Đường dẫn truy cập

Hậu chiến VN: Nhiều việc phải làm để ‘mang người Mỹ cuối cùng về nhà’


Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh trao 1 bức tranh cho Chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ, Nancy Lindborg, hôm 26/3 ở Washington DC.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh trao 1 bức tranh cho Chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ, Nancy Lindborg, hôm 26/3 ở Washington DC.

Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm cho tới hài cốt cuối cùng của binh sỹ Mỹ đã mất tích trong chiến tranh Việt Nam, đồng thời khắc phục các hậu quả khác của chiến tranh để xây dựng lòng tin và hợp tác với nhau nhiều hơn trong tương lai.

Hai quốc gia cựu thù đã hợp tác với nhau trong hơn 30 năm qua để khắc phục các hậu quả do chiến tranh để lại, trong đó có tìm kiếm người Mỹ mất tích, rà phá bom mìn, tẩy rửa các vùng đất bị nhiễm dioxin, và tiêu tẩy chất độc Da cam. Nhưng theo những quan chức và chuyên gia Việt Nam và Mỹ, còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục hết những hậu quả của chiến tranh dù cuộc chiến đã kết thúc cách đây hơn 4 thập kỷ.

Tiếp tục cho đến khi nào hài cốt của người Mỹ cuối cùng được trở về với gia đình và cho đến khi nào những vùng đất ở Việt Nam không còn nguy hiểm đối với sinh mạng con người.
Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng

“Hợp tác về hậu quả chiến tranh, gồm có hợp tác về MIA (tìm kiếm người Mỹ mất tích) cũng như khắc phục hậu quả bom, mìn và dioxin ở Việt Nam thì chúng ta có chung một tiếng nói là vẫn phải tiếp tục. Tiếp tục cho đến khi nào hài cốt của người Mỹ cuối cùng được trở về với gia đình, và khắc phục cho đến khi nào những vùng đất ở Việt Nam không còn nguy hiểm đối với sinh mạng con người,” thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói hôm 26/3 tại một buổi hội thảo nhằm đánh giá các nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, hòa giải và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai.

Khắc phục hậu quả

Cho tới nay, 146 đợt hồi hương hài cốt về Mỹ đã được thực hiện với gần 1.000 hài cốt binh sỹ Mỹ được trao trả. Trong số này, phía Hoa Kỳ đã nhận dạng được gần 800 trường hợp, theo thông tin của Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mình và hóa chất độc hại sau chiến tranh ở Việt Nam. Hơn 58.000 lính Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, gần 2.000 người mất tích.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Lương, chỉ huy trưởng cơ quan Tìm kiếm người Mỹ mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, ngày 2/4 Việt Nam sẽ tiến hành một đợt trao trả hài cốt binh lính Mỹ tiếp theo.

Phía Việt Nam có hàng triệu người thiệt mạng và thương tật, ngoài ra còn có hàng trăm nghìn quân nhân mất tích. Vẫn theo thống kê của ban chỉ đạo quốc gia của Việt Nam, hiện còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.

Theo thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, những mộ chôn tập thể của những người lính Việt hy sinh đã được tìm thấy ở sân bay Biên Hòa và một số nơi khác nhờ vào những tài liệu do phía Mỹ cung cấp.

Một bức ảnh trưng bày tại Viện Hòa bình Mỹ hôm 26/3 cho thấy cựu Tổng thống Bill Clinton tới thăm hiện trường MIA (tìm kiếm người Mỹ mất tích) năm 2000.
Một bức ảnh trưng bày tại Viện Hòa bình Mỹ hôm 26/3 cho thấy cựu Tổng thống Bill Clinton tới thăm hiện trường MIA (tìm kiếm người Mỹ mất tích) năm 2000.

Trong khi Việt Nam giúp tìm kiếm binh sĩ Mỹ mất tích, phía Hoa Kỳ giúp Việt Nam xử lý chất độc hóa học/dioxin tại các điểm nóng như sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa.

“Bốn mươi héc ta đất vàng ở Trung tâm Đà Nẵng đã trở thành một khu vực phát triển, thành một sân bay mà chúng tôi đã đón Tổng thống Donald Trump sang Việt Nam dự hội nghị APEC năm 2017,” theo thượng tướng Vịnh.

Dự án tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, với khoản tài trợ 110 triệu USD từ phía Mỹ, đã hoàn tất vào tháng 11 ngăm ngoái và cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) giờ quay sang tập trung vào việc thực hiện cam kết của Mỹ trong việc tẩy độc chất da cam ở sân bay Biên Hòa.

Theo Thượng tướng Vịnh, dự án “kỷ lục thế giới” nhằm tẩy sạch dioxin ở Biên Hòa, rộng 1.000ha, sẽ được khởi động vào cuối tháng 4 khi đoàn nghị sỹ Mỹ, do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy dẫn đầu, thăm Việt Nam.

“Bom mìn còn rất nhiều trên đất Việt Nam nhưng những trẻ em bị thiệt mạng thì không còn nữa hoặc còn rất ít. Điều ấy 10 năm trước là một điều khó tin,” thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho biết.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về khắc phục hậu quả chiến tranh, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp cho Việt Nam các thiết bị phục vụ rà phá bom mình với tổng kinh phí khoảng 10 triệu USD trong vòng thời gian từ năm 2000-2010.

Thách thức

Xây dựng lòng tin giữa hai chính phủ được coi là một yếu tố quan trọng trong việc hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.

Các diễn giả tại buổi hội thảo "Khắc phục hậu quả chiến tranh: Đường tới hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Mỹ" hôm 26/3.
Các diễn giả tại buổi hội thảo "Khắc phục hậu quả chiến tranh: Đường tới hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Mỹ" hôm 26/3.

Lên tiếng tại buổi hội thảo ở Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ hôm 26/3, Thượng nghị sĩ Leahy nói Hoa Kỳ đã nhận thức là cần hòa giải với Việt Nam từ năm 1995, năm mà hai nước cựu thù bình thường hóa quan hệ bang giao, nhưng phải mất hàng chục năm sau đó hai bên mới thực sự tin nhau.

“Trong các cuộc đàm phán, người Việt Nam luôn nêu lên rằng chất độc da cam đã tác động tới người dân Việt Nam và cùng lúc, cũng có nhiều người Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam,” theo TNS Leahy. “Chúng tôi đã vận động hành lang chính phủ Mỹ. Vào năm 1991 cơ quan đặc trách các vấn đề cựu chiến binh của Bộ Ngoại giao Mỹ mới công nhận những hồ sơ đòi bồi thường. Và phải mất thêm 15 năm nữa thì chúng tôi mới bắt đầu giải quyết những vấn đề về Việt Nam.”

Theo những diễn giả tại hội thảo hôm 26/3, hai cựu thù dường như đã xây dựng được lòng tin qua việc hợp tác trong hơn 3 thập kỷ qua để giải quyết và khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, nhưng có những thách thức cho việc tiếp tục các chương trình này như thế nào.

“Thách thức lớn nhất vẫn là tiền,” Fred Downs, cựu giám đốc quốc gia của cơ quan phụ trách các vấn đề cựu chiến binh của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với VOA. Vị cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam cho rằng Mỹ còn có nhiều ưu tiên và có rất nhiều thứ phải làm như giao thông, hạ tầng cơ sở.

Nguồn tài chính của chính phủ Mỹ cho các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam phải được quốc hội thông qua.

Nhìn về tương lai

Làm thế nào để các sự ủng hộ của thế hệ những dân biểu và thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, John Kerry hay Leahy đối với việc như khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh sẽ được tiếp nối trong tương lai là một trong những điều được đưa ra bàn thảo hôm 26/3.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel (giữa) tại một phiên thảo luận hôm 26/3 ở Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ ở Washington, DC.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel (giữa) tại một phiên thảo luận hôm 26/3 ở Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ ở Washington, DC.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho rằng thế hệ cựu chiến binh Việt Nam trong chính trường Mỹ đã hết. “Không còn một cựu chiến binh nào trong quốc hội nữa,” ông Hagel, người từng tham chiến ở Việt Nam năm 1968.

Tuy nhiên, theo Marvin Kalb – một cựu phóng viên của CBS News từng viết về chiến tranh Việt Nam – thế hệ trẻ Mỹ sẽ mang thông điệp của hợp tác Mỹ-Việt tới tương lai. “Chúng ta giờ đây đang gần tới một chính phủ như kiểu (TNS) Leahy,” cựu thành viên của Viện Hòa bình Mỹ nói và ngụ ý về một chính phủ có những chính trị gia ủng hộ sự hợp tác với Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh.”

Trong vài tuần tới, TNS Leahy sẽ dẫn đầu một đoàn thượng nghị sỹ Mỹ trẻ tuổi đến Việt Nam. Đây được coi là một trong những việc làm để gắn kết thế hệ các chính trị gia Mỹ với sự ủng hộ cho việc tiếp nối công việc hòa giải và hợp tác tương lai với Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Washington, Hà Kim Ngọc, cho rằng Mỹ nên tiếp tục ủng hộ mối quan hệ giữa hai nước cho dù dưới chính quyền do đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa dẫn đầu và đưa ra cam kết từ phía Việt Nam dài hạn sẽ làm sâu sắc và mở rộng thêm mối quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ.

“Ngày nay, Việt Nam ngày càng trở thành một người bạn và đối tác gần gũi của Hoa Kỳ,” Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan nói hôm 26/3 và cho rằng mối quan hệ này được xây dựng dựa trên lòng tin thông qua việc cùng hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, nhất là trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để rời phá bom mìn và tẩy rửa chất độc dioxin ở Việt Nam, và tìm kiếm để đưa người Mỹ cuối cùng về nhà.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG