22 tuổi, cô ca sĩ trẻ Christina Grimmie, một hiện tượng âm nhạc trẻ nổi tiếng với nhiều bài hát “cover” trên trang Youtube qua đời khi đang biểu diễn trên sân khấu tại Orlando bang Florida. Thủ phạm bắn chết cô cũng tự tử ngay sau đó. Sự ra đi của cô mang lại niềm tiếc thương lớn cho nhiều người hâm mộ trên thế giới, trong đó có khán giả trẻ Việt Nam. Cũng tại thành phố Orlando, vào đêm Chủ nhật 13/06/2016, một cuộc xả súng xảy ra dẫn đến cái chết của 49 người trẻ, trở thành cuộc thảm sát kinh hoàng đối với toàn bộ nước Mỹ. Đáng nói hơn, hầu hết các nạn nhân là thành viên của cộng đồng giới tính thứ ba. Điều đó đặt ra nhiều nghi vấn về phân biệt giới tính, vốn đã là một vấn đề hết sức nhạy cảm tại Hoa Kỳ trong thời gian dài.
Cách đây không lâu, cộng đồng Facebook Việt Nam đã chia sẻ một thông tin tìm kiếm người nhà của gia đình chàng trai Anh Quốc Aiden Webb. Khi đó Aiden Webb đang đi leo núi tại đỉnh Fansipan và bị mất tích. Vài ngày sau đó, tất cả những người theo dõi thông tin này đều bàng hoàng khi biết được tin anh đã mất dưới chân dốc một ngọn núi, bên khe suối, do bị ngã và trọng thương. Chàng trai cũng qua đời ở tuổi 22.
Có một điều gì thôi thúc tôi nghĩ và viết về tuổi 22 này. Độ tuổi của khát vọng, bùng cháy, nhưng cũng nhiều chơi vơi. Tất cả những trường hợp tôi đã kể, tôi nhìn thấy một điểm rất chung ở họ. Họ trẻ tuổi, họ sống hết mình, vượt qua nhiều khó khăn và định kiến của xã hội, họ tự hào về bản thân, về đam mê của chính mình. Điều đáng tiếc, và cũng là điều đáng khâm phục nhất, họ nằm xuống khi đang cuồng nhiệt cùng với những đam mê ấy.
Tôi thử nhắm mắt và nghĩ về hình ảnh của họ trong một thước phim quay chậm. Khi Grimmie cầm chiếc mic và hát lên những nốt nhạc cao nhất, cháy bỏng nhất, không hề biết đó cũng là nốt nhạc cuối cùng cô để lại cho đời. Khi Aiden Webb rơi xuống vách núi đá lạnh lẽo sau cả quãng đường chinh phục đỉnh núi Fansipan cao ngất dưới hình thức “free soloing” – một môn thể thao mạo hiểm, leo núi bằng tay không, cái thở hắt sau những giây phút mỏi mệt của cơ thể, cũng là hơi thở cuối cùng. Tôi cũng mường tượng cả hình ảnh những cặp đôi cùng giới đang tay trong tay, nhảy theo một điệu nhạc sôi động, họ cười bên nhau, chấp nhận nhau trong thế giới còn nhiều khó khăn và tàn nhẫn này.
Và cũng nhờ đó, mà tôi còn nhìn thấy một thế hệ trẻ rất buồn ở đất nước mình. Tôi buồn, vì chính bản thân tôi, họ, những người trẻ Việt, chưa một lần được dạy về niềm đam mê, và con đường để thực hiện những đam mê ấy. Chúng ta, đã nói với con về ước mơ và đam mê tuổi trẻ như thế nào? Là ước mơ được bước vào cổng trường đại học, để bằng bạn bằng bè, để không làm bẽ bàng, xấu hổ gia đình cha mẹ. Là ước mơ đi du học, để ở lại, để không quay về nơi đất nước còn lắm nghèo nàn lạc hậu. Là ước mơ làm giàu, bằng bất cứ giá nào, dù là bán đi lòng tin, sự trung thực của bản thân, dù là kiếm tiền trên sức khỏe, tính mạng của đồng bào. Là ước mơ có được công việc ổn định sau khi ra trường, là ước mơ kiếm được người chồng tốt để dựa dẫm, là ước mơ có được một cậu con trai nối dõi. Người lớn, họ cứ gây dựng cho con trẻ một giấc mơ an toàn như thế, để rồi chính bản thân chúng bỗng nhiên sợ những ước mơ thực sự. Hay tệ hại hơn, rất nhiều người trẻ, họ cũng chẳng còn biết mình là ai và mong muốn điều gì.
Nếu các bạn còn theo dõi câu chuyện về Aiden, sẽ đọc được lời tạm biệt nhẹ nhàng của người thân, bạn bè dành cho anh, trong đó chứa đựng niềm tự hào, tình yêu đối với Aiden, về niềm vui và tình yêu phóng khoáng của anh đối với môn thể thao mạo hiểm ưa thích của anh, không hề buông một lời trách cứ dù sự ra đi của anh là mất mát lớn. Tuổi 22, được thực hiện trọn vẹn một niềm đam mê, và ra đi cùng với nó, đó phải chăng là một ước mơ lớn lao nhất rồi đó sao?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.