Ít nhất 24 ca tử vong đã được xác nhận tiếp theo sau thảm họa vỡ đập hôm thứ hai ở miền nam nước Lào. Hàng trăm người đã mất tích và hàng ngàn cư dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất trong sự cố này.
Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy sập đổ vào chiều tối thứ Hai ở tỉnh Attapeu khiến 5 tỷ mét khối nước tràn xuống, cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà, làm hàng ngàn cư dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều người vẫn còn mất tích.
Theo hãng tin KPL của nhà nước Lào, số người vô gia cư ở hạ lưu đập, cách thủ đô Vientiane khoảng 500 km về hướng Nam, lên tới khoảng 6.600 người.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hạ lệnh triển khai một đội cứu hộ khẩn cấp tới Lào để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi. Hai công ty Hàn Quốc, SK Engineering và Construction and Korea Western Power, có chân trong một tập đoàn công ty đã xây con đập cùng với 1 công ty Thái Lan và công ty Lào, là Lao Holding State Enterprise. Tập đoàn này có tên chung gọi tắt là PNPC.
Đập Xepian-Xe Nam Noy có công xuất 410 megawatt, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm tới với kinh phí ước lượng vào khoảng 1 tỉ USD.
Chỉ vài giờ trước thảm họa vỡ đập vào đêm thứ Hai, tập đoàn PNPC viết thư cảnh báo rằng hàng triệu tấn nước sẽ tràn xuống sông Xe-Pian nếu con đập mất an toàn này bị vỡ.
“Vài tiếng đồng hồ sau khi thư được công bố vào xế chiều thứ Hai, đập Xepian-Xe Nam Noy sập đổ thật. Rõ ràng là hệ thống cảnh báo không đạt tiêu chuẩn và lời cảnh báo dường như được đưa ra quá trễ cho rất nhiều người.”Bà Maureen Harris, Giám Đốc đặc trách Châu Á của tổ chức Sông Ngòi Quốc tế
Bà Maureen Harris, Giám Đốc đặc trách Châu Á của tổ chức Sông Ngòi Quốc tế, nói với VOA:
“Vài tiếng đồng hồ sau khi thư được công bố vào xế chiều thứ Hai, đập Xepian-Xe Nam Noy sập đổ thật. Rõ ràng là hệ thống cảnh báo không đạt tiêu chuẩn và lời cảnh báo dường như được đưa ra quá trễ cho rất nhiều người.”
Con đập bị sập là một đập phụ để chứa nước thặng dư từ con đập chính. Trong thư cảnh cáo, tập đoàn PNPC nói đập phụ trở nên mất an toàn do lượng mưa quá lớn và 5 triệu tấn nước sẽ tràn xuống sông Xe Pian nếu đập bị vỡ.
Ông Kijja Sripatthangkura, Giám Đốc điều hành của công ty Thủy điện Ratchaburi nói con đập “có nhiều vết rạn nứt, và nước đã thoát ra và tràn xuống vùng hạ lưu sông Xe-Pian, nằm cách con đập khoảng 5 km.”
Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào không trả lời các câu hỏi của VOA, trong khi Ủy ban sông Mekong, MRC, cho biết ủy ban đang điều tra thảm họa vỡ đập và sẽ lên tiếng bình luận trong ngày thứ Tư.
Video và hình ảnh do truyền thông nhà nước tải lên Facebook cho thấy nhiều khu vực rộng lớn bị ngập lụt và nhiều cư dân bị mắc kẹt trên mái của những ngôi nhà bị ngập của họ. Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã đến thăm khu vực bị ảnh hưởng.
Các đập Xe-Pian-Xe-Namnoy chảy xuống sông Sekong qua Campuchia, và đang có nhiều lo ngại về tác động của thảm họa này ở vùng hạ lưu.
Ủy ban Sông Mekong cho biết mực nước trên toàn khu vực Mekong đã tăng cao nhanh chóng từ hôm 15/7, trong một trường hợp mực nước lên cao hơn bốn mét ở thành phố Luang Prabang của Lào, vì lượng mưa rất lớn do bão Sơn Tinh mang lại.
Bà Harris nói sự cố này nêu bật những lo ngại về những rủi ro xung quanh các thiết kế đập không có khả năng đối phó với các điều kiện thời tiết cực đoan đã trở nên trầm trọng hơn bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, và sự thích nghi của các hệ thống cảnh báo, bao gồm cả các đập đang được xây dựng.
Hiện có hơn 70 con đập đang được xây dựng hoặc được quy hoạch ở Lào, trong đó có một số đập trên dòng chính của sông Mekong.
Giám Đốc Châu Á của tổ chức Sông Ngòi Quốc tế Maureen Harris nói tiếp theo sau thảm họa vỡ đập, phải đặt ra những nghi vấn nghiêm túc về vai trò cũng như trách nhiệm của các công ty tư nhân phát triển các dự án xây đập.