Cộng đồng các đối tác phát triển mới đây đã cùng với chính phủ Việt Nam thảo luận cách thức nước này “tận dụng những cơ hội do COVID-19 mang lại để hỗ trợ phục hồi bền vững và duy trì tăng trưởng trong dài hạn”, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Theo tổ chức tài chính này, “Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020” diễn ra “trong bối cảnh đầy thách thức đòi hỏi Việt Nam phải có những điều chỉnh trong việc xây dựng kế hoạch phát triển trung hạn và chiến lược dài hạn”.
World Bank nhận định rằng COVID-19 “làm trầm trọng hóa thêm các xu hướng tăng trưởng chậm của thương mại, GDP và năng suất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007 - 2009 và làm xáo trộn mạng lưới sản xuất toàn cầu trên quy mô chưa từng có”.
Ngân hàng Thế giới dẫn lời Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie, nói tại diễn đàn tổ chức hồi cuối tháng Chín: “Cam kết tăng trưởng đồng đều và bền vững sẽ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức kinh tế do COVID-19 tạo ra, và giúp nền kinh tế phát triển mạnh trong một thế giới hậu COVID. Australia tự hào được hỗ trợ Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam, với sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới”.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các thách thức, đại dịch COVID-19 cũng có thể mang lại những cơ hội có lợi cho các nước đang phát triển. World Bank cho biết rằng các đại biểu tham gia diễn đàn, gồm các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế và các nhà điều hành khu vực tư nhân, xác định rằng “hai xu hướng lớn quan trọng nhất đối với Việt Nam là sự chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu và hệ thống đầu tư và sự trỗi dậy của nền kinh tế không tiếp xúc”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được trích lời nhận định rằng “hai xu hướng không hoàn toàn mới nhưng đang tăng tốc nhờ COVID-19”.
“Nếu Việt Nam thực hiện cải cách trong hai lĩnh vực này quyết liệt, hiệu quả như cách quốc gia này xử lý cuộc khủng hoảng y tế COVID-19, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng hai xu hướng trên để quay lại con đường tăng trưởng nhanh và đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”, bà Turk được World Bank dẫn lời nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc rút ngắn chuỗi giá trị toàn cầu và đa dạng hóa các điểm cung cấp “mang đến cơ hội đặc biệt cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực”.
Đồng thời, theo World Bank, COVID-19 có thể thay đổi vĩnh viễn hành vi của con người theo hướng sử dụng nhiều hơn công nghệ kỹ thuật số cũng như tạo ra các thay đổi lâu dài về cách thức hoạt động của doanh nghiệp trong cách tổ chức theo hướng tăng tính hiệu quả. COVID-19 đóng vai trò như một chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số vốn đã diễn ra trước khi COVID-19 tại Việt Nam”.
Tháng trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đưa ra dự báo rằng kinh tế Việt Nam “dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020” và “gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021”.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, được dẫn lời nói trong báo cáo có tên gọi “Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2020” rằng “tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến”.
“Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19”, ông Jeffries nói thêm hôm 15/9. “Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.
Theo đánh giá của ADB, kinh tế Việt Nam “sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu”.