Đường dẫn truy cập

Xã hội công dân


Bác Toàn và tôi
Bác Toàn và tôi
Từ trước đến nay cứ mỗi khi tôi phải dịch hai chữ 'Civil Society' ra tiếng Việt thì không cần suy nghĩ tôi đều dịch nó ra là 'Xã Hội Dân Sự'. Mặc dù tôi không hiểu thật sự nghĩa của 2 chữ 'Dân Sự' là gì. Và mặc dù tôi đã học và tự nhận thấy mình cũng hiểu chữ 'Civil' trong 'Civil Society' đôi chút.

Nó không có liên quan gì đến 'Dân Sự' hay 'Quân Sự' hay 'Hình Sự'. Mà chỉ nói đến 1 trong 4 mảng lớn để hình thành một xã hội. Mảng thứ nhất là những gì thuộc về Nhà Nước (Government). Mảng thứ hai bao gồm thành phần Kinh Doanh Tư Nhân (Private Business). Mảng thứ ba thuộc về gia đình. Và mảng thứ tư bao gồm tất cả những gì còn lại thường được cho là 'Civil Society'.

Đây cũng là định nghĩa mà các cơ cấu quốc tế lớn nhất thế giới như Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (Asian Development Bank) công nhận.

Vì vậy chữ 'civil' được dùng ở đây không hẳn chỉ nói đến những gì thuộc về 'Dân Sự' mà nó nói đến sự hình thành và phát triển ngày càng lớn lao của một trong tứ trụ trong xã hội nơi có nhiều công dân tự ý thức được và cùng tham gia vào những hoạt động xã hội, thành lập các hội đoàn, tổ chức phi lợi nhuận có tính chất tự nguyện.

Ở đâu có nhiều người cùng tham gia lập các hiệp hội để thúc đẩy, bảo vệ quyền lợi của các nhóm riêng biệt, các nhóm thiểu số, ở đó 'civil society' hoạt động mạnh mẽ. Nơi nào không cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm giúp đở, tranh đấu cho những người yếu đuối, gặp cảnh khó khăn, không có tiếng nói trong xã hội, nơi đó không có 'civil society'.

Vì vậy chử 'civil society' không thể dịch là 'xã hội dân sự' mà chính xác hơn nó nên được dịch là 'xã hội công dân'. Nơi mà người dân biết và tự đi tìm giải pháp cho những vấn đề, những khó khăn nơi họ đang sinh sống. Thể như đó là một trách nhiệm công dân (civic duty) chứ không phải điều gì cũng trông chờ vào nhà nước.

Nghe cũng có lý phải không bạn?

Nhưng các bạn có biết không, thật tiếc đấy không phải là ý của tôi và càng không phải là điều mà tôi đã tự nghiệm ra! Mà là của Giáo Sư Đỗ Quý Toàn tức nhà báo Ngô Nhân Dụng (mà ngoài đời tôi chỉ thân mật gọi là Bác Toàn) trong mấy ngày vừa qua đã chỉ cho tôi biết.

Thế mới thấy rõ là đúng: đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Có gặp người hiểu biết mới thấy sao mình ngu quá. Miệng cứ lập đi lập lại câu 'xã hội dân sự', 'xã hội dân sự' từ trước đến nay mà không biết là nó chẳng có nghĩa gì cả.

Nhưng chỉ hiểu nghĩa của nó thôi chưa đủ bạn ạ. Mà tôi nghĩ chúng ta cần phải tìm hiểu xem từ đâu nó đã được hình thành, phát triển. Và quan trọng hơn chúng ta cần phải làm gì để nó được phát triển mạnh mẽ ở những nơi mà tiếng nói độc lập của người dân chưa được tôn trọng. Ý thức của người dân vẫn còn yếu kém.

Như ở Việt Nam chẳng hạn.

Hình như đây cũng là điều đã làm cho Cụ Phan Chu Trinh phí công, tốn sức nhiều nhất cách đây 100 năm. Qua khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Trước tiên người dân cần phải học được tinh thần tự lực, tự cường, biết được quyền lợi của mình là gì trước khi nọc độc của sự chuyên chế bị giải hóa.

Nếu như chính người dân cảm thấy vô lực, bất cần đưa đến tình trạng để mặc xã hội ra sao cũng được thì đó là lúc đất nước đi vào ngõ cụt, chí khí của cả một dân tộc bị mất đi.

Chấn dân khí là một việc làm quan trọng chính là vì vậy.

Theo nghiên cứu của Bác Toàn đã được thực nghiệm và chứng minh, ngay cả khi ở cùng một đất nước, người dân có cùng một tập quán, phong tục và luật lệ đều được ban hành, áp dụng cho tất cả mọi người như nhau, ở vùng nào tinh thần tự giác của người dân cao, xã hội công dân hoạt động mạnh mẽ thì nơi ấy sẽ trù phú, tự do, dân chủ và nhân bản hơn. Ngược lại ở đâu 'dân khí' yếu, không biết tự đi tìm giải pháp cho chính mình thì bất kỳ thể chế nào cũng không thể vực nổi cả một vùng để biến nó trở thành một trung tâm sầm uất, phú cường.

Nhưng làm thế nào để chí khí người dân được nâng cao? Để họ biết tự lực, tự cường và tự giải quyết những tệ nạn trong xã hội?

Khai dân trí là điều kiện tối hậu và cần thiết để làm được việc này. Như thành ngữ trong tiếng Anh mà chúng ta thường nghe: 'Knowledge is Power'. Kiến thức là sức mạnh.

Đầu tiên người dân cần phải biết những gì đang xảy ra quanh họ, đang xảy ra trên thế giới mà tất cả mọi con người đang sinh sống để họ nhận thức được họ là ai và những quyền làm người căn bản của họ là gì. Đưa đến sự giác ngộ về quyền lợi của chính mình và những người cùng khổ.

Khoan hãy nói đến sự độc tài hay sự khác biệt giữa các thể chế chính trị. Trừ phi ý thức và sự hiểu biết của người dân được nâng cao, không một thể chế nào sẽ tự nó có thể đem đến sự no ấm, trù phú cho cả một dân tộc.

Dĩ nhiên thể chế nào đang là rào cản ngăn chặn sự hiểu biết, thông tin đến với người dân thì thể chế ấy sớm muộn gì cũng sẽ bị gạt bỏ.

Nhưng đấy lại là một đề tài khác.

Riêng hôm nay tôi xin tạm dừng đây. Vì tôi vừa nhận thức được rằng thì ra từ xưa, từ thế kỷ trước đã có những người con Việt Nam luôn thao thức vì một 'xã hội công dân' đúng nghĩa.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG