Đường dẫn truy cập

Vàng chống đỏ, kẻ thua không ưa người thắng


Vận động của Janet Nguyễn trên báo Việt ngữ
Vận động của Janet Nguyễn trên báo Việt ngữ

Thứ Ba 4/11 là ngày bầu cử ở Hoa Kỳ. Tại Quận Cam California mấy tuần qua sôi nổi với vận động tranh cử, đặc biệt là chức thượng nghị sĩ tiểu bang, Địa hạt 34, giữa một ứng viên gốc Việt là Giám sát viên Janet Nguyễn và một gốc Mễ là cựu Dân biểu Tiểu bang Jose Solorio.

Cả hai ứng viên được sinh ra ở nước ngoài, theo gia đình đến Mỹ định cư. Lớn lên, tham gia sinh hoạt chính trị Mỹ, bà Việt chọn Cộng hòa, ông Mễ theo Dân chủ.

Cựu Dân biểu Tiểu bang Jose Solorio.
Cựu Dân biểu Tiểu bang Jose Solorio.

Cuộc tranh cử tại Địa hạt 34, nơi có đông cư dân da màu, đã trở nên quan trọng đối với hai chính đảng và được sự chú ý của các tờ báo tài chính Wall Street Journal và Bloomberg.

Nếu ứng viên Cộng hòa thắng, phe Dân chủ sẽ không còn chiếm đa số 2 phần 3 tại Thượng viện California để quyết định việc tăng thuế tiểu bang, một điều mà cư dân đang rất quan tâm. Hai đảng đang dồn tài chánh và nỗ lực vận động để đem chiến thắng về cho mình.

Trong khi đó vận động tranh cử trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon có nhiều ngang trái. Tuy cùng nguồn gốc, cùng đảng nhưng không hẳn mọi người đều ủng hộ ứng viên gốc Việt.

Quyết liệt chống lại Janet Nguyễn là Long Phạm, cựu ủy viên giáo dục quận hạt và cũng là người Đảng Cộng hòa. Ông Long về thứ ba trong kỳ bầu sơ bộ tháng Sáu với 14% số phiếu, đứng sau Jose Solorio 34% và Janet Nguyễn 52%.

Giám sát viên Janet Nguyễn, ứng viên vào Thượng viện tiểu bang California
Giám sát viên Janet Nguyễn, ứng viên vào Thượng viện tiểu bang California

Mấy tuần trước ông Long đã đệ trình trước Hội đồng Giám sát quận hạt một thỉnh nguyện thư về ý định thu thập chữ ký cử tri để tiến hành thủ tục truất nhiệm Giám sát viên Janet Nguyễn.

Từ khi đắc cử chức giám sát viên lần đầu vào năm 2008, với kết quả hơn đối thủ cũng là gốc Việt chỉ vài phiếu, Janet Nguyễn đã nhiều lần bị điều tra về cáo buộc nói bà tham nhũng. Nhưng các cơ quan chức năng đã không tìm ra bằng chứng để buộc tội. Tái tranh cử hai năm trước, bà được 70% số phiếu.

Cuộc vận động đã ngày càng nóng lên với những quan điểm bênh, chống Janet Nguyễn hay Jose Solorio được phát tán qua truyền thông Việt ngữ.

Với cử tri gốc Việt, quan điểm và lập trường đối với nhà nước Cộng sản Việt Nam được nhấn mạnh.

Ban vận động của Janet Nguyễn đưa ra các hoạt động của bà như tham gia biểu tình chống Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết khi ông đến đây, đã điều trần về tình hình nhân quyền trước Quốc hội Hoa Kỳ, phản đối kết nghĩa giữa Irvine và Nha Trang, đã viết thư cho giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu can thiệp cho tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.

Tuần trước bà Janet Nguyễn có mặt tại phi trường Los Angeles để chào đón nhà báo Điếu Cày đến Mỹ.

Những người chống đối Janet Nguyễn đưa ra sự kiện bà đã không cho treo cờ Việt Nam Cộng hòa trong cuộc gặp gỡ giữa Đại sứ David Shear với cộng đồng người Việt tại Quận Cam hồi năm ngoái. Bà cũng bị cáo buộc đã tranh giành với cộng đồng trong việc tổ chức tưởng niệm 30-4.

Gần đây trong cuộc họp báo của luật sư Andrew Đỗ, chánh văn phòng của Janet Nguyễn, ông Andrew đã mắng nhiếc một người hoạt động cộng đồng và có lời qua tiếng lại khiến cảnh sát phải can thiệp.

Bà Janet được sự yểm trợ của hầu hết các dân cử Cộng hòa liên bang và tiểu bang như Dana Rohrabacher và Ed Royce. Nhật báo Orange County Register cũng chính thức ủng hộ Janet Nguyễn.

Đáng chú ý là với hơn 50 dân cử các cấp ủng hộ bà lại thiếu vắng nhiều dân cử gốc Việt, chỉ có Chánh lục sự quận hạt Hugh Nguyễn và cựu Nghị viên Westminster Tony Lâm có tên trong danh sách.

Trong khi đó, ban vận động của Jose Solorio nhấn mạnh đến việc khi còn là dân biểu tiểu bang ông đã đưa ra Nghị quyết ACR-40 công nhận cờ vàng là biểu tượng của cộng đồng người Việt tại California, Nghị quyết ACR-63 vinh danh người lính Việt Nam Cộng hòa và công nhận ngày 19-6 là ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng đã vận động Thống đốc Jerry Brown chính thức công nhận cờ vàng của cộng đồng người Việt California, buộc công ty Toyota và Lexus thay thế cờ Cộng sản Việt Nam, GPS bỏ cờ đỏ.

Ông Jose được sự ủng hộ của Thống đốc đương nhiệm Jerry Brown, của Dân biểu Loretta Sanchez nổi tiếng với quan điểm chống Hà Nội vì những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Phe chống Jose Solorio đưa ra chỉ trích nhắm vào những người ủng hộ ông, với dẫn chứng Jerry Brown năm 1975, lúc đó cũng là thống đốc tiểu bang, đã không muốn đón nhận người tị nạn Việt Nam đến California. Ông Jose còn bị nối kết với nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ quán Zen là nơi ông đã thường đến tham dự sinh hoạt của cộng đồng Việt, vì ông Trúc mới về thăm Trường Sa theo lời mời của Hà Nội.

Quảng cáo tấn công Bảo Nguyễn của Bruce Broadwater.
Quảng cáo tấn công Bảo Nguyễn của Bruce Broadwater.

Cũng liên quan đến cờ đỏ cờ vàng, thị trưởng đương nhiệm Bruce Broadwater của thành phố Garden Grove tái tranh cử và có gửi một tờ vận động đến cư dân, trên đó in hình cờ đỏ sao vàng và tố cáo đối thủ là Ủy viên giáo dục Bảo Nguyễn “tuyên truyền và ca ngợi cộng sản”, “tranh đấu cho quyền lợi của những kẻ khiêu khích và nhục mạ cộng đồng”, “lạm dụng quyền chức để đánh phá và chia rẽ cộng đồng”.

Những lời lẽ trên dựa vào lời nói của ông Bảo trong phim tài liệu “Saigon, USA”, khi ông lên tiếng bênh vực cho quyền tự do phát biểu của một thương nhân Việt đã đem hình Hồ Chí Minh, cờ đỏ sao vàng trưng trong tiệm và đã bị hàng vạn người biểu tình phản đối trong gần hai tháng hồi năm 1999. Qua sự kiện đó, ông Bảo cho rằng ở xứ này không có tự do.

Phản công lại, Bảo Nguyễn tố cáo ông Bruce đã “lợi dụng quyền lực để con trai mình được làm lính cứu hỏa hưởng lương cao, mặc dù con mình có tiền án hình sự.”

Ông Bảo viết trong một lá thư gửi cử tri: “Chính vì những hành vi tương tự như vậy của chính quyền Cộng sản Việt Nam, mà cha mẹ tôi đã phải đào thoát khỏi Việt Nam.”

Trên miền bắc California, cuộc tranh cử thị trưởng San Jose được sự quan tâm đặc biệt của cử tri gốc Việt.

Phó thị trưởng Madison Nguyễn về thứ ba trong kỳ bầu sơ bộ nên không được vào chung kết và đã quyết định ủng hộ Nghị viên Sam Liccardo, về nhì, đối đầu với Giám sát viên Dave Cortese trong kỳ bầu chọn sắp tới.

Ông Dave có nhiều gắn bó với người Việt trong mười năm qua, từ khi ông đưa ra nghị quyết công nhận cờ vàng năm 2005. Ông Sam không được nhiều cảm tình vì đã ủng hộ Madison Nguyễn chống lại việc chọn tên Little Saigon cho khu phố Việt.

Trong kỳ bầu sơ bộ hôm tháng Sáu, Dave Cortese hơn Sam Liccardo 8%. Các thăm dò mới nhất do nhật báo San Jose Mercury News thực hiện cho thấy mức chênh lệch vẫn không thay đổi và nhiều cử tri vẫn chưa quyết định chọn ai.

Để tìm sự ủng hộ của cử tri gốc Việt, Nghị viên Sam Liccardo đã cùng Thị trưởng Chuck Reed và Phó Thị trưởng Madison Nguyễn đưa ra nghị quyết cấm San Jose tiếp đón quan chức Việt Nam và đã được Hội đồng thành phố biểu quyết với đa số tuyệt đối chấp thuận hôm 28/10.

Ủy viên giáo dục Maya Esparza
Ủy viên giáo dục Maya Esparza

Nhiều nơi như Westminster, Garden Grove, Santa Ana, Milpitas đã thông qua nghị quyết có mục đích ngăn cấm quan chức thành phố đón tiếp và yêu cầu bộ ngoại giao thông báo trước 14 ngày nếu có phái đoàn cộng sản Việt Nam đến thăm thành phố.

Xem ra quan điểm về quốc cộng, về quan hệ Việt-Mỹ được cử tri gốc Việt ở California dùng để đánh giá ứng viên đã được các dân cử quan tâm đáp ứng.

Còn cách cư xử giữa ứng viên gốc Việt với nhau vẫn phản ánh sâu đậm tính trâu buộc ghét trâu ăn, kẻ thua không ưa người thắng. Như Long Phạm liên tục tấn công Janet Nguyễn ở nam California.

Luật sư Tâm Nguyễn.
Luật sư Tâm Nguyễn.

Như cuộc bầu chọn nghị viên San Jose Khu vực 7 để thay thế Madison Nguyễn. Kết quả bầu sơ bộ với Tâm Nguyễn về nhất đạt 31%, Maya Esparza 29%, Vân Lê 27% và Bửu Thái 13%.

Nhưng kỳ bầu chung kết giữa ứng viên gốc Việt Tâm Nguyễn và gốc Mễ Maya Esparza, Vân Lê không ủng hộ ai, còn Bửu Thái lại chính thức yểm trợ cho bà Maya.

Với tính chia rẽ và ganh ghét nhau như thế, cộng đồng gốc Việt sẽ khó có thể lớn mạnh trong chính trường.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG