Đường dẫn truy cập

Mỹ quan tâm sâu sắc về án tù chung thân của học giả người Uighur


Học giả người Uighur Ilham Tohti bị tuyên án tù chung thân về tội 'âm mưu chia cắt đất nước'.
Học giả người Uighur Ilham Tohti bị tuyên án tù chung thân về tội 'âm mưu chia cắt đất nước'.

Chính phủ Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới án tù chung thân mà tòa án ở Tân Cương hôm thứ ba đã tuyên cho ông Ilham Tohti, một học giả người Uighur nổi tiếng, về tội gọi là “âm mưu chia cắt đất nước.” Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, các nhà phân tích cho rằng hành động của Bắc Kinh sẽ làm tăng thêm xu hướng cực đoan trong các sắc dân thiểu số ở Trung Quốc.

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc mô tả ông Ilham Tohti là một học giả đáng kính và là người đã cổ xúy cho những nỗ lực nhằm thu hẹp sự bất đồng giữa những người Uighur theo đạo Hồi thuộc sắc dân thiểu số và người Hán thuộc đa số.

Ngoại trưởng John Kerry hôm thứ ba nói rằng “bày tỏ ý kiến bất đồng một cách ôn hòa không phải là một tội” và “bản án khắc nghiệt này rõ ràng là để trả đũa cho những nỗ lực hòa bình của Giáo sư Tohti nhằm thúc đẩy cho quyền con người của những công dân sắc tộc Uighur của Trung Quốc.”

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho ông Tohti và 7 sinh viên bị bắt cùng lúc với ông hồi tháng giêng và “dành cho họ sự bảo vệ và những quyền tự do mà họ có quyền được hưởng dựa trên những cam kết quốc tế về nhân quyền của Trung Quốc và hiến pháp của chính Trung Quốc.” Thông cáo nói thêm rằng Trung Quốc cần phải “phân biệt giữa sự bày tỏ ý kiến bất đồng một cách ôn hòa với chủ nghĩa cực đoan bạo động.”

Ông Michael Clarke, một chuyên gia về Tân Cương của Viện Á châu thuộc Đại học Griffith ở Australia, cho rằng sự bày tỏ quan tâm của cộng đồng quốc tế có thể có tác dụng ngược.

"Trong phán quyết của tòa án có một câu đại ý nói rằng ông Tohti đã quốc tế hóa vấn đề Uighur qua việc tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài. Do đó tôi nghĩ rằng những thông cáo như thông cáo của Hoa Kỳ sẽ bị xem là một bằng chứng khác nữa cho thấy những tác động của sự tranh đấu của ông Tohti cho người Uighur."

Trong phiên xử hồi tuần trước, các công tố viên tố cáo ông Tohti cổ xúy cho chủ nghĩa ly khai và xúi giục bạo động qua những bài giảng trong lớp, những bài viết và những phát biểu với truyền thông nước ngoài. Vị giáo kinh tế học 44 tuổi này bác bỏ các tố cáo đó và nói rằng ông chỉ muốn hô hào cho đối thoại và nêu lên những sự bất công. Luật sư của ông cho biết ông sẽ kháng án.

Ông Gardner Bovington, một chuyên gia về vấn đề người Uighur của Đại học Indiana, cho rằng bản án của ông Tohti đưa ra một tín hiệu sai lạc.

"Tôi hoàn toàn đồng ý với Ngoại trưởng Kerry là bản án này chính là một tín hiệu sai lạc cho người Uighur, cho những người dân trên khắp Trung Quốc và thế giới về thái độ của Trung Quốc đối với nhân quyền, đối với sự bày tỏ ý kiến bất đồng một cách ôn hòa và đối với việc thúc đẩy đối thoại để giải quyết những vấn đề tồn tại đã lâu."

Tờ Wall Street Journal hôm thứ ba nói rằng bản án này gây sốc và cảnh báo rằng các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương chỉ chuốc lấy thất bại và việc bỏ tù ông Tohti chỉ làm cho khu vực này bất ổn thêm mà thôi. Giáo sư Bovington tán thành nhận định đó và nói rằng các sắc dân thiểu số ở Trung Quốc không có cách nào để bày tỏ sự bất bình.

"Rất nhiều người cho rằng việc bắt giam ông Tohti đã cắt đứt cuộc đối thoại. Nhưng tôi muốn nói ở đây là cuộc đối thoại vốn dĩ không tồn tại. Bắc Kinh chưa bao giờ đồng ý một cách công khai là nên có đối thoại, một cuộc đối thoại về những chính sách mà họ áp dụng ở những khu vực như Tân Cương và Tây Tạng, và không có người nào có quyền nêu nghi vấn hoặc bày tỏ sự bất đồng về những chính sách đó."

Giáo sư Bovington nói rằng vì cộng đồng người Uighur không được phép bày tỏ sự bất bình, nên sự căng thẳng sẽ mỗi ngày một tăng.

Liên hiệp Châu Âu cũng bày tỏ sự bất mãn đối với bản án của ông Tohti. Trong thông cáo công bố hôm qua, liên hiệp này phê phán điều mà họ gọi là “phán quyết hoàn toàn không thể biện minh”. Thông cáo nói thêm rằng Bắc Kinh đã không tuân thủ thủ tục pháp lý và phải trả tự do cho ông Tohti ngay lập tức và vô điều kiện.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ ba bác bỏ những sự chỉ trích của quốc tế và cho rằng đó là một sự can thiệp không thỏa đáng đối với chủ quyền và sự toàn vẹn tư pháp của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG