Bất chấp sự chống đối ngày càng tăng ở địa phương và quốc tế, lãnh đạo Hồng Kông hôm 21/5 nói rằng chính quyền của bà quyết tâm thông qua dự luật dẫn độ, theo đó các cá nhân có thể được đưa về lại Hoa lục để bị xét xử, theo Reuters.
Dự luật được đề xuất đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở cựu thuộc địa Anh, vốn được hứa sẽ được duy trì một mức độ tự trị cao theo nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế” khi được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Hôm 20/5, chính quyền Hong Kong cho biết sẽ bỏ qua thủ tục lập pháp để đẩy nhanh việc thông qua các sửa đổi đối với Pháp lệnh về Tội phạm Bỏ trốn, mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuần trước mô tả là “đe dọa nguyên tắc pháp trị ở Hồng Kông”.
Những người chống đối đã phá vỡ một loạt các phiên lập pháp xem xét dự luật, với những vụ xô xát nổ ra trong hội đồng lập pháp.
“Thời gian dành cho việc bàn thảo đã hết”, Reuters dẫn lời Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam nói với các phóng viên.
“Vấn đề nghiêm trọng nhất là chúng tôi không nhìn thấy hướng ra, làm cách nào để phá vỡ sự bế tắc này ngoài việc buộc tôi phải hủy bỏ dự luật, nhưng điều này là không thực tế”, bà Lam nói với các phóng viên.
Bà Lam cho biết dự luật sẽ được gửi trực tiếp đến toàn bộ cơ quan lập pháp vào ngày 12/6 để đọc lại lần thứ hai, nhằm cố gắng thông qua trước thời gian cơ quan lập pháp nghỉ họp vào mùa hè.
Nếu dự luật được thông qua, thì đây là lần đầu tiên Hồng Kông cho phép dẫn độ đến các quốc gia không có hiệp ước dẫn độ hiện tại với Hong Kong, kể cả Đài Loan và Hoa lục.
Phía Đài Loan nói dự luật này nếu được thông qua, sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp nhiều hơn vào Hồng Kông, đặt ra nguy cơ cho bất kỳ người Đài Loan nào đi qua thành phố này. Chỉ trích cũng đã đến từ giới kinh doanh, pháp lý, truyền thông và ngoại giao ở Hồng Kông.
Chính quyền Hồng Kông khẳng định luật dẫn độ có các biện pháp để bảo vệ nhân quyền, bao gồm việc đòi hỏi tất cả các yêu cầu dẫn độ phải được tòa án địa phương chấp thuận.
Trong tuần qua, Bắc Kinh càng củng cố lập trường của mình, các quan chức cấp cao nói đang có nhu cầu khẩn cấp phải có luật này, mặc dù bà Lam trước đó nói rằng chính quyền của bà là bên thoạt tiên đẩy mạnh dự luật này.
Một phó ủy viên của Văn phòng Ủy viên nước ngoài của Trung Quốc tại Hồng Kông, ông Song Ru’an, nói với các nhà báo rằng “lỗ hổng ngày càng rõ ràng hơn”, và Bắc Kinh “kiên quyết ủng hộ” dự luật.
Ông nói Trung Quốc không tìm cách truy tố bất kỳ ai vì lý do “chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hay quan điểm chính trị”, và nói thêm rằng “thật đáng trách” khi các chính phủ nước ngoài hay “các lực lượng bên ngoài” đặt nặng vấn đề này.
Dự kiến sẽ có nhiều cuộc biểu tình lớn hơn diễn ra, bao gồm cuộc biểu tình vào ngày 4/6, khi Hong Kong tổ chức buổi thắp nến hàng năm để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu đối với phong trào ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989.
Lam Cheuk-ting, một nhà lập pháp của Đảng Dân chủ đối lập, chỉ trích động thái của chính quyền là đẩy nhanh “đạo luật tà ác”.
Các nhà lập pháp vẫn có thể đề xuất sửa đổi dự luật, nhưng các nhà phê bình nói rằng chính phủ có thể chọn không chấp nhận các đề xuất đó, trong bối cảnh hậu thuẫn đến từ đa số thân Bắc Kinh trong cơ quan lập pháp.