Cơ quan ngoại giao Mỹ và Anh mới lên tiếng cảnh báo các công dân nước mình ở Việt Nam về tình trạng “nước sạch nhiễm dầu thải” ở thủ đô Hà Nội, kêu gọi họ “tránh” dùng nước máy và “sử dụng nước đóng chai”.
Trong thông báo có tựa đề “Ô nhiễm nước ở Hà Nội”, Đại sứ quán Mỹ viết rằng “từ ngày 9 - 10 tháng 10, cư dân ở Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm của Hà Nội báo cáo rằng nước máy của họ có mùi khó chịu và họ phải mua nước đóng chai để nấu ăn và tắm cho trẻ em”, và rằng “chính quyền Hà Nội tuyên bố nguyên nhân là do dầu thải đổ ra một con suối gần đó và tràn vào hồ chứa của công ty nước Sông Đà ở tỉnh Hòa Bình”.
“Báo cáo kiểm tra nước cho thấy nước từ cơ sở xử lý nước Sông Đà có mức styrene, một hợp chất hóa học được sử dụng trong sản xuất nhựa và cao su, cao hơn khuyến nghị 1,3 – 3,6 lần”, cảnh báo đăng ngày 18/10 có đoạn. “Chính quyền Hà Nội cảnh báo người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng không sử dụng nước này để nấu ăn và uống”.
Cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội còn liệt kê “những hành động cần thực hiện”, trong đó kêu gọi các công dân Hoa Kỳ ở Việt Nam “theo dõi tin tức địa phương và trang thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để cập nhật”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng “nước máy ở Việt Nam không thể uống trực tiếp hoặc nấu ăn”, đồng thời kêu gọi công dân “tránh” dùng nước máy và “sử dụng nước đóng chai”.
Ngoài ra, công dân Mỹ cũng được khuyên “tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu có bất kỳ mối quan tâm về sức khỏe”.
Trong một cảnh báo tương tự mà tới ngày 23/10 vẫn còn hiệu lực, Bộ Ngoại giao Anh cho biết rằng “chính quyền Hà Nội đã thông báo rằng các hóa chất độc hại đã được phát hiện trong nước máy tại một số khu vực và vùng phụ cận của thành phố sau vụ đổ hóa chất”.
“Các công dân Anh được khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tránh uống hoặc nấu ăn bằng nước máy”, cảnh báo có đoạn.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết rằng mỗi năm, các công dân nước này thực hiện hơn 300 nghìn chuyến thăm tới Việt Nam. Hiện chưa rõ con số tương tự của công dân Mỹ.
Ít ngày sau khi cơ quan ngoại giao Mỹ và Anh lên tiếng cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước, theo trang tin Zing News, hôm 22/10, UBND thành phố Hà Nội “khẳng định nước sạch sông Đà đã an toàn, người dân có thể sử dụng sinh hoạt” nhưng nói thêm rằng “để đáp ứng yêu cầu của người dân, Hà Nội vẫn tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe stéc và bình nước loại 20 lít nếu ai có nhu cầu”.
Một ngày sau đó, theo báo chí trong nước, công an tỉnh Hòa Bình hôm 23/10 “khởi tố, tạm giam” ba người trong độ tuổi từ 25 tới 37 tuổi “có hành vi vận chuyển, đổ gần 9 tấn dầu thải xuống nguồn nước sông Đà”.
Các nghi can, vốn bị cáo buộc “trực tiếp xả dầu thải xuống sông Đà”, được cho là “đối mặt với cáo buộc phạm tội ‘Gây ô nhiễm môi trường’, theo khoản 2 điều 235 Bộ luật hình sự 2015”.
Truyền thông trong nước dẫn lời chính quyền nói rằng “nguồn dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ”, nhưng “động cơ đổ dầu vào con suối gần nguồn cấp nước sông Đà đến nay chưa được công an tiết lộ”.
Vụ ô nhiễm nước ở Hà Nội được cho là đã gây xáo trộn sinh hoạt của người dân thủ đô Việt Nam. Các hình ảnh cho thấy cảnh người dân phải xếp hàng dài để chờ lấy nước sạch hay tình trạng mà báo chí trong nước nói là “càn quét” siêu thị để mua nước đóng chai nhằm tích trữ.
Theo Zing News, trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội hôm 22/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “cũng phải sử dụng nước bẩn ba ngày liền”.
Tờ VnExpress hôm 24/10 dẫn lời nhiều người dân Hà Nội nói rằng họ “chưa tin nước sạch sông Đà an toàn”, nên “vẫn đi mua nước đóng chai”.
Khuyến cáo của Mỹ và Anh được đưa ra không lâu sau khi hai nước phương Tây này phát “cảnh báo đỏ” về tình hình ô nhiễm không khí “nguy hiểm” ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP HCM.