Các cuộc thương thuyết ráo riết kéo dài nhiều tháng, đôi khi ở Vienna, đôi khi ở Geneve hay các thành phố khác, những buổi gặp gỡ để thương lượng mặc cả với nhau, đôi khi tới mãi sáng sớm, cuối cùng Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã cho ra đời thỏa thuận hạt nhân dưới hình thức cuối cùng của nó.
Thỏa thuận đạt được vào tháng 7 được điều giải với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga, Đức và Liên hiệp Âu châu, nhiều lần có nguy cơ tan vỡ cho tới khi kế hoạch chung cuộc được loan báo.
Sáng thứ Sáu tại Oslo, Na Uy, Ủy ban Nobel quyết định không thừa nhận cố gắng này khi tới lúc nên tưởng thưởng những người tham gia đàm phán với phần thưởng quý giá nhất, có lẽ vì thời điểm hơi quá sớm.
Trong mấy ngày qua, có nhiều tin tức dự báo Ngoại trưởng Kerry là người có thể được đề cử cho giải Nobel Hòa bình.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran được biết đến dưới tên Kế hoạch Hành động Hỗn hợp Toàn diện, đặt ra những giới hạn để Iran được nới lỏng các các biện pháp chế tài để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của họ, có thể giúp Iran định hình lại vị trí trong vùng Trung Đông.
Các nhà thương thuyết hạt nhân đáng được giải
Các nhà thương thuyết hạt nhân Iran ắt phải là những rất xứng đáng để được giải Nobel Hòa bình, theo ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hội Kiểm soát Vũ khí.
Ông nói: “Thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những bước đột phá lớn nhất trong lãnh vực cấm phổ biến hạt nhân từ vài thập niên nay”.
Ông Kimball nêu ra sự tận tụy của ông Kerry đối với nỗ lực, gồm lượng thời gian to lớn ông đã dành cho các cuộc thương nghị để bảo đảm có một “đường dây trực tiếp” nối liền Tòa Bạch Ốc, toán công tác Hoa Kỳ và phía Iran.
Ông Kimball nói: “Không có sự tận tụy đó, tôi nghĩ tiến bộ ngoại giao có thể bị khựng lại”.
Ông cũng ca ngợi Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif về vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán và cho rằng chính phủ Iran đã áp đặt “những hạn chế gắt gao” đối với các nhà thương thuyết hạt nhân của họ.
Vào nhiều thời điểm trong các cuộc thương thuyết, ông Kerry và ông Zarif dường như đã phát triển một sự đồng cảm dễ dàng trái ngược với các quan hệ căng thẳng thường có giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
Họ đã thường xuyên gặp nhau trong khi các cuộc thương nghị diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thế giới, thường rất tươi cười và chào mừng nhau nồng nhiệt vào lúc khởi sự đàm phán.
Trong khi nhiều người ca ngợi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, thì không phải là không có những người chỉ trích, trong đó có Israel, các thành phần cứng rắn ở Iran và một số đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ.
Vẫn theo ông Kimball, một giải thưởng Nobel hòa bình trao cho ông Kerry và các nhà thương thuyết khác của Iran chắc sẽ gây ra “tranh cãi” ở Washington, và ở Israel, sẽ bị bác bỏ và chỉ trích.
Thừa nhận về giảm thiểu xung đột
Giải Nobel Hòa bình nằm trong số một loạt giải thưởng do ông Alfred Nobel thành lập. Là một nhà hóa học, kỹ sư và sáng chế của Thụy Điển, có lẽ ông là người nổi tiếng nhất về phát minh ra chất nổ.
Năm 1895, ông dành ra một phần của tài sản cho một loạt giải thưởng về vật lý, hóa học, sinh học hay y học, văn chương và hòa bình.
Ông Nobel nói giải Hòa bình nên được trao cho "công trình xuất sắc về tình huynh đệ giữa các quốc gia, cho sự xóa bỏ và giảm thiểu các quân đội hiện dịch và cho việc tổ chức hay quảng bá các đại hội hòa bình".
Giải thưởng năm 2015 trị giá khoảng 970.000 đô la.
Ông Kerry có thể sẽ là người Mỹ đầu tiên đoạt giải hòa bình sau giải năm 2009 trao cho Tổng thống Barack Obama, một sự chọn lựa mà giới phê bình hồi đó cho là quá sớm. Những người Mỹ khác đã đoạt giải này là ông Elie Wiesel, một nhà hoạt động gốc Rumani, và lãnh tụ tranh đấu dân quyền Mục sư Martin Luther King, Jr.
Người đoạt giải năm ngoái là cô Malala Yousafzai, một nhà hoạt động về giáo dục người Pakistan. Khi đó 17 tuổi, cô là khôi nguyên giải Nobel trẻ tuổi nhất. Cô chia giải này với ông Kailash Satyarthi, một nhà hoạt động cho giáo dục và quyền của trẻ em.