Trong 40 năm qua, di sản văn hóa của Campuchia đã bị đánh cắp trên qui mô lớn, với hàng ngàn cổ vật bị lấy đi từ hàng trăm địa điểm và được đưa lậu ra nước ngoài để bán cho các viện bảo tàng và những nhà sưu tập tư nhân trên khắp thế giới. Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy phần lớn thủ phạm là những mạng lưới có tổ chức và hầu hết các cổ vật đã mất dạng và có lẽ sẽ không bao giờ tìm lại được.
Trong khoảng thời gian từ khi cuộc nội chiến Campuchia bắt đầu vào năm 1970 cho tới khi chiến tranh chấm dứt 30 năm sau đó, các đền đài được xây từ hàng ngàn năm trước và những địa điểm lịch sử khác đã bị cướp phá một cách có hệ thống.
Trong một vụ xảy ra hồi đầu thập niên 1970, binh sĩ chính phủ đã dùng một chiếc máy bay trực thăng của quân đội để chở các cổ vật từ cổ thành Banteay Chhmar được xây từ thế kỷ 12 trong vùng tây bắc.
Cũng tại nơi này vào năm 1998, các tướng lãnh đã đục phá 30 tấn cổ vật và chở sang Thái Lan trên sáu chiếc quân xa. Chỉ có một xe trong số đó bị chặn và cổ vật được trả về Campuchia. Số còn lại đã biến mất và có phần chắc là được mang bán trên thị trường chợ đen.
Trong nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng những vụ đánh cắp cổ vật một cách táo tợn và có hệ thống như vậy chỉ là những vụ việc đơn lẻ. Họ cho rằng hầu hết di sản văn hóa Campuchia bị cướp phá bởi dân làng.
Nhưng một cuộc nghiên cứu mới của các chuyên gia của Đại học Glasgow ở Scotland cho thấy sự thể không phải là như vậy. Bà Tess Davis, một nhà khảo cổ học và là một luật sư tham gia cuộc nghiên cứu, cho biết như sau.
"Việc cướp phá có hệ thống và mua bán lậu các cổ vật Campuchia có dính líu rất chặt chẽ với cuộc nội chiến Campuchia và với hoạt động tội phạm có tổ chức ở nước này. Nó bắt đầu với cuộc chiến, nhưng kéo dài rất lâu sau cuộc chiến; và trên thực tế, nó là một hoạt động rất phức tạp, một hoạt động có tổ chức rất tinh vi để trực tiếp đưa cổ vật từ những nơi bị đánh cắp ở trong nước tới những nhà sưu tập, những viện bảo tàng và các công ty bán đấu giá hàng đầu trên thế giới."
Bà Davis nói rằng quân đội Campuchia và quân đội Thái Lan thường dính líu tới những vụ cướp phá cùng với các nhóm tội phạm. Dân chúng địa phương thường bị ép buộc tham gia như những công nhân.
Các nhà nghiên cứu cho biết ở đoạn cuối của đường giây này ở Thái Lan là một tay môi giới ở Bangkok chuyên làm trung gian giữa các phần tử tội phạm với các nhà sưu tầm cổ vật và các viện bảo tàng.
Cuộc nghiên cứu của Đại học Glasgow là một phần chính của những nỗ lực quốc tế nhằm tìm hiểu cách thức hoạt động của thị trường cổ vật bị đánh cắp. Đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên cho thấy toàn bộ quá trình, từ chỗ cổ vật bị lấy đi tại các di tích lịch sử cho tới khi các cổ vật vào tay những nhà sư tập.
Sự tàn phá di sản văn hóa Campuchia thật là dữ dội, nhưng thỉnh thoảng cũng có một số tin đáng mừng. Hồi đầu tháng này Campuchia đã nhận lại 3 bức tượng lớn bằng người thật mà kẻ cắp đã lấy đi từ khu đền Koh Ker trong thập niên 1970 và bán ra nước ngoài. Hai bức tượng khác trong nhóm đó đã được Viện bảo tàng nghệ thuật đô thị New York trả về Campuchia hồi năm ngoái.
Bà Tess của Đại học Glasgow cho rằng các nước trên thế giới cần phải chú ý tới vấn đề là việc cướp phá và mua bán lậu cổ vật thường là được thực hiện bởi các nhóm tội phạm có tổ chức và những nhóm vũ trang.
"Mối liên hệ đó phải là dấu hiệu cảnh báo cho thế giới ngày nay vì chúng ta đang nhìn thấy sự việc giống hệt như vậy được lập lại ngày hôm nay ở Ai Cập, Syria và Iraq. Việc này mang lại những hậu quả rất nghiêm trọng không phải chỉ riêng cho các nước đó mà còn cho nền kinh tế thế giới và cho nền an ninh toàn cầu. Tiền bạc mà những nhà sưu tầm ở New York bỏ ra để mua cổ vật trên thế giới đang đi vào túi của những người rất xấu và tôi nghĩ rằng những người trong giới nghệ thuật cần phải can đảm nhìn nhận vai trò của mình đối với những gì đang xảy ra tại những quốc gia này."
Trong trường hợp của Campuchia, tình trạng tệ hại nhất của nạn đánh cắp cổ vật giờ đây đã chấm dứt, một phần là vì không còn bao nhiêu để đánh cắp. Tuy nhiên, sẽ có nhiều di tích lịch sử được khám phá trong những năm tới đây, và có phần chắc là những cổ vật đó sẽ gặp nguy hiểm. Theo giáo sư Davis, cách tốt nhất để bảo vệ các di sản lịch sử là giảm thiểu mức cầu và điều đó đòi hỏi các nước phải truy tố những người mua bán lậu cổ vật.