Phản hồi trước thông tin blogger Mẹ Nấm được Việt Nam trả tự do và cho lên đường đi Mỹ cùng gia đình theo mong muốn của bà, ông Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực Đông và Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói:
“Tin tốt lành này, vốn đem đến sự nhẹ nhõm sau hai năm bị giam cầm, cũng là một lời nhắc nhở về thành tích ngày càng tệ hại của Việt Nam trong việc bỏ tù bất cứ ai chỉ trích chế độ. Mặc dù Mẹ Nấm không còn phải ngồi tù nữa, điều kiện để phóng thích bà là phải lưu vong và vẫn còn trên 100 người đang phải mòn mỏi trong ngục tù chỉ vì họ lên tiếng một cách ôn hòa – trước công chúng, trên blog hay trên Facebook.”
Mẹ Nấm đã được chọn là một trong số các trường hợp vận động của chiến dịch Viết vì Nhân quyền 2018 của Tổ chức Ân xá Quốc tế. ‘Viết vì Nhân quyền’ là chiến dịch vận động nhân quyền thường niên lớn nhất của Ân xá Quốc tế để thu hút hàng ngàn bức thư, bưu thiếp và thư điện tử trên toàn cầu để vận động cho 11 trường hợp mỗi năm – kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm, chấm dứt tra tấn và chấm dứt các vi phạm nhân quyền.
“Việc vận động trên khắp thế giới cho trường hợp của Mẹ Nấm cần tạo ra một sự thay đổi đường lối ở các lãnh đạo Việt Nam. Đạo luật An ninh mạng vốn sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2019 sẽ chỉ cho nhà cầm quyền thêm nhiều công cụ để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng và bắt giam người chống đối. Đạo luật này không nên được đưa vào thực thi – nếu không thì những người khác sẽ chịu sự đối xử kinh khủng giống Mẹ Nấm và những nhà chỉ trích ôn hòa khác vẫn bị giam cầm. Tất cả các tù nhân lương tâm cần được bãi bỏ bản án và phải được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện,” ông Bequelin nói.
Trước đó, Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng hoan nghênh Việt Nam trả tự do cho Mẹ Nấm và kêu gọi Hà Nội phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm khác đang bị giam cầm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết rằng trong các cuộc trò chuyện trước, bà Quỳnh và gia đình đã “khẳng định rõ ràng” với các quan chức Mỹ rằng bà muốn đến Mỹ nếu được ra tù. Sau khi được ra tù, Bà Quỳnh cùng mẹ và hai con đã rời Hà Nội vào trưa ngày 17/10 để đến thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas của Hoa Kỳ.
Bà Quỳnh bị bắt vào năm 2016 và bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Bà đã viết về một loạt những chủ đề nhạy cảm như tham nhũng, chiếm đoạt đất đai và ô nhiễm môi trường, bao gồm sự cố nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả chất thải ra biển khiến cá chết hàng loạt. Năm ngoái, bà đã bị kết án 10 năm tù.