Đường dẫn truy cập

Đại sứ ‘từ chức’ vì Mỹ trục xuất hơn 8.000 người gốc Việt


Một di dân bị trục xuất khỏi Mỹ.
Một di dân bị trục xuất khỏi Mỹ.

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Ted Osius, mới lên tiếng cho biết ông “từ chức” vì bất đồng với chính sách của Tổng thống Trump, trong đó có việc “bị ép” về kế hoạch trục xuất hàng nghìn người gốc Việt.

Trong bài viết có tựa đề “Lên tiếng” trên trang của Hiệp hội các Nhà ngoại giao Mỹ, ông Osius nói rằng ông “gia nhập nhóm nhiều nhân viên ngoại giao kỳ cựu, quyết định từ chức năm 2017” với “các cảm xúc lẫn lộn”.

Tôi lo ngại rằng một số chính sách làm suy yếu vai trò của Mỹ trên thế giới, và tôi thấy rằng lương tâm tôi không cho phép thực thi chúng.
Ông Ted Osius viết.

“Trong khi mỗi chúng tôi có một lý do ra đi riêng, cũng như tôi, nhiều người bạn và cựu đồng nghiệp của tôi thực sự lo ngại về đường hướng chính sách của chính quyền hiện tại. Tôi lo ngại rằng một số chính sách làm suy yếu vai trò của Mỹ trên thế giới, và tôi thấy rằng lương tâm tôi không cho phép thực thi chúng”, ông Osius viết.

Nhà ngoại giao hiện là Phó Chủ tịch Đại học Fulbright nói rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, là chuyện “tự gây thương tích”. Ngoài ra, ông còn đề cập tới chính sách về vấn đề biến đổi khí hậu, hay lệnh cấm đi lại đối với nhiều quốc gia Hồi giáo.

Thông tin thêm vụ Việt Nam nhận lại công dân từ Mỹ

Việt Nam sắp nhận công dân trục xuất khỏi Mỹ?

Một vấn đề được coi là “giọt nước làm tràn ly” đó là khi ông Osius “được yêu cầu phải thúc ép chính phủ ở Hà Nội nhận từ Mỹ hơn 8 nghìn người, phần lớn từng bỏ chạy khỏi Miền Nam Việt Nam bằng thuyền những năm sau cuộc chiến”.

“Phần lớn những người bị nhắm mục tiêu trục xuất, đôi khi vì các vi phạm nhỏ nhặt, là người tị nạn từng sát cánh với Mỹ, những người trung thành với lá cờ của một quốc gia không còn tồn tại. Và họ bị 'đưa trở lại' nhiều năm sau tới một quốc gia do chính quyền cộng sản nắm quyền mà họ chưa bao giờ hòa giải. Tôi lo ngại nhiều người sẽ trở thành các trường hợp dính tới nhân quyền và chính phủ của chúng ta có lỗi”, ông Osius viết.

Tôi được yêu cầu phải thúc ép chính phủ ở Hà Nội nhận từ Mỹ hơn 8 nghìn người, phần lớn từng bỏ chạy khỏi Miền Nam Việt Nam bằng thuyền những năm sau cuộc chiến...
Ông Ted Osius viết.

“Tôi đánh giá rằng chính sách thụt lùi này sẽ hủy hoại cơ hội thành công trong việc theo đuổi các mục tiêu khác của Tổng thống Trump trong quan hệ với Việt Nam: giảm thâm thủng thương mại, tăng cường quan hệ quân sự và đối phó với các mối đe dọa tới hòa bình khu vực, nhất là xuất phát từ Bắc Hàn”.

Nhà ngoại giao có nhiều năm gắn bó với Việt Nam cho biết ông “lên tiếng phản đối nhưng được chỉ thị phải giữ im lặng”, đồng thời kết luận rằng ông “có thể phục vụ đất nước tốt hơn từ bên ngoài chính phủ bằng cách giúp xây dựng một đại học mới, đầy sáng tạo ở Việt Nam”.

VOA tiếng Việt chưa thấy Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), vốn thực hiện các vụ bắt giữ di dân, lên tiếng sau bài viết của ông Osius.

Đại sứ Mỹ Ted Osius và Tổng Lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa, ngày 24/10/2017.
Đại sứ Mỹ Ted Osius và Tổng Lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa, ngày 24/10/2017.

Đây là lần đầu tiên ông Osius công khai trải lòng về sự bất đồng với chính quyền của ông Trump, sau khi rời vị trí người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam tháng 10 năm ngoái, ít tuần sau khi gần hoàn thành nhiệm kỳ ba năm, mà báo chí nói là “mãn nhiệm”.

Trên Facebook của mình, cựu đại sứ Mỹ hôm 3/4 cũng đăng lại bài viết và nhận được bình luận của nhiều người Việt, ủng hộ ông đã “lên tiếng”.

Đương kim Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong một sự kiện hiến máu nhân đạo đầu năm nay.
Đương kim Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong một sự kiện hiến máu nhân đạo đầu năm nay.

Hiện chưa rõ người kế nhiệm ông Osius, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink, có quan điểm như thế nào về việc trục xuất người Mỹ gốc Việt.

Chủ đề nhận lại công dân Việt đã được hai phía nêu trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng Năm năm ngoái.

Hai tháng sau đó, tức là khoảng ba tháng trước khi ông Osius ngưng làm đại sứ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức buổi họp đầu tiên của nhóm làm việc song phương về vấn đề nhận trở lại công dân Việt Nam từ Mỹ.

Tổn thống Trump trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2017.
Tổn thống Trump trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2017.

Một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 cho biết “đối tượng nhận trở lại phải là công dân Việt Nam và đồng thời không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc công dân của bất kỳ nước nào khác; trước đây đã cư trú tại Việt Nam và hiện không có nơi cư trú ở nước thứ ba; bị cơ quan có thẩm quyền hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ do vi phạm pháp luật và nếu thuộc diện bị kết án do phạm tội hình sự (kể cả các vi phạm pháp luật nhập cư) thì trước khi bị trục xuất phải thi hành xong án phạt tù hoặc phải được giảm án phát tù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ”.

Một di dân bị bắt ở California giữa năm 2017.
Một di dân bị bắt ở California giữa năm 2017.

Ngoài ra, hiệp định “không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Mới đây, các nhóm thuộc Tổ chức có tên gọi Người Mỹ gốc Á Thúc đẩy Công lý hôm 28/2 thông báo rằng nhiều người tị nạn gốc Việt đã đệ đơn kiện việc bị ICE bắt giữ “vô thời hạn”.

Tổ chức này cho rằng khoảng 8 tới 10 nghìn người Mỹ gốc Việt, trong đó có “nhiều người tới Mỹ khi còn nhỏ để tránh bị đàn áp chính trị”, “vấp phải nguy cơ bị giam giữ trái phép” và “bị trục xuất” về Việt Nam.

Đại sứ ‘từ chức’ vì Mỹ trục xuất hơn 8.000 người gốc Việt
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:02 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG