Đảng Cộng hòa sẽ nỗ lực một lần nữa để rút lại đạo luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (ACA, hay còn gọi là Obamacare) nếu họ giành đủ ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm 17/10, ông McConnell đã gọi nỗ lực thất bại của Đảng Cộng hòa để rút lại Obamacare hồi năm 2017 là ‘nỗi thất vọng’.
Ông McConnell cũng đổ lỗi cho các chương trình xã hội tốn kém, chẳng hạn như An sinh Xã hội và Medicare, là khiến cho nợ quốc gia tăng nhanh.
Vào ngày 6/11, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu lại toàn bộ Hạ viện, một phần ba Thượng viện và thống đốc một số tiểu bang.
Đảng Cộng hòa của ông McConnell hiện đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội. Đảng Dân chủ sẽ cố gắng giành lại kiểm soát Quốc hội từ tay Đảng Cộng hòa.
Mặc dù kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội và Nhà Trắng, hồi năm ngoái Đảng Cộng hòa đã thất bại một cách kịch tính trong nỗ lực đảo ngược đạo luật chăm sóc sức khỏe mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama. Ông McConnell đã gọi đó là ‘sự thất vọng ở Quốc hội nhìn từ quan điểm Cộng hòa’.
“Nếu chúng tôi có đủ số phiếu để làm lại hoàn toàn, chúng tôi sẽ làm. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào điều gì sẽ xảy ra trong một vài tuần nữa. Chúng tôi không hài lòng với cách vận hành của Obamacare.
Lời bình luận của ông McConnell đã hứng chịu chỉ trích gay gắt từ lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện cũng như các thành viên Dân chủ khác. Phe Dân chủ đã tìm cách khắc họa nỗ lực thu hồi Obamacare là ‘cuộc tất công và tầng lớp trung lưu.
“Nếu Đảng Cộng hòa giữ được Thượng viện thì họ sẽ làm tất cả mọt thứ có thể để xóa bỏ chăm sóc y tế cho nhiều hộ gia đình và tăng chí phí của họ lên,” ông Schumer phát biểu trong một thông cáo.
Về các chương trình xã hội, ông McConnell nói rằng: “Sư ban phát là nguyên nhân dài hạn gây ra nợ nần.”
Các chương trình xã hội giúp đỡ người nghèo, người già, người thất nghiệp, cựu chiến binh và người tàn tật thường được gọi là ‘sự ban phát’ ở Washington. Trong số đó có chương trình chăm sóc y tế Medicaid.
Bộ Tài chính Mỹ vừa mới thông báo thâm hụt ngân sách 779 tỷ đô la trong năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2012. Theo bản báo cáo này thì chi phí quốc phòng tăng cao là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt ngân sách. Báo cáo cũng cho thấy khoản thu của chính phủ đã giữ nguyên bất chấp kinh tế tăng trưởng và chi tiêu của người dân tăng cao. Nguyên nhân là gói cắt giảm thuế sâu do Đảng Cộng hòa thông qua hồi năm ngoái.