Đường dẫn truy cập

Viết và viết lại lịch sử


Tháng Tư gợi lại bao nhiêu kỷ niệm cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước
Tháng Tư gợi lại bao nhiêu kỷ niệm cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước
Cho đến nay, nói đến biến cố 30/4/1975, phần lớn chỉ đề cập đến chuyện miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam, sau đó, tước đoạt tài sản không những của chính quyền cũ mà còn cả nhà cửa và tài sản của dân chúng, đặc biệt của những người đã bỏ nước ra đi và những người bị liệt vào danh sách “tư sản”. Còn một khía cạnh khác, quan trọng không kém, nhưng rất hiếm khi được đề cập: họ còn tước đoạt cả lịch sử nữa.
Suốt bao nhiêu năm, từ năm 1975 đến giữa thập niên 1980, lúc chính sách đổi mới ra đời, đảng Cộng sản độc quyền trên mọi phương diện, từ kinh tế đến chính trị, tư tưởng và thông tin. Sau phong trào đổi mới, họ nới lỏng việc độc quyền trong lãnh vực kinh tế, nhưng vẫn duy trì sự độc quyền trong các lãnh vực khác của đời sống, trong đó, hôm nay chúng ta chỉ tập trung vào một lãnh vực: lịch sử.

Toàn bộ lịch sử, cũng như toàn bộ những bài viết liên quan đến lịch sử hiện đại Việt Nam được xuất bản trong nước từ năm 1975 đến nay đều được viết bởi những người, nói theo Huy Đức, “thắng cuộc”. Nhưng không phải người thắng cuộc nào cũng được quyền tham gia vào việc viết lịch sử. Bộ hồi ký Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Trung ương Đảng, cũng bị thu hồi với lý do: Nó không hoàn toàn đúng theo cách nhìn “chính thống” của đảng. Tháng 9 năm 2012, Quốc hội Việt Nam thảo luận để sửa lại Bộ luật xuất bản, trong đó, có một thay đổi rất đáng chú ý: Các nhà xuất bản được quyền liên kết với tư nhân, hay “đầu nậu” để xuất bản nhiều thứ sách, trừ các cuốn sách có “nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký”.

Quản lý gắt gao những cuốn sách về lý luận chính trị hay về chủ quyền quốc gia là điều có thể hiểu được. Thêm vào danh sách ấy những cuốn sách về tôn giáo cũng có thể hiểu được: đảng Cộng sản vốn chủ trương vô thần và thường nghi kỵ các tôn giáo. Nhưng còn lịch sử? Nói đến lịch sử, người ta thường nghĩ ngay đến những chuyện đã qua. Trong quá khứ. Chúng có liên quan gì đến chuyện chính trị? Có. Chủ trương của đảng Cộng sản rất nhất quán: Đó là lãnh vực họ muốn giành độc quyền. Đến cả các cuốn “hồi ký” của cán bộ và đảng viên của họ, họ cũng không tin: Chúng cần phải được kiểm duyệt kỹ lưỡng. Từng câu. Từng chữ.

Có thể nói, nhà cầm quyền không phải chỉ muốn giữ độc quyền trong việc quản lý hiện tại mà còn cả trong việc quản lý quá khứ. Họ muốn thực dân hóa cả ký ức của dân tộc. Chửi nhà Nguyễn, rồi sau đó, công nhận một số đóng góp của nhà Nguyễn là quyết định của họ. Phủ nhận Tự Lực văn đoàn, rồi sau đó, ca ngợi Tự Lực văn đoàn cũng là quyết định của họ. Cả việc viết và viết lại lịch sử đều nằm trong tay họ.

Hoàn toàn.

Với lịch sử xa, còn thế; với lịch sử gần, lại càng hơn thế nữa. Tất cả những gì liên quan đến chiến tranh Việt Nam và sau đó, đều do họ viết. Theo quan điểm của họ. Tuyệt đối không thể có một tiếng nói nào khác. Họ giành sự độc quyền ấy một cách dứt khoát, kiên quyết, không hề nhân nhượng. Và, cho đến nay, không hề mất cảnh giác.

Không thể nói là họ không thành công. Họ thành công ít nhất ở ba khía cạnh: Một, họ khống chế toàn bộ nội dung lịch sử được giảng dạy trong hệ thống giáo dục từ tiểu học đến trung học và đại học. Không có một tiếng nói khác nào lọt vào được để làm nhiễu những tiếng nói của họ. Hai, họ cũng kiểm soát được toàn bộ các xuất bản phẩm chính thức ở trong nước. Một vài cách nhìn khác với quan điểm chính thống của họ đều hoặc bị cấm đoán hoặc bị thu hồi hầu như ngay tức khắc. Ba, cái lịch sử được họ viết hoặc viết lại ấy có khá nhiều ảnh hưởng đến giới học giả Tây phương, những người, một phần, có khuynh hướng chỉ tin cậy vào các văn bản viết; phần khác, do cả tin hay do tính toán, thường sử dụng các văn bản viết được xuất bản trong nước để làm tài liệu tham khảo, có khi là nguồn tài liệu duy nhất. Khi ảnh hưởng lên được giới học giả Tây phương, họ cũng có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau trên thế giới.

