Đường dẫn truy cập

‘Đế chế’ Vingroup lấn sân hàng không


Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (thứ hai từ trái sang) đón Thủ tướng New Zealand John Key sau khi ông đến thăm một cửa hang Vinmart ở Hà Nội hồi năm 2015
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (thứ hai từ trái sang) đón Thủ tướng New Zealand John Key sau khi ông đến thăm một cửa hang Vinmart ở Hà Nội hồi năm 2015

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, vừa bước chân vào ngành hàng không với việc thành lập hãng hàng không Vinpearl Air, báo chí trong nước loan tin.

Với động thái này, Vingroup, vốn được cho là đang chi phối mọi lĩnh vực trong đời sống Việt Nam, từ nhà ở, trường học, bệnh viện, cửa hàng tiện ích, điện thoại thông minh, xe hơi cho đến nghỉ dưỡng, tiếp tục kéo dài danh sách những lĩnh vực kinh doanh theo phương châm của họ là cung cấp mọi dịch vụ cho người dân ‘từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời’.

Vào tối ngày 9/7, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện của tập đoàn này cho biết họ vừa thành lập hãng hàng không Vinpearl Air với số vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng với trụ sở chính đặt tại quận Long Biên, Hà Nội.

Cũng theo tờ báo này thì Vinpearl Air là sự đổi tên từ VinAsia và lĩnh vực kinh doanh cũng thay đổi từ bất động sản sang vận tải hàng không dân dụng.

Hiện chưa rõ phân khúc thị trường và chiến lược kinh doanh của Vinpearl Air là gì, nhưng sự ra đời một hãng bay mới được đánh giá là làm thị trường hàng không Việt Nam cạnh tranh thêm gay gắt. Hiện ngoài hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Việt Nam còn có các hãng giá rẻ Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và mới đây là hãng Bamboo Airways (tức Tre Việt).

Trong một động thái chuẩn bị cho hoạt động của Vinpearl Air, tập đoàn Vingroup thông báo sẽ mở trường đào tạo phi công ở Việt Nam với mục tiêu cung ứng 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường mỗi năm, theo trang mạng VnExpress.

Theo đó, hai cơ sở đào tạo phi công mà Vingroup thành lập ở Việt Nam có tên gọi là Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre). Đây là kết quả của sự hợp tác với Tập đoàn CAE của Canada để tập đoàn này giúp đào tào nhân sự ngành hàng không cho Việt Nam.

VinAviation School được cho là sẽ đào tạo ra các phi công theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu (EASA).

Ngoài ra, trường đại học VinUni cũng của tập đoàn Vingroup sẽ mở các ngành đào tạo các ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay.

VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Vingroup, nói rằng tập đoàn này đặt mục tiêu ‘giải quyết được bài toán khan hiếm phi công trong nước, đồng thời tiến tới xuất khẩu phi công ra thế giới, nhằm tham gia phát triển các nguồn lực quốc gia, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ và đóng góp ngoại tệ cho đất nước’.

‘Vin mọi thứ’

Tập đoàn này cũng đã tung ra mẫu xe hơi VinFast với tham vọng đưa mẫu xe này trở thành một thương hiệu quốc gia của Việt Nam và xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi trị giá 3,5 tỷ đô la ở Hải Phòng.

Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart, các khu căn hộ, các trường học VinSchool, Đại học VinUni, khu nghỉ dưỡng VinPearl, bệnh viện VinMec, dược phẩm VinFa, các trung tâm thương mại cao cấp VinCom, dịch vụ vận tải bằng xe điện VinBus, xe máy điện VinFast và điện thoại thông minh Vsmart.

Mới đây, tờ Financial Times của Anh đã đăng bài điều tra của nhà báo John Reed về Vingroup mà trong đó tác giả gọi tập đoàn này là ‘đế chế’.

Theo bài báo này, Vingroup được xem là ‘câu trả lời của Việt Nam đối với mô hình chaebol của Hàn Quốc, tức những tập đoàn đa ngành nghề, đa lĩnh vực và là lá cờ đầu trong ngành kỹ nghệ đất nước như Samsung và Hyundai, vốn không chỉ chi phối thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới’.

“Việt Nam đang nhanh chóng trở thành đất nước mà mọi thứ đều là Vin gì đó,” bài báo viết.

“Ngày nay, một người Việt Nam thuộc đẳng cấp nào đó có thể sống trong căn hộ của Vinhome, cho con đi học trường VinSchool, đi nghỉ ở resort Vinpearl và sạc xe điện VinFast của họ tại cửa hàng VinMart,” bài báo miêu tả.

Nhà báo John Reed cũng nêu ra quan ngại về việc tập đoàn này ‘mở rộng quá mức’ vào những lĩnh vực ‘mạo hiểm và cạnh tranh gay gắt như sản xuất ô tô’ và việc ‘những nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia có nguy cơ bị Vingroup sử dụng’ cho mục đích của họ.

Vẫn theo bài báo của Financial Times, Vingroup đã thành công trong việc ‘xây dựng mối quan hệ với giới lãnh đạo ở Việt Nam để bảo vệ cho việc làm ăn của họ’ và dựa vào thể chế chuyên chế ‘để bịt miệng những người chỉ trích họ’.

Bài báo cũng đề cập đến việc tập đoàn này bị chỉ trích vì giành được những miếng đất béo bở trong những vụ chuyển nhượng đất đai ‘không minh bạch’.

‘Cần nhiều Vingroup’

Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Đinh Trường Hinh, cựu kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới hiện là chủ tịch công ty EGAT ở Washington D.C., nói rằng sự phát triển của Vingroup là ‘điều tốt’ và ‘Việt Nam cần tạo cơ hội cho những tập đoàn tư nhân được phát triển giống như Vingroup, nhất là trong lĩnh vực công kỹ nghệ chứ không phải bất động sản’.

Ông cho rằng ‘Việt Nam cần đến 20, 30 tập đoàn như Vingroup để giúp phát triển kinh tế Việt Nam, nâng cấp kỹ nghệ Việt Nam’.

Trả lời câu hỏi liệu có sự lũng đoạn của Vingroup đối với giới chính trị gia ở Việt Nam để được ưu ái hay không, ông Hinh cho rằng do ‘phương pháp làm việc của Việt Nam lâu nay không rõ ràng’ cho nên ‘chắc cũng có cái gì đó đằng sau mà Tập đoàn Vingroup mới có thể lên nhanh đến vậy’.

“Sự giúp đỡ của chính phủ (cho khu vực tư nhân) phải thật minh bạch, rõ ràng và không kỳ thị ai cả,” ông nói. “Bất cứ tập đoàn tư nhân nào miễn là của Việt Nam, dùng trí óc Việt Nam, dùng lao động Việt Nam, sản xuất cho Việt Nam thì phải được chính phủ giúp đỡ.”

Ông Hinh cũng cho rằng không nên chỉ trích Vingroup vì những khuyết điểm trong sản phẩm của họ, nhất là dòng xe hơi VinFast.

“Những chuyện này (thiếu sót) thì bất cứ nước nào đang phát triển cũng phải trải qua. Sự phê bình như vậy là không công bằng,” ông Hinh nói và dẫn trường hợp xe hơi Toyota lúc đầu cũng gặp ‘không biết bao nhiêu là khuyết điểm’.

Khi được hỏi Việt Nam có nên đi theo mô hình xây dựng các chaebol như của Hàn Quốc không, ông Hinh cho rằng Việt Nam nên vừa xây dựng các chaebol như Hàn Quốc, vừa tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) theo mô hình của Đài Loan. Hai mô hình này đều có thể là ‘bàn đạp để Việt Nam tiến lên’.

Ông giải thích là các tập đoàn lớn giúp Việt Nam nâng cấp công nghệ và đuổi kịp công nghệ của thế giới trong khi đại bộ phận nền kinh tế của Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo ra công ăn việc làm cho đông đảo người dân Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG