Sáng nay khi trở dậy, đứng nhìn ra ngoài cửa kính, tôi không thấy gì cả. Không trùng trùng núi tuyết trên cao, không chen chúc phong tùng lưng chừng, không ẩn hiện nhà cửa dưới thấp, không lau lách, không bến bờ; cái hồ quanh co trước nhà cũng mất tăm, mất vết, chỉ có một dòng sông sương như sữa đặc chảy lênh láng vào tận thềm nhà. Tháng Một dương lịch ở miền Tây Bắc Mỹ là mùa đông, tháng của sương mù, sương muối, tháng hàn thử biểu ở 25-30 F vào ban ngày. Tuyết chưa xuống là may rồi, chỉ lạnh thôi. Lạnh se lòng, lạnh làm trí nhớ quay giật lùi, lạnh làm nỗi buồn lăn về phía trước. Tôi mặc áo ấm, sửa soạn đi nhà thờ dự lễ sáng ngày thường. Nào khăn, nào mũ, áo ấm, găng tay, tôi lái xe đi giữa sương mù, đi chầm chậm, đi tới đâu nhìn tới đó. Đầu óc bềnh bồng như sương trước mỗi đoạn xe qua. Vừa lái xe vừa nghĩ đến tối hôm qua nói chuyện với Nguyễn-Xuân Hoàng. Hoàng nói: Tú ơi tháng này là tháng anh Mai Thảo đi đấy. Giật mình nhìn lịch, tháng Một rồi, tháng Một của năm 2013, anh Mai Thảo mất được mười lăm (15) năm.
Mười lăm năm ngắn và buồn như một tiếng thở dài. Tôi nghĩ đến anh, một người để suốt một đời cho đam mê chữ nghĩa. Theo tôi, đam mê văn chương là một đam mê đẹp nhất, vì văn chương là một nghệ thuật người đam mê nó thấy mình như được chúc phúc, được lượng trời rót xuống cho riêng mình, rồi mình mang ra tặng cho những người chung quanh. Đam mê văn chương cũng như đi trong sương mù mùa đông, đẹp và run rẩy. Đi bước nào biết bước đó, mắt mở căng ra cũng không nhìn được xa hơn.Thế giới văn chương như dòng sông sương đặc quánh, phía trước lấp lánh nhưng chẳng hứa hẹn chắc chắn một điều gì. Người làm văn chương cứ thả nổi hồn mình cho gió cuốn đi mất vào trong vũng sương không đáy. Con người nghệ sĩ thật sự, không kỳ vọng một điều gì ở người đời tặng lại cho những sáng tác của mình.
(Thủ bút của Mai Thảo gửi cho Trần Mộng Tú, nhắc bài cho VĂN)
Xương thịt Mai Thảo bây giờ, sau mười lăm năm đã thành phân bón cho phần đất anh nằm bên dưới, mặt đất trên mộ anh, cỏ đã xanh hơn, sức vươn lên của cọng cỏ khỏe mạnh hơn, con sóc con thỏ hoang nào đi qua chắc cũng dừng lại, nhấm nháp vài cọng cỏ non xanh đó. Tôi mỗi lần xuống Cali, đều có ghé nghĩa trang thăm anh, chuyện trò đôi câu, đặt tay lên hàng chữ có tên Mai Thảo, xoa xao lên mặt cỏ như xoa lên vầng trán của một người thân đang nằm ngủ.
Những cuốn sách của anh, có cuốn trong thư viện, trong hiệu sách ở Việt Nam, ở Úc, ở Pháp, ở Mỹ, ở Canada hay ở bất cứ nơi nào có người Việt cư ngụ, có văn hóa ngôn ngữ Việt được sử dụng.
Trong cái gia tài văn chương phong phú của anh (10 tập truyện ngắn, 2 tập tùy bút và 33 truyện dài) Mai Thảo còn làm thơ nữa. Không ai biết anh làm thơ từ bao giờ.
Mai Thảo làm thơ. Chao ơi! Thơ.
Thơ của anh cũng lừng khừng, từ tốn, ngắn gọn, gióng một, thâm trầm như khi anh nói chuyện với các bạn văn của anh. Mỗi chữ thơ của anh viết xuống có khẩu khí riêng của anh, không lẫn vào với thơ của bất cứ ai.
Đây là ba bài thơ gia đình của anh trở lại Việt Nam sau hơn 20 năm (kể từ 1975) đã tìm được ở nhà người thân, nơi anh từng trú ẩn.
Hình Tượng
Từ trong cửa tối nhìn ra
Thấy gần: bóng lá, thấy xa: biển trời
Lá lay, bóng cách ngăn đời
Biển im, hình tượng cõi người không ta.
Thủy Tinh
Trở mình chăn chiếu mênh mông
Giấc mơ chật hẹp vẫn trong cuộc đời
Mộng ta không xóa nổi người
Đáy đêm còn đọng tiếng cười thủy tinh.
Kim
Miếng da bịt mắt thành đêm
Cây kim khâu miệng thành im lặng mồ
Tay chân, giây trói bao giờ
Da, kim, giây ấy bây giờ là ta.
Làm sao người đọc có thể nhầm lẫn ngôn ngữ này, khẩu khí này với một nhà thơ khác được. Những bài thơ tìm được này cũng cho ta thấy Mai Thảo đã làm thơ từ lâu, trước khi tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền xuất bản ở Mỹ.(1989)
Đọc thơ Mai Thảo tôi thấy anh rất cao ngạo. Anh cao ngạo thấy anh chính là mặt trời (nhật) chính là mặt trăng (nguyệt) nhưng lại chua xót cho cái thân nghiệp (Karma) của chính mình , tự nhìn ra “nhật nguyệt đều tăm tối”
Một cái cao ngạo rất đáng cảm thương vì anh cao ngạo với chính mình, với định mệnh, với cái thân nghiệp của riêng mình.
Ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
Ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
Sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
Tự thuở chim hồng rét mướt bay.
Có phải khi những người làm văn chương rơi vào cô đơn thì họ cô đơn đến cùng cực và có thể tìm cái chết để đi tới cái đích cuối của cô đơn như nhà văn Nhật Kawabata và nhà văn Mỹ Hemmingway chẳng hạn.
Mang cái thân của một người đàn ông độc thân, cái tâm của một văn-thi-sĩ. Mai Thảo là một trong nhưng người cô đơn cùng cực đó. Nhưng ông không tự hủy, ông viết văn, làm thơ và rót rượu mỗi ngày, thế thôi.
Một Mình
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái gì đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy
“Một ngụm chiều rơi lệ” Còn câu thơ nào nói lên được sự cô đơn hơn thế không?
Anh Mai Thảo, mười lăm năm rồi đấy, những người bạn khi anh sống, anh thân quý họ, khi anh mất đi họ chẳng thể nào quên anh được. Đối với Tú (và Nguyễn- Xuân Hoàng nữa), anh Mai Thảo vẫn đâu đó quanh đây; dù đời sống có tất bật, nắng có lóa mắt mùa hạ, sương có che mờ lối mùa đông, vẫn có đôi lúc Tú thảng thốt nhớ đến anh khi bất chợt tìm thấy một chai rượu mạnh để quên lâu ngày trong tủ, hay một buổi sáng nào đó nhìn thấy cỏ bỗng xanh biếc trên ngọn đồi sương.
Nhắc đến anh chính là nhắc đến thời gian, đến vó câu qua cửa, nhắc đến một cõi không rồi ai cũng đến. Ta có gặp nhau ở cõi đó hay không? Nào ai biết được.
Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết khởi đầu là thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ. (Bờ Cõi Khởi Đầu- trong TTHTNMĐ)
Ngủ yên đi nhé, thơ.
Trần Mộng Tú
Tháng 1/2013
Mười lăm năm ngắn và buồn như một tiếng thở dài. Tôi nghĩ đến anh, một người để suốt một đời cho đam mê chữ nghĩa. Theo tôi, đam mê văn chương là một đam mê đẹp nhất, vì văn chương là một nghệ thuật người đam mê nó thấy mình như được chúc phúc, được lượng trời rót xuống cho riêng mình, rồi mình mang ra tặng cho những người chung quanh. Đam mê văn chương cũng như đi trong sương mù mùa đông, đẹp và run rẩy. Đi bước nào biết bước đó, mắt mở căng ra cũng không nhìn được xa hơn.Thế giới văn chương như dòng sông sương đặc quánh, phía trước lấp lánh nhưng chẳng hứa hẹn chắc chắn một điều gì. Người làm văn chương cứ thả nổi hồn mình cho gió cuốn đi mất vào trong vũng sương không đáy. Con người nghệ sĩ thật sự, không kỳ vọng một điều gì ở người đời tặng lại cho những sáng tác của mình.
(Thủ bút của Mai Thảo gửi cho Trần Mộng Tú, nhắc bài cho VĂN)
Xương thịt Mai Thảo bây giờ, sau mười lăm năm đã thành phân bón cho phần đất anh nằm bên dưới, mặt đất trên mộ anh, cỏ đã xanh hơn, sức vươn lên của cọng cỏ khỏe mạnh hơn, con sóc con thỏ hoang nào đi qua chắc cũng dừng lại, nhấm nháp vài cọng cỏ non xanh đó. Tôi mỗi lần xuống Cali, đều có ghé nghĩa trang thăm anh, chuyện trò đôi câu, đặt tay lên hàng chữ có tên Mai Thảo, xoa xao lên mặt cỏ như xoa lên vầng trán của một người thân đang nằm ngủ.
Những cuốn sách của anh, có cuốn trong thư viện, trong hiệu sách ở Việt Nam, ở Úc, ở Pháp, ở Mỹ, ở Canada hay ở bất cứ nơi nào có người Việt cư ngụ, có văn hóa ngôn ngữ Việt được sử dụng.
Trong cái gia tài văn chương phong phú của anh (10 tập truyện ngắn, 2 tập tùy bút và 33 truyện dài) Mai Thảo còn làm thơ nữa. Không ai biết anh làm thơ từ bao giờ.
Mai Thảo làm thơ. Chao ơi! Thơ.
Thơ của anh cũng lừng khừng, từ tốn, ngắn gọn, gióng một, thâm trầm như khi anh nói chuyện với các bạn văn của anh. Mỗi chữ thơ của anh viết xuống có khẩu khí riêng của anh, không lẫn vào với thơ của bất cứ ai.
Đây là ba bài thơ gia đình của anh trở lại Việt Nam sau hơn 20 năm (kể từ 1975) đã tìm được ở nhà người thân, nơi anh từng trú ẩn.
Hình Tượng
Từ trong cửa tối nhìn ra
Thấy gần: bóng lá, thấy xa: biển trời
Lá lay, bóng cách ngăn đời
Biển im, hình tượng cõi người không ta.
Thủy Tinh
Trở mình chăn chiếu mênh mông
Giấc mơ chật hẹp vẫn trong cuộc đời
Mộng ta không xóa nổi người
Đáy đêm còn đọng tiếng cười thủy tinh.
Kim
Miếng da bịt mắt thành đêm
Cây kim khâu miệng thành im lặng mồ
Tay chân, giây trói bao giờ
Da, kim, giây ấy bây giờ là ta.
Làm sao người đọc có thể nhầm lẫn ngôn ngữ này, khẩu khí này với một nhà thơ khác được. Những bài thơ tìm được này cũng cho ta thấy Mai Thảo đã làm thơ từ lâu, trước khi tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền xuất bản ở Mỹ.(1989)
Đọc thơ Mai Thảo tôi thấy anh rất cao ngạo. Anh cao ngạo thấy anh chính là mặt trời (nhật) chính là mặt trăng (nguyệt) nhưng lại chua xót cho cái thân nghiệp (Karma) của chính mình , tự nhìn ra “nhật nguyệt đều tăm tối”
Một cái cao ngạo rất đáng cảm thương vì anh cao ngạo với chính mình, với định mệnh, với cái thân nghiệp của riêng mình.
Ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
Ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
Sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
Tự thuở chim hồng rét mướt bay.
Có phải khi những người làm văn chương rơi vào cô đơn thì họ cô đơn đến cùng cực và có thể tìm cái chết để đi tới cái đích cuối của cô đơn như nhà văn Nhật Kawabata và nhà văn Mỹ Hemmingway chẳng hạn.
Mang cái thân của một người đàn ông độc thân, cái tâm của một văn-thi-sĩ. Mai Thảo là một trong nhưng người cô đơn cùng cực đó. Nhưng ông không tự hủy, ông viết văn, làm thơ và rót rượu mỗi ngày, thế thôi.
Một Mình
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái gì đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy
“Một ngụm chiều rơi lệ” Còn câu thơ nào nói lên được sự cô đơn hơn thế không?
Anh Mai Thảo, mười lăm năm rồi đấy, những người bạn khi anh sống, anh thân quý họ, khi anh mất đi họ chẳng thể nào quên anh được. Đối với Tú (và Nguyễn- Xuân Hoàng nữa), anh Mai Thảo vẫn đâu đó quanh đây; dù đời sống có tất bật, nắng có lóa mắt mùa hạ, sương có che mờ lối mùa đông, vẫn có đôi lúc Tú thảng thốt nhớ đến anh khi bất chợt tìm thấy một chai rượu mạnh để quên lâu ngày trong tủ, hay một buổi sáng nào đó nhìn thấy cỏ bỗng xanh biếc trên ngọn đồi sương.
Nhắc đến anh chính là nhắc đến thời gian, đến vó câu qua cửa, nhắc đến một cõi không rồi ai cũng đến. Ta có gặp nhau ở cõi đó hay không? Nào ai biết được.
Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết khởi đầu là thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ. (Bờ Cõi Khởi Đầu- trong TTHTNMĐ)
Ngủ yên đi nhé, thơ.
Trần Mộng Tú
Tháng 1/2013