Vị trí chiến lược trên tuyến đường vận chuyển dầu hỏa đã đặt Việt Nam vào vai trò then chốt trong cuộc chiến giành vị trí nổi trội về kinh tế của Nhật Bản và Trung Quốc ở châu Á.
Cả Tokyo và Bắc Kinh đều đang cố sức đổ đầu tư và viện trợ vào Việt Nam cùng với việc xây dựng các cơ sở chế biến chi phí thấp ở đây.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tăng viện trợ cho Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trong năm 2014, nước này đã cung cấp khoảng 1,8 tỷ đô-la, xây dựng một ga mới cho phi trường quốc tế ở Hà Nội và một đường cao tốc để đưa du khách vào thủ đô.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã tăng nhanh chóng viện trợ cho Việt Nam, xây dựng một chuỗi các nhà máy điện sử dụng than đá với hỗ trợ tài chánh từ ngân hang xuất khẩu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các chính trị gia và doanh nghiệp địa phương cho biết các nhà máy này thường xuyên bị hư hỏng và các doanh nghiệp Trung Quốc đã mang công nhân của họ đến làm việc thay vì thuê mướn người địa phương.
Căng thẳng về lãnh hải với Bắc Kinh sau sự kiện dàn khoan của Trung Quốc đã tạo ra áp lực khiến Việt Nam phải tìm cách ít lệ thuộc hơn vào viện trợ và đầu tư của Trung Quốc.
Trong khi đó, Nhật Bản xem sự dè dặt của Việt Nam đối với viện trợ Trung Quốc là một cơ hội. Đại sứ Nhật Bản ở Việt Nam, ông Hiroshi Fukuda, trong một cuộc phỏng vấn nói rằng: “Có một tiếng nói ngày càng lớn để trở nên độc lập hơn đối với Trung Quốc”. Ông cho biết Tokyo đang làm việc để tăng cường quan hệ ngoại giao với Hà Nội.
Nhật Bản tán thành với chính sách “xoay trục về châu Á” của Washington. Nước này hiện đang củng cố mối quan hệ với hai nước Đông Nam Á là Philippines và Việt Nam nhằm đối phó với tham vọng lãnh hải của Trung Quốc. Nhật Bản đang cung cấp các tàu tuần tra cho cả hai quốc gia, tổ chức tập trận với Philippines trong vài tháng tới, thậm chí đưa các bác sĩ quân y đến tư vấn cho thủy thủ tàu ngầm Việt Nam làm thế nào để đối phó với sức ép dưới nước.
Mặc dù không tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Đông, Nhật Bản vẫn lo ngại bị cô lập một khi Trung Quốc chiếm toàn quyền trong tuyến đường biển có rất nhiều tàu thương mại của Nhật Bản lưu thông. Tokyo cho biết sẽ giúp đỡ cho Đông Nam Á duy trì được tự do hàng hải và việc bay do thám trong khu vực.
Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng nước này hy vọng Nhật Bản sẽ “phát biểu và hành động cẩn trọng” về vấn đề Biển Đông, nói thêm rằng Tokyo không nằm trong số các bên tranh chấp.
Không chỉ Việt Nam, một số nước khác cũng đang xem xét lại việc đón nhận nguồn tiền đầu tư và viện trợ của Trung Quốc. Tháng này, tân chính phủ Sri Lanka đã tạm hoãn lại dự án xây dựng 1,4 tỉ đô-la của Trung Quốc ở thủ đô Colombo, viện dẫn lý do nó đã được xây dựng dưới chế độ cũ mà chưa có sự chuẩn thuận cần thiết của tân chính phủ. Indonesia than phiền về chất lượng của các nhà máy điện do Trung Quốc xây dựng. Năm ngoái, Miến Điện đã hoãn lại dự án xây dựng đường sắt cao tốc nối hai quốc gia Trung Quốc – Miến Điện.
Viện trợ hải ngoại của Bắc Kinh tổng cộng lên tới 7,1 tỉ đô-la vào năm 2013, đứng thứ 6 trên toàn cầu, sau Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật.
Nguồn: WSJ, Reuters, Customs Today Report