Một cuộc hội thảo về văn học đa ngôn ngữ tại Úc (Australia’s Multilingual Literary Heritage) đã được tổ chức tại đại học Wollongong thuộc tiểu bang New South Wales, Úc trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 vừa qua.
Có cả thảy 21 thuyết trình viên đến từ nhiều cộng đồng ngôn ngữ khác nhau: tiếng Ả Rập, tiếng Iran, tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt.
Kinh nghiệm lưu vong cũng như kinh nghiệm làm thơ và viết văn trong hoàn cảnh lưu vong của mỗi cộng đồng và mỗi người khác nhau, nhưng tất cả các nền văn học lưu vong tại Úc đều có điểm giống nhau: dù viết bằng ngôn ngữ gì, không ai có thể thoát được ám ảnh của quê gốc và cảm giác ít nhiều lạc lõng trên quê hương thứ hai. Tất cả đều ở tâm thế ở-giữa (in-between): giữa cố hương và đất khách, giữa ký ức và hoài bão, giữa hoài niệm và dự phóng, giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và cách tân. Trong thế ở-giữa ấy, mọi nền văn học lưu vong đều có tính chất lai ghép xuất phát từ nhiều truyền thống văn học và văn hoá khác nhau.
Tuy nhiên, có một điểm chung khác, lớn hơn, trong cách nhìn của mọi người: Tất cả các nền văn học lưu vong tại Úc đều là những bộ phận góp phần hình thành nền văn học Úc nói chung. Điều đó có nghĩa là văn học Úc không phải chỉ là văn học viết bằng tiếng Anh, ngôn ngữ chính thức và chính thống trong cả nước. Ngược lại, dưới ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hoá và đa văn hoá hoá hiện nay, văn học Úc thực chất là một nền văn học đa ngôn ngữ, bao gồm toàn bộ các ngôn ngữ được sử dụng trong nước, kể cả ngôn ngữ của các cộng đồng di dân thiểu số.
Trong các ngôn ngữ, đại diện cho tiếng Việt gồm có bốn thuyết trình viên: Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hoàng Tranh, Tạ Duy Bình và tôi.
Với vai trò chủ toạ, tôi chỉ trình bày vắn tắt tình hình văn học Việt Nam lưu vong tại Úc.
Về phương diện ngôn ngữ, có thể chia các nhà văn và nhà thơ Việt Nam tại Úc thành ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất viết bằng tiếng Anh, chủ yếu do những người thuộc thế hệ thứ hai, tức là những người sinh ra tại Úc hoặc đến Úc từ lúc còn rất nhỏ, trong đó, nổi bật nhất chắc chắn là Nam Lê, tác giả tập truyện ngắn The Boat, đoạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế lớn, kể cả giải thưởng văn học của Thủ tướng Úc vào năm 2009. Nhóm thứ hai bao gồm những người vừa viết tiếng Anh vừa viết tiếng Việt như Lê Văn Tài, Thường Quán, Tạ Duy Bình và Phan Quỳnh Trâm. Nhóm thứ ba, đông đảo và tích cực nhất, gồm hầu hết những người thuộc thế hệ thứ nhất, chỉ viết, hoặc chủ yếu viết, bằng tiếng Việt.
Một câu hỏi cần được đặt ra: tại sao hầu hết giới cầm bút Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất chỉ viết bằng tiếng Việt?
Theo tôi, có ba lý do chính.
Thứ nhất là vấn đề ngôn ngữ. Nói giỏi tiếng Anh là một chuyện; nhưng sử dụng tiếng Anh như một công cụ sáng tác văn học lại là một chuyện khác. Vladimir Nabokov, người được xem là một bậc thầy trong văn xuôi tiếng Anh, từng cho việc ông chuyển từ văn xuôi tiếng Nga sang văn xuôi tiếng Anh là một kinh nghiệm đau đớn, giống như tập cầm đồ vật sau khi đã mất bảy hay tám ngón tay trong một vụ nổ (“My complete switch from Russian prose to English prose was exceedingly painful – like learning anew to handle things after losing seven or eight fingers in an explosion”).
Thứ hai là sự trung thành với tiếng mẹ đẻ. Hầu như mọi nhà văn trên thế giới, khi quyết định viết bằng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình đều có tâm trạng bất an và day dứt. Nhiều người xem đó như một sự phản bội. Với người Việt, vốn từ xưa đến nay, lúc nào cũng tự hào về việc bảo tồn tiếng nói của mình sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc cũng như một trăm năm Pháp thuộc, cảm giác bất an và day dứt ấy lại càng rõ.
