Ấn Độ hôm nay thực hiện một bước khác nữa để tiến tới mục tiêu tận dụng tiềm năng thương mại của chương trình không gian qua việc phóng lên quỹ đạo các vệ tinh của 4 quốc gia. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA tại New Dehli, Thủ tướng Narendra Modi nói rằng chương trình không gian của nước ông là chương trình có hiệu quả cao nhất trên thế giới xét về giá thành.
Hỏa tiễn phóng vệ tinh Polar của Ấn Độ được phóng đi sáng hôm nay từ cảng Sriharikota ở miền đông, mang theo vệ tinh quan sát trái đất của Pháp nặng 714 kg cùng với 4 vệ tinh nhỏ hơn.
Thủ tướng Narendra Modi đã dự khán vụ phóng và nêu ra rằng cả năm chiếc vệ tinh được đưa lên quỹ đạo ngày hôm nay đều là vệ tinh của các nước tiên tiến.
Ông Modi nói: “Các vệ tinh ngày hôm nay đều là của các nước phát triển Pháp, Canada, Đức và Singapore. Quả thực, đây là một sự thừa nhận và tán thưởng toàn cầu đối với năng lực không gian của Ấn Độ.”
Vụ phóng này là một dấu mốc khác nữa của những nỗ lực của Ấn Độ nhằm giành lấy một phần lớn hơn của thị trường phóng vệ tinh toàn cầu, một thị trường có mức lời cao.
Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh tới yếu tố tiết kiệm trong chương trình không gian của Ấn Độ và nói rằng nước ông có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh cho thế giới.
Ông nêu ra rằng giá thành của một phi thuyền mà Ấn Độ phóng lên Hỏa tinh hồi tháng 11 năm ngoái còn thấp hơn số tiền 100 triệu đô la mà Hollywood đã chi tiêu cho cuốn phim “Galaxy”.
Ông Modi cho biết: “Chương trình của chúng ta ngày hôm nay đã trở thành chương trình có hiệu quả kinh tế cao nhất thế giới. Các nhà khoa học của chúng ta đã cho thế giới thấy một mô thức mới của hoạt động thiết kế công trình với kinh phí phải chăng và sức mạnh của trí tưởng tượng.”
Chương trình Hỏa Tinh của Ấn Độ được nhiều người chú ý nhờ có kinh phí khá thấp là 73 triệu đô la. Khoản tiền đó chỉ bằng 1 phần 10 khoản tiền Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ đã chi tiêu cho một phi thuyền thám hiểm Hỏa Tinh mà họ phóng đi vài ngày sau vụ phóng của Ấn Độ.
Các khoa học gia Ấn Độ nói rằng tiết kiệm tiền bạc luôn luôn là mục tiêu của một chương trình không gian có ngân sách hàng năm 1 tỉ đô la – rất ít so với ngân sách của những cường quốc không gian như Nga và Mỹ. Đây là ưu thế mà Ấn Độ hy vọng sẽ khai thác trong lãnh vực phóng vệ tinh thương mại.
Ông Modi cũng tìm cách dựa vào chương trình không gian của nước ông để thúc đẩy cho những nỗ lực ngoại giao trong vùng Trung Á.
Ông kêu gọi các nhà khoa học nước ông dùng khả năng chuyên môn về công nghệ vệ tinh để giúp đỡ tất cả 8 nước thuộc Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á, gọi tắt là SAARC.
Ông Modi nói: “Hôm nay, tôi kêu gọi cộng đồng không gian của chúng ta chấp nhận một sự thách đố là phát triển một vệ tinh SAARC mà chúng ta có thể dành riêng cho các nước láng giềng của mình, như một món quà của Ấn Độ. Một vệ tinh cung cấp nhiều loại ứng dụng và dịch vụ khác nhau cho tất cả các nước láng giềng của chúng ta.”
New Dehli đã đối mặt với một số chỉ trích là một nước nghèo như Ấn Độ, thay vì tiêu tiền để phóng vệ tinh, nên dùng tiền vào những mục tiêu cấp bách hơn như cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh cho dân chúng. Tuy nhiên, Thủ tướng Modi nói rằng chương trình không gian của nước ông đang đóng góp rất nhiều cho phúc lợi của người dân bình thường qua những sự ứng dụng trong các lãnh vực như ứng phó thiên tai và quản lý tài nguyên.