Đường dẫn truy cập

Ý tưởng ‘5% ghế quốc hội cho chuyên gia, nhà khoa học’ gây tranh cãi


Đại đa số ghế quốc hội Việt Nam do các quan chức lãnh đạo các bộ, các địa phương nắm giữ
Đại đa số ghế quốc hội Việt Nam do các quan chức lãnh đạo các bộ, các địa phương nắm giữ

Quốc hội Việt Nam hiện cân nhắc ý tưởng dành “khoảng 5%” số ghế đại biểu cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, song điều này gây ra tranh cãi từ phía một số nhà phản biện.

Trang web của quốc hội và báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây loan báo rằng Luật Tổ chức Quốc hội đang được sửa đổi, và bản dự thảo mới sẽ được trình để thông qua khi quốc hội họp vào tháng 5 tới.

Một nội dung quan trọng được cân nhắc để sửa đổi hay không là tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách. Theo trang web của quốc hội và báo Pháp luật TP.HCM, hiện có hai phương án là vẫn giữ tỷ lệ 35% ghế dành cho đại biểu chuyên trách, hoặc tăng tỷ lệ này lên 40%, trong đó có thể bao gồm “khoảng 5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín”.

Đại biểu chuyên trách được hiểu là những người được bầu chỉ làm nhiệm vụ đại biểu của nhân dân và công việc quốc hội giao. Lâu nay, đại đa số đại biểu quốc hội Việt Nam cũng kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo tại các cơ quan hành pháp, tư pháp, các tỉnh, thành phố, các lực lượng vũ trang, v.v…

Bình luận về phương án 5% ghế quốc hội nêu trên, tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu cho rằng đây là một đề xuất chứa đựng mong muốn về một quốc hội “mạnh hơn” và lưu tâm đến “chất xám khoa học, chuyên gia, và quản lý”.

Nhưng tiến sĩ Chu cho rằng do có sự sắp đặt bởi hệ thống chính trị Việt Nam, thường được gọi là “cơ cấu”, nên kết quả mang lại sẽ vẫn là “những khuôn mặt đã ‘quá cũ’ trong quốc hội và trong chính phủ”.

Viết trên Facebook cá nhân có hơn 48.000 người theo dõi, tiến sĩ Chu khẳng định cải cách chất lượng đại biểu và hoạt động của quốc hội nằm ở một điểm cốt lõi khác, đó là “phải đi qua con đường tranh cử tự do”. Ông nhấn mạnh: “Chỉ có tranh cử tự do mới chọn ra được một quốc hội trí tuệ và hiệu quả”.

Nhắc đến nguyên tắc chung quan trọng nhất là đại biểu quốc hội do cử tri bầu chọn và các đại biểu phải được ấn định theo số lượng cử tri và theo địa phương, tiến sĩ Chu cho rằng việc luật đặt ra các con số phần trăm về ghế quốc hội dành cho đại biểu thuộc các bộ, ngành, giới tính, v.v… là “không khoa học”.

“Đây là một trong những nguyên nhân chính đẻ ra các đại biểu quốc hội không chất lượng, hậu quả là làm suy yếu quốc hội”, ông Nguyễn Ngọc Chu viết.

Để sửa chữa vấn đề này, vị tiến sĩ tái khẳng định phải có “tranh cử tự do” với quyết định bầu chọn “nằm trong tay cử tri”.

Cũng lên tiếng về vấn đề này, luật sư Ngô Ngọc Trai viết trên trang cá nhân và một số diễn dàn trên mạng xã hội rằng“nên dành con số 5% đó cho các ứng viên đại biểu độc lập” là những người “tự tin vào năng lực, uy tín của mình nên đã tự đứng ra ứng cử”.

Vị luật sư được nhiều người biết tiếng đưa ra lý giải cho đề xuất của ông rằng đại biểu quốc hội phải là “một người đấu tranh cho quyền lợi” của các nhóm cử tri và các ngành nghề, vì vậy, chỉ khi nào có sự tận tâm quyết liệt với lợi ích của những đại biểu như vậy, “mới mong nâng được chất lượng hiệu quả của sinh hoạt nghị trường”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG