Việt Nam dự tính mua 13 tàu điện của Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội với tổng chi phí hơn 63,2 triệu USD.
Theo báo chí trong nước, mỗi đoàn tàu có 4 toa xe, sử dụng vật liệu không gỉ do Công ty trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất.
Tàu mô hình sẽ được giới thiệu với người dân vào cuối năm 2015, và 13 đoàn tàu sẽ được đưa về Việt Nam năm 2016.
Quyết đinh trên đã vấp phải nhiều phản ứng của dân chúng. Về lý do chọn mua tàu của Trung Quốc chứ không phải một quốc gia nào khác, theo truyền thông trong nước, theo hiệp định khung giữa hai chính phủ năm 2008, phía Trung Quốc đồng ý cho vay khoản tín dụng ưu đãi hơn 100 triệu đôla, và trang thiết bị, công nghệ cho tuyến đường sắt trên đều phải sử dụng của Trung Quốc.
Nhiều sự cố
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD.
Dự án này đã gặp phải một số sự cố nghiêm trọng, và đỉnh điểm là cuối năm ngoái, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao này chấn chỉnh nhà thầu thực hiện một dự án này.
Kiến nghị được đưa ra sau hai sự cố xảy ra, làm một người chết và ba người bị thương, trong chưa đầy hai tháng tại dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông với các tư vấn giám sát và tổng thầu Trung Quốc.
Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Đinh La Thăng nói rằng "không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn" của Trung Quốc.
Việc ông Thăng chỉ trích nhà thầu Trung Quốc đã bị một tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc cáo buộc là 'tìm cách nhen nhóm tinh thần bài Trung Quốc'.
Theo VnExpress, Thanh Niên, VOA