Thượng uý Đặng Đức Toại là phi công quân sự đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công của Không lực Hoa Kỳ, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội thông báo trong một bài viết ngắn đăng trên trang Facebook của mình hôm 3/6.
Đại sứ quán “chúc mừng” viên phi công được nêu tên và cho biết thêm ông Toại được đào tạo trong khuôn khổ Chương trình Lãnh đạo Hàng không của Không lực Hoa Kỳ (USAF), tại Căn cứ Không quân Columbus, bang Mississippi.
Các tài liệu công bố trên mạng của Bộ Quốc phòng và Hạ viện Mỹ cho biết, Không lực Hoa Kỳ được phép thực hiện Chương trình Lãnh đạo Hàng không để đào tạo phi công ở bậc căn bản và các huấn luyện khác có liên quan cho “không quân của các nước ngoài thân thiện và đang phát triển”.
Ra đời theo một đạo luật về ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 1994, Mỹ nhìn nhận rằng các nỗ lực của chương trình có thể “thúc đẩy các lợi ích về an ninh quốc gia của Mỹ” và “cải thiện quan hệ song phương” với các nước nhận tài trợ từ chương trình.
Chương trình bao gồm “dạy ngôn ngữ” và các học phần “nhằm thúc đẩy nhận thức và hiểu biết tốt hơn về các định chế dân chủ và khuôn khổ xã hội của Hoa Kỳ”, theo các tài liệu của Bộ Quốc phòng và Hạ viện Mỹ.
Theo tìm hiểu của VOA qua phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, phi công quân sự của Việt Nam bắt đầu tham gia chương trình huấn luyện của Không lực Hoa Kỳ từ năm 2016.
Hồi giữa tháng 12/2017, tin tức trên báo chí Việt Nam cho biết, khi Đại tướng Terrence J. O’shaughnessy, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ, thăm và làm việc tại Việt Nam, hợp tác về “huấn luyện, đào tạo phi công” là một trong các chủ để bàn thảo giữa vị tư lệnh và các lãnh đạo quốc phòng nước chủ nhà.
VOA được biết, trước ông Đặng Đức Toại, đã có một phi công khác của Không quân Nhân dân Việt Nam theo học chương trình của Không lực Hoa Kỳ trong hơn 2 năm. Nhưng “do hạn chế về tiếng Anh nên không tốt nghiệp được”, một nguồn tin ngoại giao không muốn nêu danh tính cho hay. Viên phi công đó được trao “chứng chỉ tham gia chương trình” thay cho bằng tốt nghiệp.
Trong thông báo trên trang Facebook chính thức, Đại sứ quán Mỹ nói rằng tiếp sau ông Toại, Trung uý Doãn Văn Cảnh, người hiện đang theo học Chương trình Lãnh đạo Hàng không, cũng sẽ sớm tốt nghiệp.
“Không lực Hoa Kỳ mong muốn có thêm nhiều phi công Việt Nam tham dự Chương trình Lãnh đạo Hàng không trong tương lai!” Đại sứ quán Mỹ nói.
Kèm theo bài đăng của đại sứ quán là bức ảnh chụp Thượng úy Toại đứng cùng hai phi công ngoại quốc trước một chiếc Beechcraft T-6 Texan II, là máy bay huấn luyện nhỏ có động cơ cánh quạt và 2 chỗ ngồi.
Hồi tháng 2 năm nay, trong báo cáo gửi đến Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, đã đề cập một số loại vũ khí Mỹ mà Việt Nam đặt mua hoặc được tặng, trong đó có các máy bay không người lái ScanEagle, máy bay huấn luyện T-6 và tàu tuần duyên thứ 2 của lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Sau khi báo chí loan tin về việc Việt Nam sẽ nhận được T-6, báo Đất Việt đưa ra phỏng đoán rằng đây có thể là một bước để Việt Nam chuẩn bị cho việc “hỏi mua” tiêm kích hạng nhẹ F-16 của Mỹ nhằm thay thế số MiG-21 đã nghỉ hưu, cũng như chuẩn bị cho việc phi đội Su-22 cũng sắp đến thời hạn ngừng bay.
Trước năm 1975, Mỹ đã đào tạo nhiều phi công chiến đấu cho Việt Nam Cộng Hòa ở miền nam, khi đó là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo chủ nghĩa cộng sản ở miền bắc.
Sau khi phe cộng sản chiến thắng, Việt Nam có tên chính tức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976.
Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ vào tháng 7/1995. Hai nước ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) về Hợp tác Quốc phòng vào tháng 9/2011, một văn bản có mức độ ràng buộc pháp lý thấp nhưng vẫn được giới phân tích đánh giá rằng đó là “bước tiến lớn đánh dấu lần đầu tiên hai nước Việt, Mỹ định hình chính thức khuôn khổ hợp tác rõ ràng”.
Biên bản xác định 5 lĩnh vực thúc đẩy hợp tác quốc phòng gồm hợp tác an ninh hàng hải, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo và thiên tai, và hợp tác giữa các trường đại học quốc phòng và các viện nghiên cứu.