Đường dẫn truy cập

Dư luận so sánh, bức xúc về mức phạt dành cho đại úy công an gây rối sân bay


Hình trích xuất từ báo Tuổi Trẻ.
Hình trích xuất từ báo Tuổi Trẻ.

Một nữ đại úy công an bị phạt 200.000 đồng hồi cuối tuần qua do “gây rối”. Gần như cùng thời điểm đó, một thanh niên bị phạt 7,5 triệu đồng vì “xúc phạm” cảnh sát giao thông. Hai sự việc này làm cho nhiều người Việt Nam thấy phẫn nộ, bức xúc về sự bất bình đẳng trong áp dụng pháp luật.

Các báo trong nước hôm 22/8 dẫn lời lãnh đạo đồn công an Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận rằng họ phạt 200.000 đồng đối với bà Lê Thị Hiền, một đại úy công an ở Hà Nội, vì người phụ nữ này “gây rối trật tự công cộng”.

Trước đó, các bản tin cho hay nữ đại úy công an “chửi rủa thậm tệ” nhân viên hàng không và “chống đối” nhân viên an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất vì có bất đồng về việc gửi hành lý hôm 11/8. Các đoạn video về hành vi và lời nói của bà Hiền đã lan truyền trên mạng trong mấy ngày qua.

Một ngày sau khi có tin bà Hiền bị phạt, vẫn báo chí Việt Nam cho hay công an huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, hôm 23/8 phạt 7,5 triệu đồng đối với anh Nguyễn Thanh Bình, 25 tuổi, vì anh này “xúc phạm” lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh trên mạng xã hội.

Theo các bản tin, cảnh sát giao thông chặn bắt một nam thanh niên hôm 15/8 vì anh ta không đội mũ bảo hiểm. Tiếp đến, cảnh sát tạm giữ xe máy của anh này do anh ta không xuất trình được các giấy tờ liên quan. Anh Nguyễn Thanh Bình, bạn của nam thanh niên, đã dùng điện thoại chụp ảnh tổ cảnh sát rồi sau đó đăng lên trang Facebook cá nhân “với lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của các nhân viên công an, các báo cho hay, nhưng không nói thêm về các chi tiết.

... người dân chống đối, cản trở cảnh sát thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, những người có chức vụ, quyền hạn gây ra một điều gì đó với người dân thì thường chỉ xem xét khiển trách thôi. Nó tạo ra sự bất bình đẳng trong vấn đề xem xét trách nhiệm của mọi người trước pháp luật.
Luật sư Trần Thu Nam

Việc phạt công dân số tiền lên đến hàng triệu đồng về tội “xúc phạm” không phải là hiếm ở Việt Nam. Cách đây hơn 2 tuần, công an Bắc Ninh phạt một cô gái 22 tuổi 7,5 triệu vì viết trên Facebook rằng cảnh sát giao thông “đói lắm”, “bu như ruồi” để phạt cô.

Hồi tháng 5, ông Quách Duy, một chuyên viên văn phòng tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, bị sở thông tin và truyền thông của thành phố quy là “xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân khác” và phạt số tiền tương tự vì ông Duy đăng bài trên mạng về một vụ sai phạm đất đai.

Trước đó, hồi năm 2015, một cô giáo và một nhân viên điện lực ở tỉnh Kiên Giang bị nhà chức trách địa phương phạt mỗi người 5 triệu đồng do họ viết trên Facebook chê rằng chủ tịch tỉnh có “cái mặt kênh kiệu”.

Trên mạng xã hội những ngày gần đây, nhiều người so sánh các mức phạt kể trên, phẫn nộ cho rằng đó là “sự tương phản chua chát”.

Trang Báo chí sạch mới ra đời của một số nhà báo tự do dẫn lại một bài trên trang cá nhân của Facebooker Đoàn Kiên Giang cho rằng đang tồn tại song song cái gọi là “luật cho quan”, hàm ý nói đến cán bộ nhà nước, và “luật cho dân”.

Facebooker tự giới thiệu là một cây bút tại tờ Nhà báo và Công luận đưa ra quan sát rằng “dân chê hoặc chửi trên mạng (thường chỉ dám trên mạng), bị phạt tiền triệu ngay”, trong khi đó, “quan chê hoặc chửi ngoài đường (dân đố dám), phạt 200.000 đồng”.

Tình trạng như vậy, dưới con mắt của cây bút Đoàn Kiên Giang, vừa là “sự bất công” và “nỗi sợ hãi”, vừa là “mầm mống gây đổ vỡ niềm tin vào thể chế, luật pháp”.

Qua sự việc gây rối, nhục mạ người khác mà nữ đại úy Lê Thị Hiền gây ra “mới thấy quan trí nhiều nơi đang tệ hại ra sao”, Facebooker Đoàn Kiên Giang viết thêm.

Bài viết được hơn 400 lượt người chia sẻ từ trang cá nhân của Facebooker này cũng như từ trang Báo chí sạch.

Luật nói về lý thuyết thì cũng đồng đều với nhau. Nhưng mà khi áp dụng họ cũng có thể du di vì tình cảm, vì thế này thế khác, họ có thể giảm nhẹ. Thế còn luật quy định không nói ‘luật cho quan’ cái gì hết.
Luật sư Nguyễn Khả Thành

Bình luận về bài viết, nhiều người cho rằng luật pháp Việt Nam “như trò cười cho thiên hạ” khi mà cán bộ nhà nước “cư xử vô học” song chỉ bị phạt “cho vui”.

Một số người chỉ ra điều mà họ cho là vô cùng bất hợp lý khi nữ đại úy công an rõ ràng đã “xỉ vả, xúc phạm người khác”, song không bị phạt 7,5 triệu đồng, mà chỉ bị khép vào tội gây rối, với mức phạt thấp hơn tới 37,5 lần, là 200.000 đồng.

Luật sư Trần Thu Nam bình luận với VOA:

“Người ta thường nói là ‘luật cho quan riêng, luật cho dân riêng’ không phải là không có cơ sở. Ví dụ, người dân chống đối, cản trở cảnh sát thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, những người có chức vụ, quyền hạn gây ra một điều gì đó với người dân thì thường chỉ xem xét khiển trách thôi. Nó tạo ra sự bất bình đẳng trong vấn đề xem xét trách nhiệm của mọi người trước pháp luật”.

Một luật sư khác, ông Nguyễn Khả Thành, bày tỏ ý kiến với VOA:

“Luật nói về lý thuyết thì cũng đồng đều với nhau. Nhưng mà khi áp dụng họ cũng có thể du di vì tình cảm, vì thế này thế khác, họ có thể giảm nhẹ. Thế còn luật quy định không nói ‘luật cho quan’ cái gì hết. Nhưng mà đến khi thi hành luật người ta có thể vận dụng điều này điều khác thì gần như cái nào thấy cũng trúng hết”.

Hành vi của bà Hiền là không thể chấp nhận được ... Trường hợp này, cần phải xử lý nghiêm, và theo tôi, loại người này, rất không nên cho ở lại lực lượng công an.
Nhà báo Nguyễn Như Phong

Bên cạnh những ý kiến bức xúc về mức tiền phạt bị xem là quá nhẹ và không hoàn toàn tương xứng với các hành vi của bà Hiền, nhiều người cũng đề nghị ngành công an có hình thức kỷ luật nghiêm của ngành đối với nữ đại úy.

Cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong, từng là phó tổng biên tập báo Công an Nhân dân, viết trên trang cá nhân rằng ông “hoan hô” lãnh đạo công an quận Đống Đa, Hà Nội, là cơ quan chủ quản của đại úy Hiền, về việc họ “đình chỉ công tác” bà Hiền 30 ngày do “đã có hành vi và lời nói rất thiếu văn hóa tại nơi công cộng đã gây phẫn nộ trong dư luận”.

Mặc dù vậy, cựu đại tá Phong cho rằng cần phải có động thái mạnh hơn, ông viết: “Theo tôi, loại người này rất không nên cho ở lại lực lượng công an”.

Có chung quan điểm với ông Nguyễn Như Phong, một bài báo trên tờ Lao Động cách đây 3 ngày của cây bút Lê Thanh Phong nhấn mạnh rằng không thể để “một kẻ có hành vi côn đồ như bà Lê Thị Hiền” trong hàng ngũ công an.

Tác giả bài báo đưa ra đề nghị là “phải loại trừ” bà Lê Thị Hiền ra khỏi ngành “để giữ gìn hình ảnh” của cán bộ, chiến sĩ công an, cũng như “để giữ niềm tin và sự tôn trọng” củanhân dân đối với công an.

VOA Express

XS
SM
MD
LG