Ủy viên Hội đồng châu Âu phụ trách nhân quyền bày tỏ lo ngại sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt đối với tình cảnh của người Tatar ở bán đảo Crimea, nơi mà Nga sáp nhập vào tháng Ba.
Phát biểu hôm thứ Tư tại Nghị viện của Hội đồng châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ủy viên Nils Muižnieks cho biết "nền cai trị khủng bố" vẫn tiếp diễn không suy giảm trong lãnh thổ do phiến quân kiểm soát tại Ukraine. Ông cho biết quyền con người của người Tatar ở Crimea và những dân tộc thiểu số khác đang bị vi phạm, và tự do báo chí đang bị hạn chế.
"Nói thật mối quan ngại lớn nhất của tôi là tình cảnh của người Tartar ở Crimea, một dân tộc với một lịch sử bi thảm," ông Muižnieks nói. "Hiện rất cần phải tăng cường cảm giác an toàn, vốn đã bị phá vỡ bởi một loạt những vụ đột kích của những người đeo mặt nạ vũ trang ở các cơ sở tôn giáo, trường học, doanh nghiệp do người Tatar làm chủ, nhà riêng, và hội đồng điều hành của người Tatar, hay Mejlis."
Ông cho biết mục đích được nêu ra "là để tìm kiếm vũ khí hay những thứ gọi là sách vở tài liệu cực đoan," nhưng những vụ đột kích này "hoàn toàn bất cân xứng đối với một cộng đồng không có lịch sử bạo lực."
Ông Muižnieks nói vào lúc mùa đông đang đến gần, tình cảnh của những người tản cư là đặc biệt đáng báo động.
Đề cập đến báo cáo mới nhất của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông cho biết tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2014, 368.000 người Ukraine tản cư là từ những vùng xảy ra xung đột, 350.000 người từ miền đông Ukraine và 18.000 người từ Crimea.
Phát biểu hôm thứ Tư tại một cuộc họp báo ở Trung tâm Truyền thông Khủng hoảng Ukraine ở Kiev, Refat Chubarov, lãnh đạo Mejlis của người Tatar ở Crimea nói, chấm dứt sự đàn áp của Nga đối với người Tatar ở Crimea "phải trở thành một đòi hỏi riêng rẽ cho Nga, và một lý do nữa để cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga."
Nhà lãnh đạo người Tatar lưu ý hoàn cảnh sống khốn khó mà người Tatar đang phải chịu đựng và nhấn mạnh người Tatar ở Crimea mong muốn được sống trên vùng đất của riêng họ, giữ gìn phẩm giá cùng bản sắc dân tộc và tôn giáo.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1