Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Thị trường lớn của sừng tê


'Sừng tê giác được xem là loại thần dược chữa bách bệnh, thường được dùng làm quà biếu cho những thành viên khác trong gia đình, hoặc đặc biệt là những đối tác làm ăn hay những người bằng vai vế để biểu thị sự giàu có và địa vị...'
'Sừng tê giác được xem là loại thần dược chữa bách bệnh, thường được dùng làm quà biếu cho những thành viên khác trong gia đình, hoặc đặc biệt là những đối tác làm ăn hay những người bằng vai vế để biểu thị sự giàu có và địa vị...'
Một trong những thị trường lớn nhất tiêu thụ sừng tê giác bị săn bắn bất hợp pháp là Việt Nam. Một nghiên cứu mới đây phác họa những người tiêu dùng đang đẩy mạnh nhu cầu sừng tê và cách họ xem sừng tê như biểu tượng của địa vị và quyền lực.

Không khó để nhận ra nhu cầu sừng tê giác lớn cỡ nào. Trong nửa đầu năm nay, hàng trăm tê giác bị giết chỉ riêng Nam Phi.

Tiến sĩ Jo Shaw là điều phối viên tê giác thuộc Quỹ Dã sinh Thế giới (WWF) ở Nam Phi.

“Nam Phi là nơi 75 phần trăm tê giác trên thế giới sinh sống. Từ năm 2008, Nam Phi đã chứng kiến một sự gia tăng đột biến hoạt động săn trộm tê giác lấy sừng. Tăng từ dưới 20 con một năm lên tới 668 con vào năm 2012, và năm nay đã có 635 con.”

Bà Shaw nói nhu cầu sừng tê giác có từ rất lâu trước khi có sự tăng đột biến trong hoạt động buôn lậu tới Việt Nam và Trung Quốc.

“Trước đây nhu cầu lấy sừng tê giác làm cán dao găm ở Yemen có một tác động rất tiêu cực và nghiêm trọng đối với quần thể tê giác ở khắp Đông và Trung Phi trong những thập niên 60 và 70. Nhưng kể từ khoảng năm 1994, số lượng tê giác tăng lên trở lại. Vì vậy tôi nghĩ mọi người hơi bất ngờ vì làn sóng săn trộm mới này.”

Làn sóng săn trộm mới đó đã khiến WWF tài trợ một nghiên cứu về người tiêu dùng, được điều phối bởi một chi nhánh của nhóm bảo tồn TRAFFIC ở Việt Nam. Nghiên cứu khảo sát 720 người tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

“Với mục tiêu phát triển một chiến dịch giảm nhu cầu nhắm rất sát mục tiêu tại nước này, chúng tôi muốn hiểu rõ hơn người mua sừng chính xác là ai, và tại sao, để chúng tôi có thể bắt đầu cố gắng mang lại sự thay đổi trong hành vi.”

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người mua sừng tê giác thường là phụ nữ trong độ tuổi 50, mua cho những thành viên trong gia đình.

“Phát hiện từ nghiên cứu về nhóm người nổi bật nhất này cho thấy đó là những người giàu có, doanh nhân lớn tuổi rất thành đạt. Họ vẫn tin vào dược tính và chức năng của sừng tê giác. Sừng tê giác được xem là loại thần dược chữa bách bệnh, thường được dùng làm quà biếu cho những thành viên khác trong gia đình, hoặc đặc biệt là những đối tác làm ăn hay những người bằng vai vế để biểu thị sự giàu có và địa vị.”

Chỉ có 35 phần trăm số người được hỏi nói rằng họ sẽ không bao giờ mua hoặc tiêu thụ sừng tê giác.

“Bên dưới nhóm người mục tiêu hiện tại này là một nhóm người trẻ hơn một chút, rất có tham vọng tiến thân trong cùng cộng đồng đó. Họ chưa đủ khả năng mua sừng tê giác vào lúc này nhưng rất muốn mua trong tương lai một khi tình hình kinh tế của họ cho phép.”

Các nhóm bảo tồn giờ đây sẽ sử dụng dữ liệu này để phát triển một chiến dịch nâng cao nhận thức không chỉ hiệu quả mà còn nhạy cảm về mặt văn hóa đối với người Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy mặc dù nhiều người tiêu dùng nhận thức được rằng nhiều tê giác đang bị giết hại, họ vẫn cảm thấy mình "rất tách biệt" với vấn đề này. Họ không nhận thấy mình là "chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng săn bắn trộm hiện thời."

“Chúng tôi cần phải suy nghĩ thận trọng về cách điều hành chiến dịch thay đổi hành vi, và cần phải hiểu rằng, nếu vừa thể hiện sự nhạy cảm văn hóa vừa vận động theo cách thuyết phục nhất đối với những đối tượng có nhiều ảnh hưởng nhất thì thực sự sẽ mang lại tác động to lớn nhất.”

Quỹ Dã sinh Thế giới và nhóm bảo tồn TRAFFIC sẽ làm việc chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong việc vạch ra chiến dịch nâng cao nhận thức về sừng tê giác.

Trong nỗ lực gia tăng ở châu Á để giảm thiểu nhu cầu sừng tê giác, vẫn còn nhiều thứ cần phải làm ở châu Phi. Mỹ và những nước khác đã phát động những chương trình mới để cải thiện những nỗ lực chống săn trộm. Hiện nay, những kẻ săn trộm thường trang bị vũ khí và đồ nghề tốt hơn so với nhân viên kiểm lâm.

Ngoài ra, người dân ở địa phương sẽ được khuyến khích báo cáo bất kỳ hoạt động săn trộm nào mà họ thấy.

Tê giác được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài nguy cấp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG