Một tờ báo với cơ quan chủ quản là UBND thành phố Hà Nội hôm 29/1 đăng tin nói rằng Tổng thống Donald Trump đã “chúc mừng Việt Nam” vì “dù chỉ là một đất nước nhỏ bé, nhưng đã thành công trong việc cứu chữa một bệnh nhân nhiễm virus Corona”.
Tuy nhiên, ít lâu sau đó, tờ Kinh tế và Đô thị đã rút bài viết đăng kèm hình ảnh chụp đoạn tweet mà tác giả nói là của nguyên thủ Mỹ hôm 28/1, nhưng không giải thích lý do gỡ.
Khi phóng viên VOA tiếng Việt bấm vào bài có tựa đề “Ông Trump chúc mừng Việt Nam chữa khỏi bệnh nhân nhiễm virus Corona” trên trang web của tờ báo được cho là “cơ quan ngôn luận của UBND thành phố Hà Nội”, xuất hiện thông báo “trang bạn đang tìm không tồn tại”.
Hình ảnh của bài viết đã được lưu lại và đăng trên một số diễn đàn trên Facebook, vấp phải chỉ trích của nhiều người về việc phóng viên không kiểm chứng thông tin trước khi đăng.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, trang Twitter của ông Trump hôm 28/1 không có đoạn tweet nào với nội dung “chúc mừng Việt Nam” về vụ virus Corona.
Tờ Kinh tế và Đô thị đăng thông tin trên sau khi Bộ Y tế Việt Nam cho biết rằng một trong hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm chủng virus Corona mới “đã khỏi bệnh” khi được chữa trị tại Việt Nam.
Hôm 24/1, Tổng thống Trump có ca ngợi trên Twitter về nỗ lực xử lý dịch bệnh của Trung Quốc, đồng thời nói rằng “thay mặt người dân Mỹ", ông "muốn cám ơn Chủ tịch Tập".
Một chuyên gia y tế người Việt không muốn nêu danh tính nói với VOA tiếng Việt rằng cả mạng xã hội và báo chí chính thống “góp phần đáng kể vào tình trạng nhiễu loạn thông tin về dịch bệnh”, mà tới ngày 29/1 đã làm hơn 130 người tử vong ở Trung Quốc cũng như gần 6 nghìn trường hợp nhiễm virus được gọi chính thức là nCoV-2019 trên toàn thế giới.
Theo thống kê của Google, virus Corona là một trong những từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trong mấy ngày qua.
“Tâm lý đám đông là người ta hoang mang trước những hiện tượng mà họ chưa hiểu rõ. Giới y tế chưa có thuốc điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV-2019. Giới khoa học thì chưa hiểu rõ về vi khuẩn mới. Tất cả những sự thật đó làm cho công chúng hoang mang, và điều đó cũng dễ hiểu”, chuyên gia người Việt nói.
Trên mạng xã hội tiếng Việt, phóng viên VOA tiếng Việt thấy những nội dung như “đại dịch cúm virus Corona Vũ Hán Trung Quốc - người đổ gục xuống như trong phim ma”, “một Việt kiều Mỹ đã dính vi khuẩn Vũ Hán” hay “dịch cúm triệt phổi đã giết người ở Cam Ranh Khánh Hòa”.
Còn trên truyền thông nhà nước Việt Nam, có thể thấy những hàng tít như: “Virus Vũ Hán bị nghi là sản phẩm của phòng thí nghiệm, có liên quan đến chương trình chiến tranh sinh học của Trung Quốc”, “Rùng mình cảnh ăn súp dơi - nguồn nghi gây dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc” hay “Từng có cảnh báo nguy cơ vi rút nguy hiểm xổng khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán”.
Trong một chỉ thị hôm 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an “xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng”.