Lý do thứ ba là độc giả. Trên nguyên tắc, viết bằng tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, người ta hy vọng có nhiều người đọc nhất. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với các cây bút lớn và ăn khách. Hầu hết những người cầm bút Việt Nam tại Úc đều làm thơ và không ai có được sự may mắn ấy. Bởi vậy, không có gì lạ khi Việt, tờ tạp chí văn học đầu tiên tại Úc ra đời vào năm 1998 và đặc biệt, khi Tiền Vệ, tờ tạp chí mạng đầu tiên cũng ra đời tại Úc vào năm 2002, hầu như tất cả những người từng làm thơ hay viết kịch bằng tiếng Anh như Lê Văn Tài và Tạ Duy Bình, đều quay về với tiếng Việt, ở đó, họ có rất đông độc giả và với những độc giả ấy, họ được công nhận là nhà thơ hay kịch tác gia.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Tranh, trong bài thuyết trình của mình, bổ sung thêm một lý do khác nữa: ám ảnh về Việt Nam. Sinh năm 1976, qua Úc từ năm 14 tuổi, khi làm thơ, anh chọn làm thơ bằng tiếng Việt vì, như lời anh tự nhận, anh vẫn không thoát được những ám ảnh về Việt Nam: Những ám ảnh ấy đòi được diễn tả bằng tiếng Việt.
Nhà thơ kiêm kịch tác gia Tạ Duy Bình, người sống ở Úc còn nhiều năm hơn cả thời gian ở Việt Nam, kể một kinh nghiệm khác khi sáng tác bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Cái gọi là cả bằng tiếng Anh lẫn bằng tiếng Việt ấy bao gồm hai khía cạnh. Một là có những tác phẩm anh viết bằng tiếng Anh cũng như có một số tác phẩm khác anh viết hẳn bằng tiếng Việt. Hai là có những tác phẩm anh viết bằng cả hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Việt xen kẽ lẫn lộn vào nhau. Hiện tượng chuyển đổi hoặc xen kẽ (switching-code/mixing-code) như thế khá phổ biến trong sinh hoạt ngôn ngữ thường nhật ở các cộng đồng lưu vong hay di dân, tuy nhiên, trong văn học, đặc biệt văn học Việt Nam, tương đối còn mới. Và lạ.
Bài thuyết trình cuối cùng, về tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org) do Hoàng Ngọc-Tuấn trình bày, gây nên những phản ứng sôi nổi từ những người tham dự. Được ra đời từ năm 2002, Tiền Vệ là tờ báo mạng chuyên về văn học bằng tiếng Việt đầu tiên trên thế giới. Đến nay, với hàng chục ngàn tác phẩm, từ thơ đến truyện ngắn hoặc truyện cực ngắn, tiểu luận, phê bình và dịch thuật của hàng ngàn tác giả từ ngoại quốc đến Việt Nam, Tiền Vệ là tờ báo mạng về văn học lớn nhất, phong phú và đa dạng nhất bằng tiếng Việt. Hơn nữa, qua những lời phát biểu của nhiều nhà văn và nhà thơ nhân kỷ niệm 10 năm (2002-2012), Tiền Vệ được xem là tờ báo mạng có ảnh hưởng sâu rộng không những với giới cầm bút ở hải ngoại mà còn cả với giới cầm bút trong nước.
Trong phần thảo luận, hầu như mọi người đều tập trung vào Tiền Vệ. Tất cả đều thú nhận: trong cộng đồng của họ, dù là một cộng đồng rất lớn như của người Hoa hoặc người Ả Rập hay người nói tiếng Tây Ban Nha, tuyệt đối không có một tờ báo mạng nào có tầm vóc bề thế như thế. Ở Úc: không có. Ở các nước khác: cũng không có. Tất cả đều đặt câu hỏi: Tại sao cộng đồng người Việt tại Úc còn khá non trẻ và cũng không phải là đông đúc lắm, lại có được một diễn đàn văn học thành công như vậy?
Không có câu trả lời nào từ ban thuyết trình, trừ một điểm: Tình yêu đối với văn học, đặc biệt của chủ bút Hoàng Ngọc-Tuấn. Yêu, nên vượt qua bao nhiêu thử thách để tờ báo được ra đời và tồn tại trước những đòn tấn công có lúc dồn dập của các tin tặc. Yêu, nên ngày nào cũng cặm cụi đọc bài, biên tập bài và đăng bài. Ngày nào cũng thế. Kéo dài đến nay, đã hơn 13 năm ròng rã.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.