ủng hộ việc chính quyền có kế hoạch phong tỏa trên diện rộng để ngăn sự lây lan của Covid-19.

Từ Hà Nội, ông Đỗ Việt Khoa, một giáo viên trung học phổ thông, nêu nhận định:

“Đây là kế hoạch nếu tình hình bùng phát nghiêm trọng thì sẽ cách ly hai thành phố này. Đây là chuyện thiết yếu phải làm. Đáng lẽ Hà Nội phải làm sớm hơn!”

“Ví dụ như bệnh Bạch Mai, đáng lẽ phải cách ly triệt để các khoa thì họ không chịu cách ly để rồi bệnh viện này để dịch bùng nổ ra khắp miền Bắc.”

Truyền thông trong nước dẫn lời Giáo sư Ngô Quý Châu, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai hôm 30/03 nói ông thay mặt tập thể bác sĩ bệnh viện “xin lỗi vì ổ dịch Bạch Mai đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thành phố.”

Ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, nơi có 25 ca nhiễm Covid-19, đã bị phong tỏa hoàn toàn hôm 28/03, buộc chính quyền phải giám sát nguy cơ lây nhiễm của hơn 5.000 bệnh nhân, người nhà, và nhân viên y tế tại bệnh viện, cũng như truy tìm hơn 40.000 người ra vào ổ dịch này từ ngày 10/03 đến ngày 28/03.

Nhà văn Nguyễn Viện, một người dân sống ở Tp. Hồ Chí Minh, bày tỏ sự đồng tình:

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cách ly rộng toàn thành phố, đương nhiên là có sự hạn chế, nhưng tôi ủng hộ để cắt đứt và kiểm soát được nguồn lây.”

Nhận định về lời kêu gọi “tỉnh nào ở tỉnh đó (...) nhà nào ở nhà đó” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Viện nói:

“Đây là sự quyết đoán [của Việt Nam] trước tình hình rất dễ xảy ra việc mất kiểm soát như hiện nay trên thế giới mà chúng ta đang chứng kiến.

“Việc kêu gọi người dân thực thi một cách nghiêm chỉnh trước khi nhà nước có một giải pháp mạnh mẽ hơn là một sự quyết đoán rất đúng và rất cần thiết trong lúc này.”

Trong lời kêu gọi toàn dân “Chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết hôm 30/03: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.”

Sáng ngày 30/03, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 8 ca Covid-19 mới, làm việc tại căng tin bệnh viện Bạch Mai, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 203 trường hợp.

Theo công văn hoả tốc của Bộ Giao thông Vận tải ký ngày 29/3, tuyến bay chở khách nối giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và hai thành phố nữa là Phú Quốc và Đà Nẵng giảm xuống mỗi hãng chỉ bay một chuyến/ngày kể từ 30/03 đến 15/04. Đồng thời, cũng theo công văn này, toàn bộ các chuyến bay nội địa khác sẽ dừng hoàn toàn.

Bên cạnh việc hạn chế di chuyển ở trong nước, Việt Nam hôm 28/03 khuyến cáo các công dân đang ở nước ngoài không về nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG