Thính giả tên Kim hỏi:
Thưa Bác sĩ,
Tôi muốn hỏi về trường hợp của tôi sau khi đọc bài "Hội chứng Asperger" ngày 19/08/2016 trên trang web của đài VOA .
Tôi 35 tuổi và có nhiều biểu hiện hội chứng Asperger. Tôi rất khó khăn trong vấn đề giao tiếp, ảnh hưởng đến cuộc sống rất nhiều.
Bác sĩ đã trả lời về hội chứng Asperger và hướng dẫn dành cho trẻ như bài viết. Tôi tôi muốn hỏi về hướng dẫn cho người lớn, ở độ tuổi tôi có thể chữa được không? Ở điều kiện hiện tại tôi không biết tìm chuyên gia tâm lý, tâm thần nào có thể tin tưởng giúp đỡ tôi.
Chân thành cảm ơn.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Trước hết, xin nói rõ là chúng ta không nên tự định bịnh cho mình. Vẫn biết là nếu chúng ta ý thức về những điểm yếu hay mạnh của chính mình, chúng ta sẽ có cơ hội tự cải thiện lấy mình hoặc nhờ người khác giúp đỡ. Những nhận xét sau đây hoàn toàn có mục đích thông tin.
"Hội chứng Asperger" là một từ khá lỏng lẻo trong y khoa. Lịch sử: Hans Asperger, một bác sĩ nhi khoa người Áo, là người công bố đầu tiên về hội chứng của những đứa trẻ cử chỉ, hành động vụng về, khả năng cảm thông với người khác và khả năng ‘truyền đạt thông tin không dùng lời nói” (non-verbal communications) cũng giới hạn (năm 1944). Nguyên thuỷ, Asperger dùng từ autistic psychopathy (“bịnh tâm thần tự kỷ”) và công bố của ông không được chú ý lắm. Đến năm 1981, nhà tâm lý học người Anh Lorna Wing “tái khám phá” ra chứng này và đặt tên là Hội Chứng Asperger.
Trong Hội Chứng Asperger người bịnh bị thiếu sót trong khả năng giao tiếp với người khác (tương tác xã hội khiếm khuyết, impaired social interactions) đồng thời sở thích bị giới hạn hoặc có những tập tính lập đi lập lại (restricted interest/repetitive behaviors). Tuy nhiên khả năng trí tuệ, học hỏi (cognitive skills ) vẫn bình thường hoặc trên trung bình, ngôn ngữ phát triển bình thường, và họ sống tự lập được, hoặc còn có thể rất thành công trong một lãnh vực chuyên môn nào đó. Hiện nay, y khoa tâm thần không xếp hội chứng Asperger thành một định bịnh riêng rẽ như trước, mà gom vào "quang phổ tự kỷ' (autism spectrum; bịnh Asperger là một biểu hiện nhẹ trong "quang phổ tự kỷ").
Như chúng ta đã từng bàn trong một buồi nói chuyện trước đây, rất nhiều thiên tài khoa học (như Einstein, Bill Gates, Steve Jobs), văn học, nghệ thuật (như Bob Dylan vừa được giải Nobel về văn chương), chính trị (Abraham Lincoln, Al Gore, Steven Spielberg) bị 'nghi' là mắc chứng Asperger, do đó chúng ta có thể kết luận:
- Các nét của HC Asperger không phải luôn luôn là có hại mà có khi có thể hay gắn liền với hay là mầm mống của sự vĩ đại (“exceptional talents”).
- Các nét này rất phổ biến, nhưng gọi một ai đó hay chính mình, căn cứ vào tính tình lạnh lùng, quyết đoán và nếp sống cô độc, là mắc chứng Asperger hay 'Aspie' chưa chắc đã chính xác và có lợi.
Cho nên, đối với người mang hội chứng Asperger, nói đến 'chữa bịnh' chưa chắc là một từ thích hợp. Cũng như mọi người khác, họ có những điểm mạnh, sở trường cũng như những điểm yếu, sở đoản làm cho họ gặp khó khăn hơn người khác trong một số tình huống nhất định nào đó. Ví dụ một ở một nhà khoa học thí nghiệm trên thú vật hay bác sĩ giải phẫu, giáo sư về khoa học, khả năng chăm chú vào một lãnh vực nhỏ (overly intense interest), không bị đãng trí vì những tình cảm chi phối, khả năng 'nói nhiều, nói như máy' (“little professor-like, robotic speech) về một đề tài mà họ canh cánh trong lòng nhưng làm người trung bình buồn ngủ,... có thể là những điểm mạnh trong môi trường chuyên môn, kinh viện. Nếu người đó cặm cụi trong công việc mà quên tắm rửa, ăn uống; vụng về với đồng nghiệp, người khác phái; hay có những lời nói ngớ ngẫn, không thích hợp với hoàn cảnh; hay làm tổn thương tự ái người khác đến mức không ai muốn chơi với anh ta, thì lúc đó chuyện thiếu kỹ năng giao tiếp mới trở thành một vấn đề cần cải thiện.
Nói riêng về “chữa trị” cho người lớn mắc chứng Asperger:
- Vấn đề huấn luyện truyền đạt ngôn ngữ và học các kỹ năng xã hội (social skill training) ít quan trọng hơn là ở trẻ em, mà những điểm chính sau đây cần được giải quyết:
- Học cách thư giãn (relaxation training)
- 3)Giúp chọn nghề thích hợp
- Chữa những bịnh đi kèm theo, như trầm cảm, bịnh thần kinh phân liệt,rối loạn về ăn uống (như bịnh bỏ ăn anorexia nervosa), bịnh Tourette (bịnh nhân bị các tic như chớp mắt, giật tay chân, nhún vai và chửi thề, văng tục mà không cố ý).
1) Kỹ năng xã hội :
Người mắc Asperger thường bị người khác hiểu lầm, dễ bị la mắng, trách móc bởi người thân cũng như người lạ. Trong lúc đó thì bản thân họ cũng không hiểu rõ lắm tình huống xã hội đang xảy ra (“socially awkward). Ví dụ, người bịnh không hiểu những lời nói bóng gió của người thích mình, cũng như của người ghét mình nhưng không nói thẳng ra. Và bản thân họ thì nói những điếu có thể làm người khác bực mình, ghét hoặc thù. Nếu có được cha mẹ anh em, bạn bè gần với mình và có cơ hội quan sát cách mình xử sự như thế nào, và chịu khó hỏi ý kiến của họ nhờ 'cố vấn, giúp đỡ, có thể mình sẽ dần dần cải thiện đọc được 'ngôn ngữ cơ thể' của người khác, gia tăng cái gọi là 'EQ' (hay Emotional Intelligence, chỉ số “thông minh” về tình cảm, cảm tính) của mình, khả năng 'thông cảm' với người khác. Nên phân biệt "thông minh tình cảm" với tính hành động nóng nảy (impulsivity, impulsiveness) hay đi kèm hội chứng Asperger. Trong quá khứ, văn hoá Việt Nam không khuyến khích chúng ta cười hay mĩm cười sợ làm mất trang nghiêm và điều này không gây trở ngại cho người quang phổ tự kỷ, thường được mô tả là có nết lạnh lùng, không biểu lộ tình cảm. Người Mỹ thì lại thích mĩm cười lúc chào hỏi, lúc chụp hình, nếu không cưới người ta sẽ cho là mình không thân thiện hay khó chịu. Nếu chúng ta thấy mình có vẻ Asperger, nên để ý đến điểm này, xem người khác có hiểu lầm là mình "quạu" hay làm phách hay không.
Người trong quang phổ tự kỷ kể cả người Asperger thích sống với những tập tính (routine), thói quen, một môi trường quen thuộc. Họ gặp khó khăn lúc phải thích ứng với hoàn cảnh mới như dọn nhà, dọn phòng, những đổ dùng của họ bị người khác sắp xếp lại hay lấy dùng. Do đó bạn bè hay người thân có thể nghĩ rằng họ khó chịu, hay theo lối nói trên TV Việt Nam "kỷ tính", thậm chí bủn xĩn, “bần tiện”. Người 'Aspie' nếu ý thức cái 'tật' của mình, có thể giải thích cho người khác thông cảm hiểu rằng những thay đổi như vậy làm cho họ thấy bất an, thấy lo sợ, đồng thời nhờ ý thức được chiều hướng bất lợi của mình trong giao tiếp xã hội, họ tự kiềm chế được, tự đổi hành vi của mình bằng cách tìm hiểu mình hơn và ý thức hơn về bản thân. Cũng vậy, Aspie cũng không chăm sóc bề ngoài của mình, ví dụ chỉ mặc một loại áo quần, không biết ăn diện vì sợ thay đổi và sợ cái mới, cho nên lúc họ tìm bạn khác phái có thể ít gây hứng thú.
Trẻ em hồi nhỏ đã được dạy dỗ kỹ càng những kỹ năng căn bản lúc còn nhỏ tuổi, như:
- Tự giới thiệu mình nếu muốn nói chuyện với ai, nếu người ta đang nói chuyện với người khác thì không nên chen vào,
- Không được đến sát người khác quá nhiều ('personal space', ví dụ ở Mỹ, không nên đến sát gần người lạ, giữ khoảng cách 4 feet, bạn bè 1 1/2-3 feet).
- Chúng hay sờ mó, "phá", hay lấy những đồ vật của người khác mà không xin phép, không hiểu như thế là không chấp nhận được; và điều này có thể dạy dỗ bằng cách lập đi lập lại quy tắc và khuyến khích lúc chúng tuân thủ.
- Không được ngắt lời người khác đang nói chuyện với mình.
- Nhìn vào mắt người khác, nhưng có chừng mục, không nhìn chăm chăm.
- Để ý xem người ta thích hay không thích chuyện gì
- Không chỉ trích, không nhận xét phiến diện. Đôi khi phải giả ngoại giao một chút. Ví dụ người ta hỏi "Bạn thấy mình nhà quê không, thấy mình mập không? Nếu trả lời "Có, bạn nhà quê thật, mập thật..." là có lẽ mất bạn ngay. Những trường hợp nói không thật, trả lời "không" cho câu hỏi trên có lẽ tốt hơn, lịch sự hơn và gọi là "white lies" (nói láo 'trắng', vô hại), nhưng người Asperger gặp khó khăn phân biệt những trường hợp ‘nói khéo” như vậy..
- Để ý xem người khác còn muốn nghe chuyện mình hay không. Nếu không chắc thì hỏi ý người ta,"Bạn muốn nghe tiếp không, hay mình bàn chuyện khác?”
- Ngày xưa, người ta không bàn về chính trị hay tôn giáo với người lạ, chỉ nói về thời tiết. Cũng vậy, mỗi nền văn hoá có những điều cấm kỵ (taboo), như ở Mỹ thì không hỏi quá nhiều về đời tư, ví dụ lương anh bao nhiêu, anh học tới đâu, cái ví đắt thế, mua bao nhiêu tiền...và cũng không nên thổ lộ về những chuyện riêng tư nhiều quá.
- Để ý người mình nói chuyện muốn ngưng câu chuyện, ngưng không trả lời, ngáp, nhìn đồng hồ, hay liếc mắt ra cửa…
- Lúc đi phải nhớ chào người ta, thay vì chỉ nói "Bye" trong tiếng Anh, có thể nói "Mình phải đi đây, mai mốt mình gặp lại nhé"...
- Nếu thiếu sót những điểm này, hay nếu mình không quen với văn hoá nơi mình mới hội nhập, cần hỏi hay đọc sách, vào you tube để tìm hiểu thêm cách ứng xử theo văn hoá địa phương. nên thổ lộ về những chuyện riêng tư nhiều quá.
2)Về thư giãn:
Người Á Đông chúng ta có những phương pháp như yoga, thiền, tụng kinh. Thuần tuý về sinh lý học, các biện pháp này dùng những phương tiện sau:
- Một nơi yên tĩnh
- Một “phương tiện/’mẹo’ tâm trí” (“mental device”, theo Bennon và Klipper) tạo nên tiêu điểm (point of focus) cho mình tập trung: một chữ hay câu nói, lập đi lập lại đều đều (tương tự như thần chú hay kinh, không cần hiểu nghĩa của các chữ cũng đươc; có thể tập trung vào hơi thở; để các ý tưởng ra vào đầu óc tự do, nhưng ý nào vào thỉ cứ tự nhiên thải đi, không bận tâm.
- Thái độ thụ động trong lúc thư giãn, sau 20 phút thì bắt đầu nhúc nhích tay chân, vận động thân thể để về tình trạng linh hoạt bình thường.
- Tư thế thoải mái.
3)Về nghề nghiệp, người bịnh Asperger có thể có năng khiếu về các nghề STEM, khoa học, kỹ thuật, kỹ sư, toán, không cần tiếp xúc tình cảm với người khác, đòi hỏi làm việc kéo dài có khi trong những môi trường vắng vẻ, cô lập (như trong phòng thí nghiệm, thư viện). Tuy nhiên, học cũng cần được cố vấn để giữ thái độ 'chuyên nghiệp' như chào hỏi tối thiểu, mĩm cười lúc cần, cảm ơn, kiểm soát cơn nóng giận, giữ khoảng cách tối thiểu với người khác phái. Nên tránh say mê quá nhiều các hoạt động cô độc trên internet, máy tính và cố gắng tìm những cơ hội sống với gia đình, bạn bè, xã hội thật, không ảo; nhất là tránh để các cuộc gặp gỡ, nói chuyện, bữa ăn bị gián đoạn liên miên vì các tin nhắn trên iphone. Những năng khiếu như đàn, chơi cờ, thi đố vui (vd Jeopardy, Scrabble) do trí nhớ rất tốt, thích các con số, nên được khuyến khích phát triển , và có thể dùng như một phương tiện giao tiếp, giúp gia nhập các hội đoàn dễ dàng, tạo nên được sự ngưỡng mộ của bạn bè cũng như người khác phái.
Trước đây, ở Việt Nam có cuốn "Đắc nhân tâm, bí quyết của thành công", do Nguyễn Hiến Lê dịch cuốn “How to make friends and influence people của Dale Carnegie (1936) giúp chúng ta tránh những lỗi lầm và học những kỹ thuật để áp dụng lúc gia tiếp với người khác. Và cuốn " Quẳng gánh lo đi mà vui sống" cũng do Nguyễn Hiến Lê dịch từ cuốn “How to stop worrying and start living” (1948), của cùng tác giả, rất có ích cho người đọc giảm bớt sự lo âu của mình. Trên internet, có nhiều nơi vẫn còn phổ biến hai sách này online. Ở Mỹ hai cuốn này vẫn bán rất chạy, có lẽ vì chúng thực dụng và, thời nào cũng vậy, thuật xử thế ("Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê...) và sự tìm kiếm tĩnh lặng trong cuộc sống cạnh tranh vẫn là những mối bận tâm của mọi người, không riêng gì những người mắc hội chứng Asperger.
Đương nhiên trong điều kiện lý tưởng nên tìm bác sĩ chuyên môn về tâm lý để định bệnh chính xác và để chữa trị những bệnh tâm lý hay tâm thần kèm theo với chứng bệnh Asperger
Chúc thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 18 tháng 9 năm 2017
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com.