Đường dẫn truy cập

24 Tiếng ở Châu Âu


Mấy hôm nay tôi bận bù đầu nên việc viết blog có phần trễ nãi. Vì vậy trước tiên cho tôi có lời xin lỗi các bạn đọc. Kế đến tôi cũng có lời xin lỗi gửi đến những ai đang theo dõi chuyến đi vòng quanh thế giới của tôi trong thời gian vừa qua. Rất tiếc tôi đã không viết được một mạch cho xong vì chân tôi đi… mau hơn tay tôi đánh máy. Nên mãi cho đến bây giờ, mặc dù tôi đang ở Singapore, đã hoàn tất chương trình phóng sự từ tháng trước nhưng theo loạt bài này thì tôi chỉ mới sắp sửa lên máy bay từ Rome bay sang Vienna, thủ đô nước Áo (Austria).

Nếu có một sự lựa chọn chắc là tôi sẽ tự ngưng viết và chuyển đề tài. Vì còn rất nhiều chuyện tôi muốn kể cho các bạn nghe. Nhưng ngặt nỗi tôi là thằng đã bắt đầu làm gì thì muốn làm cho xong. Ngay cả khi tự mình biết là nó chẳng đi đến đâu. Tựa như mỗi khi tôi đã quyết định cầm một quyển sách lên đọc thì tôi sẽ cố đọc cho hết. Mặc dù sau khi đọc được vài trang là tôi biết nó đã không hợp với mình. Đọc xong chỉ cảm thấy tức là tại sao mình không bỏ nó ngay từ đầu để khỏi mất thì giờ.

Thế mẹ tôi mới bảo tôi là thằng cứng đầu. Từ nhỏ đến giờ tính nào tật đó, không đổi được.

Vả lại tôi nghĩ từ Rome sang Vienna qua Praha và trở về Paris chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ thì thấy gì, biết gì mà kể? Nhiều khi chưa viết xong đã bị chúng chửi cho là tôi chỉ biết nói ngoa. Vì làm gì có chuyện đi qua từng ấy nước, phỏng vấn được tất cả những người mình hẹn gặp mà chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể cả giờ bay, giờ ra phi trường và chuyến xe lửa đi từ Vienna sang Praha mất gần 6 tiếng.

Vậy mà tôi thực hiện được đấy bạn ạ. Thật ra thì cũng không phải mình có tài cán gì mà phần lớn nhờ vào sự liên kết (interconnectedness) ngày càng lớn rộng trong thế giới chúng ta đang sống. Và quan trọng hơn là sự giúp đỡ của những tấm lòng người Việt ở từng quốc gia mà tôi đã gặp.

Thứ nhất hãy nói về sự liên kết. Những nước ở Châu Âu nằm trong khu vực Schengen từ lâu đã huỷ bỏ việc cần phải có visa để đi lại giữa các nước. Một khi bạn được cho nhập cảnh vào một nước trong khu vực này là xem như bạn có thể đi bất cứ nơi nào từ Nam lên Bắc. Từ Hy Lạp qua Ý, qua Tiệp, Áo, Đức, Pháp, v.v…

Không như 10 nước Á Châu nằm trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam tuy bây giờ công dân trong vùng không cần phải xin visa trước nhưng vẫn phải xin cấp visa tại cửa khẩu mới được vào, ở Âu Châu việc đi lại ngày càng dễ hơn. Mỗi lần băng qua biên giới máy điện thoại báo đã đổi sang một công ty khác mình mới biết mình đã qua một nước khác.

Như hôm tôi bắt xe lửa từ Vienna sang Praha, xe chạy vùn vụt chẳng biết đâu là biên giới. Thế mà chỉ cách đây không lâu, từ năm 1989 và trước đó, Áo và Tiệp là cả hai thái cực. Một bên tự do. Một bên cộng sản. Trốn thoát được từ Tiệp qua Áo để xin tỵ nạn là cả một vấn đề. Nói chi đến chuyện qua lại mà không cần visa chỉ 24 năm sau.

Thế mới thấy tất cả đều do con người. Hay nói chính xác hơn là tuỳ thuộc vào thành phần lãnh đạo. Nơi nào thành phần đó thức thời, cấp tiến, nơi ấy người dân sẽ đỡ khổ, tự do hơn.

Việc tôi thực hiện được phóng sự ở bốn nước Ý, Áo, Tiệp và Pháp trong vòng 24 giờ đồng hồ cũng nhờ vào yếu tố con người này. Đêm tôi đáp máy bay từ Rome xuống Vienna, tôi đã được gia đình nữ ca sĩ Bảo Hân cho tá túc ở qua đêm để tiện sáng sớm ngay sau khi phỏng vấn xong tôi sẽ ra ga xe lửa gần nhà.

Sau 6 giờ ngồi xe, vừa đến sân ga Praha là tôi đã có người ra đón để chở về khu chợ có đông người Việt đang buôn bán làm phóng sự. Ngay buổi chiều hôm đó vừa quay xong là tôi ra phi trường ngay để bay sang Paris trên chuyến máy bay cuối cùng trong ngày. Kết thúc chuyến hành trình mà chính tôi đây trước khi nhận lời cộng tác cũng nghĩ là mình sẽ không thể nào thực hiện được.

Thử hỏi nếu tôi không gặp được những tấm lòng người Việt đã ân cần giúp đỡ tôi từ khâu di chuyển cho đến ăn uống, sắp xếp để tôi gặp những người tôi muốn phỏng vấn thì làm sao tôi có thể thực hiện được từng ấy công việc chỉ trong vòng một tháng qua gần 20 quốc gia từ Á sang Âu, từ Úc quay về Mỹ?

Thật sự chính tôi đây cũng thấy tiếc là tuy mình có may mắn được đi đây đi đó khắp nơi nhưng lại không có đủ thời gian để tìm hiểu sâu hơn về mỗi nơi mình đặt chân đến. Thành phố Praha là một trong những thành phố đẹp nhất ở Châu Âu thế vậy mà tôi chỉ ghé thăm được vỏn vẹn có một buổi chiều. Vienna có những lâu đài, tượng thành tinh xảo, lớn nhất ở Châu Âu vì từng được vương triều Hamburg chọn làm thủ đô cai quản cả một vùng trời Châu Âu dưới thời của họ, thế vậy mà tôi chỉ ở qua đêm, một cái thành cũng không thấy.
Thôi thì đành khất lại để lần sau vậy. Những thành phố ấy vẫn sẽ nằm yên ở đấy không đi đâu cả. Những quốc gia khác như Ba Lan, Hungary, Anh, Đức, v.v… cũng có người Việt sinh sống và lần tới chắc chắn tôi sẽ ghé thăm. Riêng lần này tôi cần phải trở về Mỹ để tiếp tục làm nốt phần cuối cho chương trình phóng sự đặc biệt này. Nó sắp được cho ra lò rồi. Nếu có dịp, xem xong bạn nhớ cho tôi biết ý kiến của bạn nha. Qua hộp thư email cá nhân của tôi: hoitrinh@hotmail.com.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG