Đường dẫn truy cập

Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân


Người dân căng bản đồ quy hoạch, được cho là bị mất, đòi làm việc với Ban Tiếp dân vào ngày 8/6/2018.
Người dân căng bản đồ quy hoạch, được cho là bị mất, đòi làm việc với Ban Tiếp dân vào ngày 8/6/2018.

Khoảng 50 nhà báo không được mời và rất nhiều dân oan Thủ Thiêm đã vây quanh khu vực diễn ra cuộc họp tiếp dân vào sáng 8/6 tại UBND TP.HCM để theo dõi diễn tiến trao đổi giữa chính quyền và 7 người đại diện của họ.

Một nhà báo giấu tên có mặt tại hiện trường cho VOA biết:

“Họ mời 5 báo để có người đưa tin, và mời 7 hộ dân. Nhưng chắc họ cũng không lường được là mặc dù mời 5 báo nhưng mình đếm có khoảng chừng 50 báo đến chầu chực ở ngoài cổng. Ở mấy quán cà phê dọc đó thì mỗi quán có chừng một chục phóng viên ngồi viết bài”.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã trở thành một đề tài “nóng” sau khi chính quyền thành phố cho biết sẽ đấu giá công khai khu “đất vàng” này.

Bà Nguyễn Thị The, người đại diện chính cho các hộ dân khiếu kiện, cho biết trong buổi họp người dân đã yêu cầu Nhà nước phải lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện sai phạm tại Thủ Thiêm.

Bà nói với VOA: “Bây giờ chính quyền sai thì tự sửa với nhau, tự bắt tội nhau. Còn người dân chúng tôi chỉ yêu cầu có chỗ ở để ổn định cuộc sống. Về tinh thần và vật chất, nhà nước không đền bù nổi cho tôi đâu, không thể nào đền bù đủ được”.

Người phụ nữ 74 tuổi cho biết bà đã mất cả chồng và con trai trong thời gian diễn ra quy hoạch, giải tỏa để xây dựng khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

Sau khi chồng qua đời vì bị đột quỵ trước tin sốc sắp mất nhà, con trai bà đã ra sức giữ nhà trong khi các lực lượng chính quyền đến cưỡng ép thi công.

“Bức xúc quá, nên nó tự vẫn chết, vì nó biết rằng gia đình khổ. Nói không được. Nói người ta không nghe”, bà The kể lại với VOA trong nước mắt.

Bà Huỳnh Thị Hồng Loan kêu khóc với hình ảnh và giấy tờ khiếu kiện trên tay.
Bà Huỳnh Thị Hồng Loan kêu khóc với hình ảnh và giấy tờ khiếu kiện trên tay.

Đại diện của các hộ dân cho biết bà đã cùng với những người dân khác lặn lội đi khắp các cơ quan chính quyền để khiếu kiện nhiều năm.

Lần này, bà hy vọng chính quyền sẽ “sửa sai” sau khi vụ việc đã ra tới trung ương và có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc rà soát lại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở Thủ Thiêm.

Tin cho hay trong thời gian diễn ra buổi tiếp 7 người đại diện, hàng chục người dân khác đã căng băng rôn, khóc lóc, kêu gào bên ngoài đòi được vào tham dự cuộc họp. Những người dân này cho rằng việc mời chỉ 7 người đại diện tham dự cuộc họp là không công bằng.

“Cho chúng tôi vào. Chúng tôi chỉ nghe thôi cũng được”, VnExpress tường thuật lại lời kêu của người dân khi thấy đại diện chính quyền xuất hiện.

Hàng trăm hộ dân đã rơi vào tình trạng vô gia cư sau các quyết định giải tỏa gây tranh cãi trong suốt 20 năm qua, khi báo chí gần như im bặt tiếng trước lời kêu cứu, khiếu kiện của người dân.

Việc “mở cửa” thông tin, dù khá hạn chế, cho báo chí gần đây được xem là một thành công của mạng xã hội và nền “báo chí công dân”. Nhà báo ẩn danh trên thừa nhận với VOA về tình trạng “lực bất tòng tâm” của báo chí Việt Nam. Ông nói:

“Nóng, nhưng bị dập hết rồi. Họ đâu có cho đăng đâu. Thực ra, các báo đi thì cũng là vì tinh thần trách nhiệm mà đi thôi. Chứ phân tích những cái ‘nóng’ thì cũng phải kềm lại bớt”.

Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm được UBND TP.HCM phê duyệt vào cuối năm 2005 với mục tiêu biến bán đảo này thành một trung tâm thương mại, tài chính với các tòa nhà cao tầng, khu mua sắm, hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến, hiện đại.

Tuy nhiên, việc giải tỏa thi công đã vấp phải nhiều chỉ trích, phản đối của cư dân địa phương. Hàng trăm người dân đã bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất để dành đất cho dự án. Thậm chí, cả một “hội dân oan” đã xuất hiện tại đây sau khi nhà cửa và cả sinh mạng của người thân họ mất đi.

Ngoài các hộ dân cư, một số cơ sở tôn giáo cũng nằm trong diện bị giải tỏa, trong đó có chùa Liên Trì, nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG