Đường dẫn truy cập

Vì sao Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với VN lại có lợi cho Nga?


Các quân nhân diễu hành trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Việt Nam, ngày 2 tháng 9 năm 2015.
Các quân nhân diễu hành trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Việt Nam, ngày 2 tháng 9 năm 2015.

Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài nhiều thập niên đối với Việt Nam khiến một số người cho rằng Hà Nội sẽ nhập khẩu vũ khí từ Mỹ thay vì Nga như trước đây. Nhưng các chuyên gia không chắc chuyện đó sẽ xảy ra. Trên thực tế, Moscow thậm chí có thể hưởng lợi từ quyết định dỡ bỏ cấm vận của Washington.

Việt Nam đứng thứ 8 trong số các quốc gia mua vũ khí nhiều nhất trên thế giới với ngân sách 4,3 tỉ đôla năm 2014 và đang tiếp tục gia tăng chi tiêu quốc phòng.

Trong một bài viết trên National Interest, chuyên gia Richard Weitz viết: “Nhờ ngân sách quốc phòng tiếp tục gia tăng và quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành khách hàng mua vũ khí lớn của Nga” trong những năm gần đây. Ngoài ra, Hà Nội “được cho là đối tác chiến lược thân nhất của Nga ở Đông Nam Á”.

Ông Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam nói với Bloomberg rằng “Nga luôn sẵn sàng cung cấp bất cứ thứ gì Việt Nam cần và Việt Nam sẽ không muốn gây phương hại cho mối quan hệ đó”.

Ông Andrey Frolov, Chủ biên tạp chí Export Vooruzheny, cho rằng quyết định của Tổng thống Obama mang tính hình thức nhiều hơn và không thật sự thay đổi được gì. Ông nói với tạp chí kinh tế Vzglyad: “Tôi nghĩ rằng có nhiều việc cần làm với cơ sở pháp lý để có thể khiến việc mua bán vũ khí trở nên khả thi. Tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ vội vàng mua vũ khí của Hoa Kỳ trong nay mai”.

Nhà phân tích quốc phòng Konstantin Sivkov đã đưa ra một giải thích chi tiết hơn. Chuyên gia này nói rằng những quốc gia nhập khẩu vũ khí thường dựa vào một nhà cung cấp hoặc mua từ một loạt các đối tác.

Ví dụ, nếu Việt Nam quyết định chuyển sang sử dụng máy bay của Hoa Kỳ, thì sẽ phải đầu tư vào đào tạo bổ sung, trang thiết bị, kinh phí, v.v… Ông Sivkov lưu ý: “Việt Nam không phải là quốc gia giàu có nên sẽ khó có khả năng mua vũ khí từ các nước khác nhau. Có nhiều phần chắc họ sẽ tiếp tục duy trì chiến lược mua sắm đồng bộ hơn”.

Có nhiều khả năng Hà Nội sẽ mua một số thiết bị khác nhau của Hoa Kỳ “để làm quen” với vũ khí và thiết bị quân sự của quốc gia này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sẽ không có chuyện mua bán với số lượng lớn.

Điều này khiến các nhà cung cấp vũ khí của Nga không có gì phải lo lắng. Trên thực tế, Moscow thậm chí có thể biến tình thế trở thành có lợi cho họ.

Ông Sivkov nói: “Chúng tôi có thể hưởng lợi từ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của ông Obama. Có thể chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm một số tính năng đặc biệt của vũ khí Hoa Kỳ theo cách này…”

Trước đó, trong chuyến công du lần đầu tiên đến Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia cựu thù Việt Nam. Ông nói rằng “quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận không phải vì Trung Quốc hay vì bất kỳ lý do nào khác”.

Phản ứng trước quyết định này, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc viết: “Không có bất kỳ lý do gì khiến Trung Quốc ghen tị hoặc hoảng sợ về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ tính dùng Việt Nam để khống chế Trung Quốc thì đó là điều vô vọng”.

Theo Sputnik, VOA

VOA Express

XS
SM
MD
LG