Đường dẫn truy cập

Đọc “Sống và viết ở hải ngoại”


Viết sách ở hải ngoại
Viết sách ở hải ngoại

Đâu cần nói chi xa, hiện tượng hoa hậu Đỗ Thị Hà trong “Cô gái vót chông” vào cuối năm ngoái, hay phản ứng của lãnh đạo Việt Nam qua cuộc chiến xâm lăng của Nga vào Ukraine, cũng cho thấy được tư duy này đang ngự trị trong thành phần quyền lực cao nhất tại Việt Nam.

Đầu năm 2022, tôi tự hứa với mình là sẽ dành nhiều thời gian hơn để đọc. Nhất là đọc sách. Hai ba tháng đầu tôi đọc được một vài cuốn, nhưng khi đọc gần hết thì, vì lý do này hay lý do khác, tôi lại bỏ nửa chừng.

Những tạp chí tôi thường đọc như Foreign Affairs, The Interpreter, Foreign Policy, The Economist v.v… tôi cũng ít đọc hơn so với những năm trước.

Có đọc, nhưng không đọc sâu. Mà chỉ đọc nhanh để bắt ý chính.

Nhưng có hai tác phẩm tôi đã hay từng đọc, và muốn viết về, là cuốn “Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship between Literature and Politics” và “Sống và viết ở hải ngoại” của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, tức tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn. Tôi hân hạnh được ông gửi tặng hai tác phẩm này.

Cuốn “Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa…” là dựa trên luận án tiến sĩ của ông Nguyễn Hưng Quốc, mà tôi từng đọc hơn 15 năm trước. Tôi đã dựa vào tài liệu này là chính, cũng như nhiều nghiên cứu phụ khác, để viết một luận văn về chính sách văn hóa của Việt Nam lúc lấy bằng cao học về chính trị học.

Cuốn “Sống và viết…” thì tôi mới nhận được hai tuần nay. Nhưng mấy ngày qua tôi bận bịu quá nên vài ba đêm mới có được một hai tiếng để đọc.

Cầm cuốn sách lên là không muốn bỏ xuống. Nhưng phải bỏ xuống là vì, một, quá khuya, và, hai, muốn từ từ suy ngẫm về những điều đã đọc. Thay vì đọc một mạch cho xong.

Tôi thường bị cuốn hút bởi những tác phẩm của ông Nguyễn Hưng Quốc. Mỗi bài phê bình văn học (hay chính trị) của ông đọc thích như đọc những chuyên gia viết luận văn trên Foreign Affairs, Foreign Policy v.v… Nó chất lượng, bổ ích và soi sáng. Ngòi bút của ông không chỉ sắc bén, nhận định tinh tế, kiến thức sâu rộng, mà còn sự nhạy bén và nhạy cảm tiềm ẩn trong cách nhìn phóng thoáng và cấp tiến về văn học và những gì liên quan đến văn học. Cũng như trong chính trị. Riêng trong văn học, như ông phê bình, nó không thể tự mình nó tồn tại. Nó là sự liên đới, và là tiến trình không ngừng, của sự vận động, và được tác động, bởi lịch sử và văn hóa.

Ông Nguyễn Hưng Quốc nhận định rằng cái văn học tại Việt Nam dưới chế độ hiện nay nó thất bại. Đã đành. Vì bị chính trị hóa, bị sự lãnh đạo văn nghệ độc đoán, dốt nát của đảng Cộng sản (trang 85-86). Vì không có tự do sáng tác. Và vì cái chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tuy đã bị khai tử, nhưng chẳng có gì thay thế, trong khi chủ trương kiểm soát toàn diện của chế độ không hề thay đổi v.v…

Nhưng văn học Việt Nam tại hải ngoại cũng không khá hơn bao nhiêu, như ông nhận định. Khi nghiên cứu, ông nhìn ra được rằng những khuyết điểm về văn học trong và ngoài nước cũng khá giống nhau (trang 86). Ông viết:

Tập trung vào văn hóa văn chương, tôi phát hiện văn học Việt Nam năm đặc điểm nổi bật: (a) Tính chất truyền khẩu, (b) tính chất thực dụng, (c) tính chất phản trí thức, (d) tính chất nghiệp dư, (e) tính chất hậu thuộc địa. Những đặc điểm này vừa là sản phẩm của một lịch sử trong đó có một nửa thời gian là nô lệ vừa là yếu tố chủ đạo trong việc định hình diện mạo văn học Việt Nam, cho tới nay, vẫn tiếp tục chi phối cách nhìn và cách viết của đa số, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số, người cầm bút Việt Nam, bởi vậy, đó không phải là chuyện quá khứ. Đó là chuyện của hiện tại. (trang 87)

Nếu đem năm đặc điểm đó vào trong lĩnh vực chính trị Việt Nam, tôi cho rằng nó cũng có giá trị nguyên vẹn (ngoại lệ, tất nhiên, là thế hệ Việt thứ hai và ba tại hải ngoại). Một, tư duy nghe và tin những thông tin hành lang, tin truyền khẩu, vẫn rất phổ biến hơn là tin vào những gì xuất phát từ nguồn hay văn bản. Hai, phê bình chính trị Việt Nam trong lẫn ngoài nước thường phân tích những cái hiện tượng hơn là bản chất, những thứ bên ngoài và thực dụng hơn chính sách hay chiến lược. Ba, hồi xưa người Việt còn trọng nhân sĩ, trí thức, ở mức độ nào đó, cho đến khi chủ nghĩa cộng sản du nhập vào nước ta; nhưng chưa bao giờ tính chất phản trí thức lại phổ biến như bây giờ. Mạng truyền thông xã hội thể hiện đầy tính chất này, điển hình là những bài viết nào đi xa hay đi sâu một chút thì càng ít độc giả, trong khi các tin giựt gân tin giả thì lại được hưởng ứng nồng nhiệt (nhưng phản trí thức là hiện tượng chung toàn cầu, không chỉ tại Việt Nam hay với người Việt thôi). Bốn, có lẽ tính chất nghiệp dư không chỉ phổ biến trong giới cầm bút văn nghệ sĩ, mà còn trong mọi lĩnh vực ngành nghề. Năm, về tính chất hậu thuộc địa, tuy Việt Nam đã chính thức độc lập kể từ năm 1954 đến nay, nghĩa là gần 70 năm, nhưng hệ quả của chủ nghĩa thuộc địa vẫn còn trong tư duy của lãnh đạo Việt Nam, và vẫn còn trong vô số người Việt tại hải ngoại thuộc thế hệ một. Đâu cần nói chi xa, hiện tượng hoa hậu Đỗ Thị Hà trong “Cô gái vót chông” vào cuối năm ngoái, hay phản ứng của lãnh đạo Việt Nam qua cuộc chiến xâm lăng của Nga vào Ukraine, cũng cho thấy được tư duy này đang ngự trị trong thành phần quyền lực cao nhất tại Việt Nam. Vẫn là một tư duy bất an, thiếu tự tin, lắm nghi kỵ và phủi tay đổ hết lỗi vào Tây phương, vào thực dân, vào “đế quốc” Mỹ, vào chiến tranh hay quá khứ v.v…

Nhận xét trên nói lên điều gì? Về văn học, ông Nguyễn Hưng Quốc cho rằng các yếu tố lịch sử và văn hóa đã tác động mạnh mẽ lên giới cầm bút Việt Nam: từ viết, đọc đến phê bình (trang 86-87).

Cho nên không có gì ngạc nhiên với chủ trương kiểm soát lịch sử, và điều khiển chính sách văn hóa, như Nga Trung Quốc và Việt Nam đã làm một cách xuyên suốt và nhất quán, từ trước khi nắm quyền cho đến khi đã nắm toàn bộ quyền lực trong tay. Họ có nhu cầu để định hình tư tưởng và tư duy của mọi công dân. Nó luôn là ưu tiên hàng đầu của họ.

Trong tác phẩm “Sống và viết tại hải ngoại”, ông Nguyễn Hưng Quốc cũng chia sẻ nhiều về cuộc đời viết văn của mình, nhất là những cái “lộc” vô tình mà ông được hưởng; và những nguyên nhân và hoàn cảnh hình thành nên hơn 20 tác phẩm của ông. Ông cũng kể lại nhiều kỷ niệm với những văn nghệ sĩ và những nhà phê bình văn học khác mà ông đã gặp tại Mỹ, Pháp, Úc và Việt Nam; vắn tắc nói về đặc tính của từng người ông có cơ hội phê bình hay làm việc chung; hay những cuộc bút chiến làm vang động một thời. Hai lần bị cấm nhập cảnh, năm 2005 và 2009, cũng được ông trình bày chi tiết hơn.

Điều lý thú mà ông có chia sẻ là ngoài phê bình văn học, là lĩnh vực sở trường chuyên môn của mình, ông cũng viết phê bình chính trị. Ban đầu, là do hoàn cảnh sinh sống lúc mới đến Pháp; sau này, do hoàn cảnh “lý lịch”, khi ông đã bị Việt Nam từ chối cho nhập cảnh.

Khi viết càng nhiều về phê bình chính trị, ông Nguyễn Hưng Quốc cảm nhận sâu sắc rằng thật ra không có sự khác biệt giữa việc phê bình chính trị và phê bình văn học. Bởi vì, theo ông, văn hóa là văn bản (text). Ông nói rằng nhiều lý thuyết phê bình cũng đi đến kết luận như thế. Và riêng với ông, chính trị cũng là văn bản (politics as a text). Khi phân tích văn bản, ông xem nó như một công việc mang tính khoa học và nghệ thuật (trang 34-35).

Riêng về vấn đề này, tuy đồng ý với ông về mặt lý thuyết, tôi cho rằng trường hợp Việt Nam là một trong những ngoại lệ. Những gì gọi là văn bản, nhất là văn bản chính trị, thì không đáng tin cậy hay có giá trị đáng kể nào. Không nơi đâu văn bản quan trọng bằng hiến pháp hay pháp luật, nhưng các văn bản này có giá trị gì đâu. Còn những văn bản xưa và nay, nếu được tiết lộ, toàn là những thứ có lợi cho chế độ, nhất là về mặt tuyên truyền, nên mới được phổ biến. Những điều “bí mật quốc gia” thì chẳng ai biết nó mặt mũi ra sao. Cái gọi là văn bản tại Việt Nam cũng chỉ là một nửa vấn đề; một nửa văn bản; một nửa sự thật. Trong khi đó, văn bản trong nền chính trị dân chủ, cũng như trong mọi lĩnh vực, có thể được kiểm chứng, xác định. Ngoài ra, nó có giá trị định hình chuẩn mực (standard setting). Nền tảng nằm ở ngay đó.

Qua tác phẩm mới nhất mà ông chia sẻ nhiều chi tiết cá nhân nên rất dễ đọc và dễ cảm thấy gần gũi, có thể nói đọc Nguyễn Hưng Quốc lúc nào cũng học hỏi được nhiều điều. Tác phẩm nào tôi cũng bị cuốn hút vào từng câu văn. Ngoài những cảm nhận này, tôi còn có sự đồng cảm rất lớn với những tác phẩm của ông vì ba nguyên do. Một, khi tôi trở lại học chính trị học tại Úc, tôi đã tiếp cận những lý thuyết và phê bình chính trị và quan hệ quốc tế, mà với tôi, nó không chỉ giúp mình nhìn về thế giới bằng nhãn quan khác, mà còn hiểu sâu hơn vì sao văn hóa chính trị của những nước dân chủ được như thế. Tức không phải nhìn vào cấu trúc, cơ chế thôi, mà còn là tư duy và tư tưởng góp phần định hình và chuyển hóa xã hội ở đây. Những lý thuyết phê bình này phần lớn cũng không khác nhiều với những lý thuyết phê bình văn học mà ông Nguyễn Hưng Quốc đã đọc và viết rất nhiều. Hai, trong khi ông muốn khuyến khích tất cả những người cầm bút Việt Nam làm nên những cái mới, không sợ hãi thử nghiệm những chân trời mới, tiếp cận với những lý thuyết phê bình văn học để có ý tưởng mới, thì tôi cũng thấy rằng con đường như thế cũng vô cùng cần thiết cho giới làm chính trị, viết về chính trị, lẫn những người đọc về chính trị, dù là chính trị về Việt Nam hay thế giới. Chỉ khi nào giới cầm bút phê bình chính trị có tri thức và tầm nhìn thì họ mới đóng vai trò chuyển tải thông tin và kiến thức đúng đắn đến độc giả. Ba, ông xác nhận chỉ đau đớn với chuyện Việt Nam, nhưng không hận thù. Ông phê phán với tính cách, và lương tâm của một người trí thức, vì tính chất độc tôn và độc tài của chế độ cộng sản, chỉ phá hoại hơn xây dựng. Còn tôi, gần 30 năm qua chưa về lại Việt Nam, nhưng không hiểu sao mỗi khi nghe chuyện Việt Nam vẫn thấy quan tâm; vẫn thấy buồn. Mới đây nghe chuyện bốn thi thể người Việt được phát hiện tại Anh trong vụ cháy hồi tháng 5, nhớ lại 39 người Việt trong đó có nhiều người trẻ bị chết ngạt vào cuối năm 2019.

Thấy thương. Thấy giận. Thấy nhục.

Cho nên đọc Nguyễn Hưng Quốc, tôi lại tìm thấy mình thoang thoảng trong đó. Nỗi niềm của một người Việt Nam.

Phạm Phú Khải

Úc châu, 06/08/2022

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG