Một quan chức của TP HCM mới nói rằng Việt Nam “không thể quay mặt đi” khi đương đầu với Trung Quốc, trong khi một chuyên gia nước ngoài nói rằng Bắc Kinh đang đẩy Hà Nội “vào thế khó”.
Dù bất cứ hoàn cảnh nào giữa ta và Trung Quốc vẫn phải duy trì kênh đối thoại chứ không thể quay mặt đi.Ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM, được truyền thông trong nước trích lời nói với các cử tri hôm 15/10 về vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc, đồng thời khẳng định rằng “chưa bao giờ” lực lượng hải quân Việt Nam “hùng mạnh như bây giờ”.
“Dù bất cứ hoàn cảnh nào giữa ta và Trung Quốc vẫn phải duy trì kênh đối thoại chứ không thể quay mặt đi”, ông Nhân, một ủy viên Bộ Chính trị, nói, theo Infonet, trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Lãnh đạo TP HCM được cho nói thêm rằng Việt Nam “đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án, lúc nào cần thiết sẽ sử dụng”, nhưng “mỗi bước cao hơn kèm theo sự căng thẳng hơn nên cần phải cân nhắc”.
Bình luận của lãnh đạo trung tâm tài chính của Việt Nam được đưa ra một ngày sau khi có tin chưa được Hà Nội xác nhận nói rằng tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn hoạt động trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên khoảng 120 km.
Về diễn biến này, ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington, nhận định rằng đó là “thông điệp” của Bắc Kinh về việc tiếp tục “củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.
“Việc Trung Quốc sử dụng tàu thăm dò ở Bãi Tư Chính là một chỉ dấu cho thấy rằng Trung Quốc cảm thấy có quyền thăm dò dầu khí trong đường đứt khúc chín đoạn (tức “đường lưỡi bò”), kể cả việc đó có ở trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam”, ông Hiebert nói.
“Điều này đẩy Việt Nam vào một tình thế khó khăn vì sau các áp lực về hải quân của Trung Quốc đối với Việt Nam trong những tháng gần đây, các công ty dầu khí nước ngoài sẽ ngày càng cảm thấy lo lắng khi ký hợp đồng với Việt Nam vì lo ngại rằng họ sẽ phải gánh chịu áp lực quân sự lớn”.
Nhà nghiên cứu về tình hình ở Biển Đông này nói thêm rằng một mặt “Trung Quốc luôn nói với lãnh đạo ở Đông Nam Á rằng họ không nên lo lắng vì các tham vọng của Trung Quốc hoàn toàn ôn hòa”, nhưng mặt khác, “họ cũng cho thấy rõ rằng họ sẽ bảo vệ và chiếm giữ những gì mà họ coi là của mình, đặc biệt là ở Biển Đông”. Chuyên gia của CSIS nêu ví dụ về việc Trung Quốc đưa các tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái và xe tăng qua Bắc Kinh trong cuộc diễu hành nhân dịp 70 năm ngày Quốc khánh hồi đầu tháng này. Các chuyên gia khác từng nhận định rằng hành động phô trương vũ khí đó “đe dọa gián tiếp” Việt Nam.
Cùng ngày ông Nguyễn Thiện Nhân nói về việc “không thể quay mặt đi” với Trung Quốc, Tổng bí thư và Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập với cử tri về vấn đề tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, nói thêm rằng “hay gì mà [gây] căng thẳng” vì “cả đôi bên cùng thiệt”.
Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
“Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó”, ông Trọng nói, theo báo Thanh Niên.
“Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?”
Trong chuyến thăm Nepal mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình được truyền thông Trung Quốc dẫn lời cảnh báo rằng bất kỳ âm mưu nào nhằm chia rẽ Trung Quốc sẽ bị "đập tan".
Một số chuyên gia cho rằng đây không chỉ là lời cảnh báo đối với người dân Hong Kong mà còn với cả các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.