Nhiều người dân trong nước muốn chính phủ công khai về hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh được ký kết cách đây 4 năm và bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành “miền đất hứa” cho tội phạm Trung Quốc.
Quốc hội Trung Quốc hôm 26/8 phê chuẩn hiệp ước gồm 22 điều khoản và theo Xinhua (Tân Hoa Xã), hiệp định này được hai nước bắt đầu bàn thảo từ năm 2013 và ký kết năm 2015.
Cũng như nhiều người Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội, nhà báo Võ Văn Tạo và luật sư Lê Đình Việt nói với VOA rằng họ ngạc nhiên khi biết thông tin về hiệp định được ký kết với Trung Quốc.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi thông tin đó không đến với người Việt Nam bằng những cơ quan chính thức của nhà nước Việt Nam mà chỉ là những tin lan truyền qua hệ thống mạng rằng phía Trung Quốc công bố việc Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua hiệp định dẫn độ đó,” nhà báo Võ Văn Tạo nói từ Nha Trang. “Là những người Việt Nam, chúng tôi không hề được biết mà chỉ biết gián tiếp qua thông tin trên mạng.”
LS Lê Đình Việt, người hành nghề luật trong hơn 10 năm qua ở Hà Nội, cũng cho biết ông rất ngạc nhiên về thông tin này qua báo chí nước ngoài.
“Một vấn đề quan trọng như vậy, liên quan đến an ninh quốc gia và an ninh-an toàn của mọi công dân mà chúng tôi, là những công dân, mà lại không biết," LS Lê Đình Việt. "Bản thân tôi và rất nhiều người đã rất ngạc nhiên về việc này.”
Việc quốc hội Trung Quốc thông qua hiệp ước dẫn độ với Việt Nam sẽ làm nó có hiệu lực. Không rõ quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn hiệp ước này chưa.
Theo tìm hiểu của VOA, truyền thông Việt Nam chưa có ghi nhận nào về việc Trung Quốc phê chuẩn Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, và cũng không thông tin về việc hai nước bàn thảo cũng như ký kết hiệp ước này trong những năm qua.
Trong mấy tháng gần đây, hàng trăm người Trung Quốc phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đã được trao trả lại Trung Quốc mà không bị xét xử.
Bốn trăm người Trung Quốc tổ chức đường dây đánh bạc được cho là lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam qua mạng internet ở Hải Phòng, được trao trả cho Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn chỉ hơn 1 tháng sau khi Trung Quốc thông báo về việc phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Việt Nam.
Trước đó, hàng chục người Trung Quốc điều hành sàn chứng khoán giả hoặc phạm tội giết người Việt Nam đều được dẫn độ về Trung Quốc mà không qua xét xử ở Việt Nam.
“Bản thân tôi và rất nhiều công dân khác không hài lòng khi hành vi phạm tội xảy ra ở Việt Nam làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh và an toàn khu vực ở Việt Nam, nhưng lại được giao cho Trung Quốc để giải quyết ở Trung Quốc. Điều đó không đảm bảo sự khách quan và tính công bằng,” LS Lê Đình Việt của công ty luật Minh Tín nói và cho biết rằng theo luật của Việt Nam, các hành vi phạm tội xảy ra ở Việt Nam phải được xét xử ở Việt Nam.
'Thiên đường' cho tội phạm Trung Quốc?
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng có 10 năm tham gia hội thẩm nhân dân ở Nha Trang, nói rằng theo hiểu biết của ông thì hiệp định dẫn độ là để trả nghi can phạm tội ở Trung Quốc chạy trốn sang Việt Nam, chứ không phải người Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam về nước họ.
Các vụ việc trao trả tội phạm Trung Quốc gây tranh cãi trong công chúng gần đây được Bộ Công an Việt Nam giải thích là chuyên án của Bộ, và rằng Bộ đã ký thỏa thuận về hợp tác trong công tác phòng chống tội phạm với Trung Quốc.
“Dư luận Việt Nam đang bất bình về hiệp ước này,” ông Lê Quang Huy, một người sinh sống ở TP HCM viết trên Facebook cá nhân. “Bất bình vì sự thiếu vắng của tính minh bạch và tính công khai của việc ký kết. Bất bình vì nó mang lại nhiều bất lợi cho Việt Nam.”
LS Lê Đình Việt cũng nói rằng, như nhiều công dân khác, ông “muốn biết rõ hiệp ước dẫn độ nội dung của nó như thế nào, quy định về trường hợp nào thì dẫn độ, trao trả cho phía Trung Quốc và trường hợp nào phải được giải quyết ở Việt Nam.”
Tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam đã gia tăng trong những năm gần đây trong nhiều lĩnh vực, theo quan sát của LS Lê Đình Việt. Ông cho biết đặc biệt trong năm 2019, số lượng các vụ việc phạm tội của người Trung Quốc tăng rất nhiều và với quy mô lớn.
Tuần trước Bộ Công an thông báo đã phá vỡ đường dây sản xuất ma túy “cực lớn” của người Trung Quốc ở Kon Tum và Bình Định, trong đó 4 người dính líu tới đường dây này chỉ bị xử phạt hành chính.
Trong tuần này, truyền thông trong nước cũng đăng tải thông tin về việc bắt giữ các nhóm người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam khi có hành vi sản xuất phim đồi trụy và quan hệ tình dục với trẻ em ở Đà Nẵng, cho vay nặng lãi thông qua ứng dụng điện thoại ở TP HCM, và gắn thiết bị ‘lạ’ trộm thông tin hàng trăm thẻ ATM nhằm chiếm đoạt tài sản ở Nghệ An.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết với việc mở cửa cho nhiều người Trung Quốc vào làm ăn và sinh sống ở Việt Nam, nhiều người dân trong nước lo ngại rằng Việt Nam sẽ là “thiên đường và miền đất hứa” cho tội phạm Trung Quốc vì khi họ “gây tội ác ở Việt Nam và không bị trừng phạt và xét xử ở Việt Nam. “Đấy là sơ hở để những kẻ có tiền án tiền sự ở Trung Quốc chạy sang Việt Nam để tiếp tục gây tội ác ở Việt Nam.”
Theo LS Lê Đình Việt, hiệp ước dẫn độ Việt-Trung sẽ thu hút nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam phạm tội.
Nhiều người dùng Facebook trong những ngày qua cũng cho rằng “Việt Nam sẽ là thiên đường cho tội phạm Trung Quốc” sau vụ xử phạt hành chính và việc Trung Quốc đưa hiệp ước dẫn độ với Việt Nam vào thực thi.
“Tôi hy vọng nhà nước Việt Nam sớm nhận ra điều này để có những biện pháp điều chỉnh kịp thời trong hệ thống luật pháp cũng như thực thi luật pháp để hạn chế tình trạng phạm tội người Trung Quốc gây tội ác ngày càng nhiều ở Việt Nam,” nhà báo Võ Văn Tạo nói.