Có điều, sự thành công của họ không trọn vẹn và càng lúc càng không trọn vẹn. Càng ngày càng có nhiều tiếng nói phi chính thống xuất hiện và để lại những dấu ấn lớn và sâu trong quần chúng, đặc biệt, giới trí thức. Lý do đầu tiên là nhiều người, ngay trong nội bộ đảng, không chấp nhận tham vọng độc quyền viết hoặc viết lại lịch sử của nhà cầm quyền. Họ muốn nói lên những sự thật mà họ từng nghe, thấy hoặc tham gia vào việc thực hiện. Ngày trước, có khi muốn nhưng người ta không dám bắt tay vào việc viết. Vì sợ. Sau ngày chủ nghĩa Cộng sản ở Nga và Đông Âu bị sụp đổ, người ta biết chắc những tiếng nói chính trực của mình, một lúc nào đó, sẽ được lắng nghe, bởi vậy, đâm ra tự tin và hứng khởi để làm việc hơn. Lý do thứ hai là nhờ internet. Ở Việt Nam, nhà nước có thể kiểm soát dễ dàng hệ thống báo chí và xuất bản. Bất cứ cuốn sách hay bài báo nào đi ngược lại quan điểm của họ, họ đều có thể tịch thu. Nhưng việc kiểm soát trên internet không phải dễ. Càng không dễ khi có thêm lý do thứ ba này nữa: sự liên thông giữa trong và ngoài nước. Trước, trong là trong và ngoài là ngoài. Năm 1979, để chuyển được tập thơ của mình ra với thế giới, Nguyễn Chí Thiện đã phải chấp nhận 12 năm tù (1979-1991). Năm 1982, chỉ vì cầm tập thơ chép tay Về Kinh Bắc từ Hà Nội vào Sài Gòn, nhà thơ Hoàng Hưng đã bị bắt và ở tù 39 tháng, còn Hoàng Cầm, tác giả, thì bị 16 tháng tù.

Bây giờ thì khác. Bất cứ bài viết hay cuốn sách nào bị ngăn chận ở trong nước cũng đều được tung lên mạng và truyền bá rộng rãi khắp nơi, trước hết, bởi cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, sau đó, bởi chính những người hiện đang sống trong nước.

Chính nhờ ba lý do kể trên, trong những năm vừa qua, chúng ta được đọc khá nhiều cuốn sách hay về lịch sử đương đại Việt Nam được nhìn từ nhiều góc độ và qua kinh nghiệm của nhiều người khác nhau. Trong số đó, nổi bật nhất là các cuốn Hồi ký 1940-1945 của Trần Văn Giàu, Hồi ký của một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải, Hồi ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Hồi ký không tên của Lý Quý Chung, Ký ức và suy nghĩ của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, hồi ký Tôi bị bắt của nhà thơ Trần Vàng Sao, và gần đây nhất, cuốn Bên thắng cuộc, gồm hai tập, của nhà báo Huy Đức.

Người ta thường nói: Lịch sử luôn luôn được viết bởi những người chiến thắng. Điều đó nhất định là đúng. Nhưng có lẽ chỉ đúng với hai điều kiện: Một, những kẻ chiến thắng ấy nắm quyền cai trị một quãng thời gian dài, thật dài, đủ để rửa sạch mọi ký ức của cả cộng đồng (như các triều đại phong kiến ngày xưa); và hai, dân chúng hoàn toàn cam chịu im lặng, hoặc nếu không, cũng không có bất cứ phương tiện hay cơ hội nào để lên tiếng. Với cả hai điều kiện ấy, nhà cầm quyền Việt Nam đều không có. Họ có thể đốt sạch sách vở ở miền Nam nhưng lại không thể đốt chúng ở ngoại quốc, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như trong các thư viện lớn của thế giới. Họ có thể kiểm soát hệ thống báo chí và xuất bản trong nước nhưng lại hoàn toàn bất lực trước sinh hoạt báo chí và xuất bản ở hải ngoại, đặc biệt các sinh hoạt truyền thông trên mạng.

Từ năm 1975, thậm chí, từ năm 1945 đến nay, đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn giành quyền viết lịch sử. Có những thời kỳ, họ là người duy nhất viết lịch sử. Bây giờ dường như đang bắt đầu xuất hiện một phong trào viết lại cái lịch sử ấy. Phong trào ấy càng phát triển bao nhiêu, sự xuyên tạc và dối trá càng sớm bị lột trần bấy nhiêu. Khi sự xuyên tạc và dối trá bị lột trần, các huyền thoại chung quanh đảng cũng như các lãnh tụ càng rơi rụng nhanh chóng bấy nhiêu. Khi các huyền thoại vốn là một trong những nền tảng xây dựng chế độ bị rơi rụng, không chừng chính chế độ cũng sẽ lung lay theo.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG