Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Hành động mời thầu dầu khí của Trung Quốc là phi pháp


Giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngoài khơi Biển Bột Hải
Giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngoài khơi Biển Bột Hải
Tranh cãi ngoại giao giữa hai nước Việt-Trung tiếp tục căng thẳng sau khi Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc ngày 23/6 loan báo mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí mà Việt Nam khẳng định hoàn toàn nằm trong khu vực chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam tuyên bố hành động của Trung Quốc mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí thuộc đặc khu kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là phi pháp và vô giá trị.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị, ngày 26/6 nêu rõ khu vực mà Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc loan báo mời thầu hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam, chứ không phải là vùng có tranh chấp ở Biển Đông, vì nó nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo việc Trung Quốc cho đấu thầu dầu khí tại khu vực này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc, và gây căng thẳng thêm cho tranh chấp ở Biển Đông.

Vẫn theo lời ông Nghị, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy ngay việc mời thầu sai trái, tôn trọng thỏa thuận giữa hai nước cũng như bản Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, và chấp hành luật pháp quốc tế.

Trước đó, ngày 23/6, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc loan báo mời các công ty nước ngoài dự thầu thăm dò-khai thác 9 lô dầu khí trải dài hơn 160 ngàn cây số vuông trên Biển Đông.

Trước phản ứng của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố hành động mời thầu của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc tại khu vực này là hoạt động thương mại bình thường, theo đúng luật của Trung Quốc và các quy định quốc tế, đồng thời yêu cầu Việt Nam không gây rắc rối thêm cho tranh chấp Biển Đông.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 26/6, phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng:

“Trung Quốc và Việt Nam đã đạt nhiều thỏa thuận về giải quyết tranh chấp lãnh hải. Trung Quốc hy vọng Việt Nam tôn trọng các thỏa thuận này và tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông không thay đổi. Chúng tôi cam kết giải quyết thỏa đáng tranh chấp thông qua các cuộc thương lượng và sự hợp tác cùng nhau khai thác.”

Tranh cãi ngoại giao giữa hai nước bùng phát sau khi Hà Nội thông qua Luật Biển Việt Nam hôm 21/6 trong đó nêu rõ hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cùng ngày 21/6, Trung Quốc thông báo nâng cấp quy chế hành chính 3 quần đảo Trung Sa và Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa, Trường Sa theo cách gọi Việt Nam) từ cấp quận lên cấp huyện và thành lập thành phố Tam Sa để tăng cường quản lý các quần đảo này. Đôi bên đều tố cáo hành động của đối phương là phi pháp.

Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, trong hai ngày 27 và 28 tháng 6 diễn ra hội nghị thường niên lần thứ nhì bàn về An ninh Hàng hải Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ CSIS có trụ sở tại thủ đô Washington tổ chức.

Các nhà nghiên cứu và học giả quốc tế tham gia hội nghị thảo luận tìm ra các giải pháp và đề ra khuyến nghị cho tranh chấp Biển Đông, và tăng cường an ninh-hợp tác trong khu vực. Hai diễn giả chính tại hội nghị năm nay là Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á, ông Kurt Campbell, và Thượng nghị sĩ Joe Lieberman, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện phụ trách An ninh nội địa và Các vấn đề chính phủ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG