Sự dao động mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày hôm nay và việc công bố các dữ liệu về ngành chế tạo đang gây ra thêm những mối lo ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc, mặc dù các giới chức chính phủ nhất mực nói rằng tình hình đang trong vòng kiểm soát. Thông tín viên đài VOA Bill Ide tường thuật từ Bắc Kinh.
Giá chứng khoán trên thị trường Thượng Hải đã sụt gần 5% không bao lâu sau giờ mở cửa ngày hôm nay. Một ngày giao dịch với nhiều biến động đã tiếp diễn sau đó và kết thúc với mức sút giảm 1,2%.
Các nhà phân tích cho biết việc công bố thêm các dữ liệu kinh tế không mất tốt đẹp đã làm cho cổ phiếu bị mất giá. Một cuộc khảo sát của chính phủ về hoạt động của các công xưởng cho thấy khu vực chế tạo của Trung Quốc đã co cụm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 3 năm.
Cuộc khảo cứu của công ty Markit, tập trung vào các doanh nghiệp tư nhân cỡ nhỏ, cho thấy hoạt động tại các công xưởng đang ở mức yếu kém nhất trong vòng 6 năm rưỡi.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất ở Á châu có hoạt động chế tạo bị chậm lại, nhưng họ là nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới. Và trong lúc họ tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu và xúc tiến những biện pháp cải cách lẽ ra phải được thực hiện từ lâu, việc này ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, khiến cho giá chứng khoán và nông khoáng sản bị sút giảm trên khắp thế giới.
Chuyến đi gập ghềnh
Những diễn tiến này quan trọng tới độ Bộ trưởng Tài chánh Nhật Bản Taro Aso hôm nay đề nghị đặt vấn đề kinh tế Trung Quốc lên đầu trong nghị trình thảo luận của hội nghị trong tuần này của khối G-20, qui tụ 20 nền kinh tế lớn của thế giới.
Bộ trưởng Aso cũng cho biết thay vì bị tác động bởi những diễn tiến hời hợt của thị trường, ông tin rằng điều quan trọng là hiểu rõ những vấn đề có tính chất cơ cấu của những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng việc tiến hành một cuộc tranh luận thẳng thắn tại hội nghị G-20 về những gì đang xảy ra trong nền kinh tế Trung Quốc là một việc hữu ích."
Trong chuyến viếng thăm Indonesia ngày hôm nay, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde thúc giục các nền kinh tế mới nổi cảnh giác về những ảnh hưởng của tình trạng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
Bà Lagarde cho rằng tuy sự chậm lại của Trung Quốc không phải là quá mạnh hoặc bất ngờ, quốc gia đông dân nhất thế giới này đang điều chỉnh để thích ứng với một mô hình tăng trưởng mới.
"Sự chuyển tiếp sang một nền kinh tế dựa vào thị trường nhiều hơn và sự giải toả những mối rủi ro đã tích tụ trong những năm qua là phức tạp và rất có thể không êm xuôi."
Một giới chức của Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, cơ quan hàng đầu về hoạch định kinh tế của Trung Quốc, hôm nay trấn an là sóng gió trên thị trường chứng khoán đã được kiềm chế và nước ông có thể đứng vững trong lúc xúc tiến các biện pháp cải cách thị trường.
Tâm lý thị trường
Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để bảo vệ thị trường chứng khoán nhưng thị trường tiếp tục mất giá. Chỉ số chính ở Thượng Hải đã sụt 40% kể từ trung tuần tháng 6.
Đối với nhiều người theo dõi thị trường, vấn đề chỉ số này còn giảm tới mức nào là một câu hỏi không có lời giải đáp. Ông Lục Thuỷ Kỳ, giáo sư kinh tế học của Đại học Bắc Kinh, cho biết như sau.
"Vào thời điểm này không ai có thể nói chắc là thị trường đã chạm đáy hay chưa."
Các biện pháp mới mà chính phủ loan báo hôm nay, trong đó có những chính sách hỗ trợ cho những vụ mua bán hoặc sáp nhập công ty, chia cổ tức bằng tiền mặt và mua lại cổ phiếu bởi các công ty nhà nước có niêm yết, đã không được nhiều người tán thưởng.
Những người chỉ trích nói rằng những biện pháp đó không có ích gì cho sự lành mạnh của nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn.
Ông Hồ Tinh Đẩu, giáo sư kinh tế học của Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh, nhận định như sau.
"Nếu Trung Quốc tiếp tục chủ trương làm cho doanh nghiệp nhà nước mỗi ngày một lớn hơn, mỗi ngày một mạnh hơn, những doanh nghiệp đó sẽ hoạt động thiếu hiệu quả và tạo ra tình trạng cạnh tranh không công bằng."
Ông Hồ nói rằng điều quan trọng hơn là phải thu hút thêm đầu tư tư nhân và khuyến khích tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước.
Ông cho rằng những cố gắng vực dậy thị trường chứng khoán, nhất là trong thời gian trước cuộc duyệt binh qui mô lớn ở Bắc Kinh trong tuần này, chỉ làm cho các nhà đầu tư có những sự kỳ vọng thiếu thực tế về hành động cứu nguy của chính phủ. Ông nói thêm rằng điều đó cũng mâu thuẫn với các cơ chế thị trường tự do.
"Giữa chính phủ và thị trường, chính phủ Trung Quốc một mặt để cho sức mạnh của thị trường phát huy tác dụng, nhưng mặt khác họ lại có những hành động thái quá khi phải ra tay can thiệp."
Ông Liêu Quần, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng CITIC Trung Quốc, nói rằng tuy kinh tế Trung Quốc có thành tích xấu trong ngành chế tạo, ngành dịch vụ vẫn tiếp tục phát triển tốt hơn dự kiến. Ông tin rằng phải mất một thời gian nữa nền kinh tế mới có thể hồi phục.
"Trong ngắn hạn, chính phủ vẫn cần phải gia tăng tốc độ của việc nới lỏng chính sách tiền tệ và sử dụng những biện pháp kích thích tài khoá để góp phần ổn định mức cầu."
Giảm dự báo tăng trưởng
Sự xáo trộn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và sự phá giá của đồng nguyên đã làm cho các chuyên gia kinh tế của tập đoàn Goldman Sachs hạ thấp dự báo của họ về mức tăng trưởng của Trung Quốc trong 3 năm tới. Họ cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ còn 5,8% vào năm 2018, sau khi đạt mức 6,4% trong năm 2016 và 6,1% trong năm 2017.
Hãng tin Reuters cho biết các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ cũng đang xem xét lại các dự báo của họ. Các nhà kinh tế học cho biết dựa trên số liệu về ngành chế tạo được công bố hôm thứ ba, họ dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4% trong quí ba và sẽ tăng ,8% trong quí bốn nhờ các chính sách hỗ trợ.