Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2018 vào sáng 10/1/2019, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết công an thành phố đã "phá rã và vô hiệu hóa" hơn 10 nhóm kín có mục đích "lật đổ chính quyền" trong năm 2018.
Theo ông Phong, ngày 1 đến ngày 4/9 là cao điểm của hoạt động của các nhóm này, đa số là kết nối nhau trên mạng. Các nhóm tập hợp lực lượng từ khắp nơi và phân tán địa bàn từ Hà Nội, Huế, Bình Thuận, TP.HCM và coi đây là địa điểm để tập hợp lực lượng chống đối trên toàn quốc.
Ông Phong cũng nói “chiến công gần nhất” xảy ra vào ngày 22/12/2018, vô hiệu hóa được một cuộc biểu tình.
Ông Phong nói nhóm kín này có khoảng 80 thành viên, mỗi thành viên xen kẽ liên hệ với các nhóm kín khác.
Bà Nguyễn Thị Thùy, trưởng nhóm tranh đấu vì quyền con người theo Hiến pháp 2013 của Việt Nam có tên Hiến Pháp, cho VOA biết 18 thành viên chủ chốt trong nhóm của bà gặp nhiều trở ngại trong năm qua, có thành viên bị bắt và xử 5 năm 6 tháng tù giam như ông Huỳnh Trương Ca.
Bà Nguyễn Thị Thùy, còn được biết với tên là blogger Nguyễn Uyên Thùy, chia sẻ với VOA khi đang lánh nạn tại Thái Lan:
“Chúng tôi dùng Hiến pháp để đấu tranh và buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi những điều luật trong Hiến pháp, đặc biệt là quyền con người. Chúng tôi đi truyền tải Hiến pháp, anh Trương Ca lập diễn đàn để diễn giải Hiến pháp. Chúng tôi lập nhóm kêu gọi biểu tình từ ngày 10/6, chúng tôi kêu gọi biểu tình nhưng không bạo động, và chỉ dùng ngôn luận để đối thoại với nhà cầm quyền.”
Chúng tôi lập nhóm kêu gọi biểu tình từ ngày 10/6, chúng tôi kêu gọi biểu tình nhưng không bạo động, và chỉ dùng ngôn luận để đối thoại với nhà cầm quyền.Bà Nguyễn Thị Thùy
Bà Thùy cho biết thêm về việc chính quyền ngăn chặn cuộc biểu tình nhân lễ Quốc khánh 2/9/2018 tại Tp. Hồ Chí Minh:
“Mặc dù ban đầu cuộc biểu tình bị đàn áp, nhưng chúng tôi đã dùng các điều luật Hiếp pháp để diễn giải và ngăn cản họ trong vòng 30 phút. Nhưng sau đó chính quyền tìm cách bắt nguội một số anh em. Cho đến ngày 4/9 chính quyền chính thức bắt một số người trong đoàn biểu tình đó.”
Theo Vietnam Human Rights Defenders, một số thành viên khác của nhóm Hiến Pháp bị bắt là ông Đỗ Thế Hòa (Facebooker Bang Lĩnh) bị bắt vào tối ngày 1/ 9, bà Đoàn Thị Hồng (Facebooker Xuân Hồng) bị bắt ngày 2/9, ông Ngô Văn Dũng (Facebooker Ngô Văn Dũng) bị bắt giam sau khi tiến hành phát livestream trực tiếp tại TP. HCM vào sáng ngày 4/9.
Trước đó vào tháng 8/2018, một tòa án ở thành phố HCM đã xét xử 12 bị cáo là thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời,” trong đó có hai công dân Mỹ là James Nguyễn và Angel Phan, với mức án tổng cộng 112 năm tù với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Người đứng đầu ngành công an thành phố đánh giá những tổ chức “phản động” này và những nhóm kín trên mạng “hoạt động bài bản, tinh vi.”
Ông Phong nói: “Các thế lực thù địch đã lợi dụng mạng xã hội kết hợp cùng các báo đài phản động nước ngoài, lấy ý kiến phỏng vấn một số cá nhân trong nước tạo các chiến dịch truyền thông tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng; quản lý, điều hành của Nhà nước... Qua đó, cố tình tạo hình ảnh xã hội bất ổn trong mắt nhân dân và bạn bè quốc tế.”
Các thế lực thù địch đã lợi dụng mạng xã hội kết hợp cùng các báo đài phản động nước ngoài, lấy ý kiến phỏng vấn một số cá nhân trong nước tạo các chiến dịch truyền thông tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng.Ông Lê Thanh Phong
“Trước đây là những tuyên truyền liên quan đến nhân quyền, về dân chủ, nhưng hiện nay trên không gian mạng các thế lực thù địch đang bày tỏ một ý đồ rất rõ ràng đòi lật đổ chính quyền...,” ông Phong nói.
Giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh rằng cơ quan của ông sẽ tăng cường thiết lập các tài khoản trên mạng xã hội để “vừa nắm tình hình, vừa để tuyên truyền phản bác luận điệu của các đối tượng thù địch và tuyên truyền những thông tin chính thống, những quan điểm tư tưởng của chúng ta.”