Chuyên gia về Biển Đông nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã “gây phức tạp” cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh.
Ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, cho biết rằng tính tới ngày 23/7, các tàu hải cảnh của Trung Quốc “vẫn hoạt động gần giàn khoan dầu của Nhật ở phía tây Bãi Tư Chính”, trong khi tàu Haiyang Dizhi 8 “tiếp tục tiến hành khảo sát địa chấn tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở phía tây quần đảo Trường Sa”.
Tin cho hay, công ty Rosneft của Nga thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC) để thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại Lô 06.1 của Việt Nam ở Biển Đông trong khu vực mà Hà Nội tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
VOA tiếng Việt đã liên lạc với Rosneft và JDC để hỏi phản ứng về vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Ông Martinson nói rằng ông “không ngạc nhiên” về việc hai công ty này không muốn lên tiếng.
“Thật dễ hiểu. Họ không muốn chọc tức Trung Quốc”, ông nói thêm với VOA Việt Ngữ. “Tôi chắc chắn rằng sự liên quan của công ty Nga Rosneft đã gây phức tạp cho việc ra quyết sách của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ không muốn làm bất cứ điều gì gây tổn hại tới mối quan hệ tốt đẹp với Nga”.
“Vượt khỏi tầm kiểm soát”
Ông Murray Hiebert, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở thủ đô Washington, cho rằng Trung Quốc “rõ ràng đang gây áp lực” đối với các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.
“Việt Nam quyết định không đứng nhìn và chấp nhận áp lực của Trung Quốc như trong việc [dừng hoạt động thăm dò] tại hai lô [đã cấp phép] cho công ty Repsol [của Tây Ban Nha] vào năm 2017 và 2018”, ông Hiebert nói.
“Với việc Việt Nam triển khai tàu cảnh sát biển tới gần tàu thăm dò của Trung Quốc, đôi bên rõ ràng đang bước vào một tình thế mà một vụ tai nạn hoặc phản ứng thái quá của thuyền trưởng tàu có thể khiến việc tranh chấp vượt ra khỏi tầm kiểm soát”.
Nhà nghiên cứu về Biển Đông này đồng ý với ý kiến cho rằng việc các công ty Nga và Nhật liên quan tới vụ đối đầu lần này giữa tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc đã “đa phương hóa” vụ việc, nhưng về cơ bản, các bên “nhiều khả năng coi đây là vấn đề giữa Hà Nội và Bắc Kinh”.
Ông Hiebert nói rằng hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam sau khi tiến hành bước đi tương tự ở ngoài khơi Malaysia và Philippines khiến “cộng đồng quốc tế chú ý tới việc Trung Quốc gây áp lực đối với các quốc gia láng giềng”.
Liên quan tới vụ Bãi Tư Chính, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20/7 ra tuyên bố nhắc tới cả Trung Quốc và Việt Nam, trong đó “mạnh mẽ phản đối việc cưỡng ép và đe dọa” đồng thời nói rằng Bắc Kinh “nên chấm dứt hành vi bắt nạt và ngưng thực hiện hoạt động gây bất ổn và khiêu khích này”.
VOA tiếng Việt đã liên lạc phỏng vấn với Bộ Ngoại giao Nga và Nhật Bản, nhất là hỏi xem Moscow và Tokyo hỗ trợ gì cho hai công ty Rosneft và JDC, nhưng tới ngày 24/7 vẫn chưa nhận được hồi đáp.