Đường dẫn truy cập

Việt Nam chính thức ra mắt Lực lượng Kiểm Ngư


Lực lượng Kiểm soát Tài nguyên Biển có nhiệm vụ giám sát hoạt động của ngư dân địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản cũng như các vùng biển thuộc lãnh hải quốc gia.
Lực lượng Kiểm soát Tài nguyên Biển có nhiệm vụ giám sát hoạt động của ngư dân địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản cũng như các vùng biển thuộc lãnh hải quốc gia.
Việt Nam đã làm lễ ra mắt Lực lượng Kiểm Ngư có tên gọi chính thức là Lực lượng Kiểm soát Tài nguyên Biển hôm 15/4, có nhiệm vụ giám sát hoạt động của ngư dân địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản cũng như các vùng biển thuộc lãnh hải quốc gia.

Báo Wall St. Journal nhận định rằng động thái này đã được đưa ra tại một thời điểm khi căng thẳng đang tăng cao giữa các nước có đòi hỏi chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông.

Phát biểu tại lễ ra mắt ở quân cảng Đà Nẵng hôm qua, Phó Thủ Tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải nói lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trên biển, cũng như bảo vệ các nguồn tài nguyên, trợ giúp ngư dân lâm nạn, và duy trì an ninh hàng hải.

Lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam trực thuộc Tổng Cục Thủy Sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam.

Các giới chức không nói rõ về số nhân lực phục vụ trong lực lượng này, tuy nhiên cho biết trụ sở chính của lực lượng kiểm ngư sẽ được đặt tại Hà Nội, và có tên gọi là Cục Kiểm Ngư, và trên toàn quốc sẽ có 4 chi cục.

Theo tin của giới truyền thông nhà nước dẫn lời ông Hoàng Trung Hải thì Việt Nam có khoảng 120,000 tàu cá với tổng cộng khoảng 1 triệu người phục vụ công nghiệp đánh bắt ngư sản.

Sự hiện diện của lực lượng này với những chức năng bán quân sự, như ngăn chận và xử lý các vụ vi phạm luật Việt Nam trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, gây một số quan ngại trong bối cảnh Việt Nam và nhiều nước khác đang có những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và một số nước khác về những vùng biển trong Biển Đông.

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada là người theo dõi sát những diễn tiến liên quan tới tranh chấp Biển Đông, nhận định về việc ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam, một hành động mà ông cho là sao chép cách tổ chức của Trung Quốc. Ông Khanh nhận định:

“Các vị lãnh đạo Việt Nam nói rằng Lực lượng Kiểm Ngư nên có 3 chức năng. Chức năng thứ nhất là để bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản của Việt Nam, thứ hai là để giúp ngư dân yên tâm hoạt động sản xuất trên biển, và thứ ba là tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Theo tôi điểm thứ nhất là chuyện rất bình thường, vì Việt Nam có một chiều dài bờ biển trên 2000 km và có khoảng hơn 1 triệu km vuông biển thì việc thành lập một lực lượng kiểm ngư để bảo vệ tài nguyên thủy sản là điều bình thường. Chức năng thứ hai là chức năng giúp ngư dân yên tâm hoạt động sản xuất trên biển thì điều này tôi không thấy như các quan chức Việt Nam đưa ra vì tệ nạn tham nhũng rất lớn ở Việt Nam, thứ Ba về vấn đề tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển thì tôi thấy là chức năng này nó chồng chéo với các lực lượng khác, chẳng hạn như cảnh sát biển Việt Nam, bộ đội biên phòng và hải quân Việt Nam. Theo như báo cáo của các quan chức Việt Nam thì các tàu kiểm ngư có trang bị súng ống, như thế có nguy cơ gây ra một số bất an cho khu vực. Thay vì đầu tư vào hải quân Việt Nam và cảnh sát biển Việt Nam, Hà Nội đã đầu tư vào lực lượng này, gây ra leo thang quân sự trong khu vực.”

VOA: Theo ông, có phải chính vì không muốn leo thang quân sự mà Việt Nam thành lập Lực lượng Kiểm Ngư?

Luật sư Khanh: “Phía Trung Quốc có một Lực lượng Kiểm Ngư, và lực lượng này của Trung Quốc đang làm chức năng này. Việt Nam chỉ sao chép lại cái mô hình của Trung Quốc và vấn đề là điều phối các cơ quan chức năng để thực hiện công tác bảo vệ chủ quyền thì chúng ta không thể nào giao chức năng quân sự cho một lực lượng bán quân sự vì sẽ rất dễ gây ra đụng độ, một lý do để Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam. Đó là một tính toán vô cùng thất lợi cho Việt Nam, đối với tôi.”

Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc là nước tuyên bố có chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, đã tìm cách khẳng định quyền kiểm soát của họ trên các vùng giàu tài nguyên khoáng sản, một phần bằng cách thực thi các luật lệ về đánh bắt cá.

Hồi tháng Giêng, Trung Quốc đã thi hành quy định mới, đòi hỏi ngư dân các nước khác phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh trước khi được hoạt động trong các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, kể cả các vùng biển gần Hoàng Sa.

Theo báo chí Việt Nam, Lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 và Quyết định số 3285/QĐ-BNN-TCCB ngày 28/11/2012.

VOA Express

XS
SM
MD
LG