Đường dẫn truy cập

Đài Loan thu hút ký giả nước ngoài vì tự do báo chí


Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu với truyền thông tại Đài Bắc ngày 12/8/2020.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu với truyền thông tại Đài Bắc ngày 12/8/2020.

Từ đầu năm tới nay, Đài Loan cho đăng ký 22 ký giả nước ngoài, trong đó có một số bị cấm hoạt động tại Trung Quốc, những người tìm tới Đài Loan vì nền tự do báo chí ở đây.

Các nhà báo tới Đài Loan đăng ký hành nghề “vì chúng tôi cung cấp tự do ngôn luận và tự do báo chí và tôn trọng việc thực thi những quyền này,” Bộ Ngoại giao Đài Loan nói với VOA.

Trung Quốc theo dõi các nhà báo, kiểm duyệt internet và trục xuất một vài phóng viên Mỹ trước đây trong năm.

Trong số 22 nhà báo vừa đăng ký ở Đài Loan có 7 người trước đây làm việc tại Trung Quốc, trong đó có một số bị trục xuất khỏi Bắc Kinh hồi tháng 3 vì đăng tải những nội dung chính phủ Trung Quốc bất bình. Các nhà báo bị trục xuất này làm việc cho báo New York Times và Wall Street Journal.

“Hậu quả của lệnh trục xuất của chính phủ Trung Quốc, chúng tôi phải tái phối trí những nhà báo bị ảnh hưởng đến những nơi khác trong vùng, trong đó có Đài Bắc,” bà Danielle Rhoades Ha, phó chủ tịch truyền thông của New York Times nói.

Trung Quốc và Đài Loan mỗi bên đều tự trị nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và đe dọa dùng vũ lực để thống nhất.

Săn tin Trung Quốc

Các nhà báo nước ngoài thường thích có trụ sở tại Bắc Kinh để săn tin của chính phủ và tham dự các sự kiện ngoại giao quan trọng. Phóng viên tại Đài Loan tường trình về Trung Quốc phải dùng internet và thỉnh thoảng tới Trung Quốc nếu được phép.

Cả hai nơi đều cùng một múi giờ và một chuyến bay từ Đài Loan đến Trung Quốc chỉ mất khoảng 80 phút. Các chuyến bay từ Đài Loan đến các thành phố lớn Đông Nam Á mất từ 2 đến 4 tiếng. Nhật Bản và Hàn Quốc cách Đài Loan khoảng 3 giờ.

“Cho dù họ cách xa Trung Quốc, họ vẫn có thể làm nhiều cuộc phỏng vấn nghiên cứu trên internet,” phó giáo sư báo chí tại Trường đại học Quốc gia Đài Loan Ku Lin-lin nói.

Phóng viên tại Trung Quốc gặp nguy cơ bị công an theo dõi và đôi khi bị bắt giữ khi tường trình về những câu chuyện chính trị nhạy cảm. Đảng Cộng sản và các cơ quan chính phủ Trung Quốc “từ lâu đã tìm cách ảnh hưởng đến tranh luận công khai và tường thuật của truyền thông” trong nước “qua việc cản trở nhà báo nước ngoài,” tổ chức Freedom House nói trong một cuộc nghiên cứu năm nay.

Mười năm qua đã chứng kiến việc “nới rộng đáng kể những nỗ lực định hình nội dung truyền thông,” cuộc nghiên cứu nói.

Nhà cầm quyền Trung Quốc đôi khi cho người bí mật theo dõi phóng viên nước ngoài, ông George Hou, giảng viên truyền thông đại chúng tại đại học I-Shou ở Đài Loan nói.

“Họ sẽ chỉ định một số người giám sát hay theo dõi bạn,” ông Hou nói.

Là một nền dân chủ, Đài Loan cho phép phóng viên tường trình bất cứ đề tài nào và phỏng vấn bất cứ ai. Phúc trình năm 2020 của Fredom House về tự do toàn cầu xếp Đài Loan trong số các nơi tự do nhất tại Châu Á.

Ông James Gomez, giám đốc khu vực của Trung tâm Châu Á, có trụ sở tại Bangkok, nói: “Tôi nghĩ Đài Loan cũng muốn làm gương cho những nước khác, do đó Đài Loan muốn làm thực sự, không chỉ hứa suông.”

Tổng cộng có 114 nhà báo từ 68 hãng tin nước ngoài đang hành nghề tại Đài Loan.

Nguy cơ Hong Kong

Vẫn theo lời ông Gomez, các hãng tin chú trọng đến tin tức châu Á thường đặt các phóng viên tại Hong Kong, Bangkok hay Singapore, trừ những ký giả tường trình về Nhật Bản hay Triều Tiên, Hàn Quốc.

Hong Kong, Bangkok hay Singapore đứng trên Đài Loan, ông nói, dù các phóng viên cố tránh tường trình về Thái Lan hay Singapore khi đặt trụ sở tại đây-để phù hợp với các yêu cầu của chính phủ.

Phóng viên nước ngoài tại Hong Kong có nguy cơ bị từ chối visa do một đơn vị an ninh quốc gia mới nằm dưới Cục Di trú của Trung Quốc, các hãng tin tại Hong Kong đưa tin.

“Bạn có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào,” ông Cedric Alviani, giám đốc văn phòng Đông Á của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, nói.

“Việc xin tái cấp visa của bạn có thể bị từ chối. Đây là đe dọa chính cho sự ổn định của hoạt động.”

Tuy nhiên, nhiều người tại Đài Loan thiếu kỹ năng tiếng Anh và những hiểu biết sâu rộng về quốc tế khiến các ký giả chọn Hong Kong hay Singapore, ông Ku nói. Và Đài Loan có thể cần luật mới để làm dịu tiến trình pháp lý cho những hãng tin hy vọng mở các văn phòng tin tức, theo lời ông Gomez.

Phóng viên tường trình về Trung Quốc từ Đài Loan cuối cùng sẽ thấy công việc của họ gặp trở ngại vì thiếu mặt đối mặt với những nguồn tin tại Trung Quốc trừ phi họ thỉnh thoảng sang Trung Quốc, ông Ku nói thêm. Những người không có visa Trung Quốc sẽ phải nạp đơn xin bên ngoài Đài Loan (vì Đài Loan thiếu dịch vụ lãnh sự Trung Quốc) và có nguy cơ bị bác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG