Đường dẫn truy cập

Đoàn Huy Chương hiện đang ở đâu?


Bà Đỗ Thị Minh Hạnh (bên phải) cùng bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ của ông Đoàn Huy Chương và hai người con - sau khi họ đến trại giam nhưng không đón được ông Chương, ngày 13/2/2017. (Facebook Maria Minh Hanh)
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh (bên phải) cùng bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ của ông Đoàn Huy Chương và hai người con - sau khi họ đến trại giam nhưng không đón được ông Chương, ngày 13/2/2017. (Facebook Maria Minh Hanh)

Đến hết ngày 13/2, ngày đáng lẽ Đoàn Huy Chương mãn án tù, cả gia đình và bạn bè đều không biết ông đang ở đâu.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, người cùng bị xét xử chung với ông Đoàn Huy Chương nhưng đã ra tù sớm, cho VOA biết rằng khi bà cùng gia đình ông Chương gồm vợ và hai người con đến trại giam Z30 A Xuân Lộc, Đồng Nai vào sáng sớm ngày 13/2 để đón ông thì phía trại giam bảo rằng cha của ông là Đoàn Văn Viên đã đón ông từ rất sớm rồi.

“Khi đến trại giam, họ nói rằng ba của anh Chương đã đón anh đi từ rất sớm rồi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên lạc với ông Đoàn Văn Viên. Anh trai của Đoàn Huy Chương cũng không biết tin tức gì về em mình.”

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh nói rằng bà rất trông mong ngày ông Chương mãn án, một người cộng sự của bà trong công cuộc đấu tranh cho quyền lợi công nhân:

"Hôm nay Minh Hạnh rất hồi hộp và hạnh phúc khi đón được một người cộng sự, người anh em của mình. Anh là một người rất kiên định, luôn luôn dành tâm huyết của mình trong việc tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Anh cũng rất tâm huyết giúp đỡ dân oan đấu tranh dành đất đai.”

Bà Hạnh nhớ lại:

“Vào cuối năm 2009, đầu 2010, anh Chương có theo dõi sự vi phạm của công ty giày da Mỹ Phong đối với công nhân. Khi anh phát hiện ra công nhận bị xúc phạm nhân phẩm, không trả tiền lương cho ngày Tết thì ba anh gồm có Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã giúp công nhân đòi lại quyền lợi với cuộc đình công nổ ra kéo dài trên 10 ngày, làm tờ rơi trong đó yêu cầu 7 điều, trong đó có điều số 7 là thành lập công đoàn độc lập. Nhưng điều số 7 này không được áp ứng.”

Bà Minh Hạnh cho biết ngay sau cuộc đình công kéo dài hơn 10 ngày này thì cả 3 người đều bị bắt với tội danh ‘chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào tháng 10, năm 2010, ông Chương, bà Hạnh và ông Hùng bị xét xử. Ông Chương và bà Hạnh cùng bị tuyên án 7 năm tù giam, nhưng bà Hạnh được trả tự do vào tháng 4/2014. Hiện nay ông Hùng vẫn đang chịu án 9 năm tù.

Bà Minh Hạnh nói rằng đây là một bản án oan, lẽ ra chính quyền Việt Nam nên khuyến khích các nghiệp đoàn đấu tranh, bảo vệ người lao động:

“Đây là một bản án hết sức oan ức. Tòa án LHQ ra phán quyết nói rằng ba anh em vô tội và yêu cầu chính quyền Việt Nam trao trả tự do vô điều kiện. Bản án hết sức vô lý vì chúng tôi chỉ đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, và giúp công nhân đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ theo đúng luật pháp Việt Nam.”

Trước đó, ông Chương bị kết tội là thành lập “Hiệp hội Đoàn kết Công Nông Việt Nam” năm 2006, và rồi bị bắt tháng 11, 2006 và bị xử 18 tháng tù giam. Ông Chương được thả vào năm 2008.

VOA Express

XS
SM
MD
LG