Theo tin cho biết cựu phó tổng thống Mỹ Dick Cheney tiếp tục bình phục sau khi được giải phẫu thay tim hôm 24 tháng Ba vào tuổi 71. Vụ giải phẫu của cựu phó tổng thống gây nên một cuộc tranh luận của công chúng về vấn đề một người ở vào tuổi như ông Dick Cheney liệu có quá già khi được thay tim hay không.
Cựu tổng thống Dick Cheney đã có bệnh tim từ lâu. Ông lên cơn đau tim lần đầu khi mới 37 tuổi. Trong 30 năm kế tiếp ông bị thêm đến 4 lần. Ông đã phải dùng tim máy vì tim thật của ông quá yếu. Năm ngoái ông Dick Cheney cho xem tim máy trên đài truyền hình ABC và giải thích trên một năm trước đây ông bị suy tim vào giai đoạn cuối. Tim ông quá yếu không thể bơm máu nuôi thận và gan được. Trước khi hội đủ điều kiện để được thay tim, bệnh nhân phải được chẩn đoán bị suy tim giai đoạn cuối.
Có một số những yếu tố giúp các bác sỹ quyết định xem ai sẽ được thay tim mới. Nếu một người lớn tuổi nhưng các bộ phận khác trong cơ thể vẫn vận hành tốt, các bác sỹ sẽ xét đến tuổi tâm lý như là một yếu tố quan trọng hơn là tuổi đời.
Và để tìm hiểu xem cơ quan nào có thẩm quyền xét đến vấn đề ưu tiên cho bệnh nhân được nhận bộ phận cơ thể hiến tặng để thay ghép, chúng tôi đã tiếp xúc với bác sỹ Nghiêm Đạo Đại, chuyên khoa về ghép các bộ phận cơ thể.
Bác sỹ Đại đã giảng dạy tại đại học Iowa trong 8 năm, sau đó là giáo sư tại đại học MCP ở Pittsburgh trong 27 năm đồng thời là trưởng khu giải phẫu ghép tạng tại bệnh viện toàn khoa Allegheny. Và hiện nay ông còn dạy tại UC Davis University ở Sacramento về ngành này.
Mời quí vị theo dõi bài phỏng vấn sau đây là do Lan Phương thực hiện:
VOA: Xin bác sỹ cho biết cách tổ chức hệ thống cung cấp các bộ phận cơ thể của nước Mỹ cho các bệnh viện để thay ghép cho các bệnh nhân trên danh sách chờ đợi.
Dr. Nghiêm Đạo Đại: Chương trình duy nhất của nước Mỹ gọi là UNOS viết tắt của United Network for Organ Sharing là một tổ chức rất đặc biệt do tất cả những bác sỹ chuyên khoa ghép cơ quan bộ phận cơ thể, vừa là nội khoa, vừa là ngoại khoa và những người thường (không ở trong ngành y) lập ra sau khi ký hợp đồng với chính phủ, được chính phủ đài thọ và được chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ. Trong đó phải kể thêm là có những người đại diện cho các bệnh nhân ghép gan, ghép thận hay ghép tim v..v..và có cả những vị cố vấn trong các tôn giáo để coi sóc xem công việc của tổ chức làm đúng hay sai, và làm thế nào để yểm trợ cho công tác xin các cơ quan (bộ phận cơ thể) của dân chúng khi mà họ chết não để đem ghép cho bệnh nhân, và làm sao sử dụng những cơ quan đó (bộ phận cơ thể đó) cho đúng mà không hoang phí, vì số người chờ ghép hiện giờ đông gấp 9 lần số bộ phận cơ thể được dùng để ghép. Thành thử số tử vong bây giờ rất cao.
VOA: Thưa bác sỹ, tiến trình thu thập và phân phối các bộ phận cơ thể, chắc chắn rất gấp rút, được UNOS xúc tiến như thế nào?
Dr. Nghiêm Đạo Đại: Ví dụ như một người nào bị chết não (đụng xe hay bị bắn vào đầu rồi chết) nếu họ đã ký giấy cho phép lấy cơ quan (bộ phận cơ thể) hay gia đình họ cho, tất cả những bộ phận đó được lấy ra và bảo quản cho đến khi được ghép cho người nhận. Thành ra cơ quan bảo quản bắt đầu làm việc ngay khi được phép. Khi các bộ phận được lấy xong là bắt đầu được chuyên chở đến bệnh viện để thay ghép ngay vì không thể để các bộ phận này lâu được. Trong 50 tiểu bang, bất cứ người nào chết mà hiến tặng bộ phận cơ thể thì đều phải qua UNOS hết. Từ UNOS phân chia ra, định rõ ra, và UNOS kiểm soát tất cả các trung tâm ghép bộ phận cơ thể trên nước Mỹ, để xem coi các trung tâm làm việc có đúng hay không, và trình độ thay ghép các bộ phận của họ như thế nào, thí dụ như tử vong cao quá, biến chứng cao quá chẳng hạn, thì những nơi đó sẽ bị đóng cửa.
VOA: Thưa khi mà có quá nhiều người chờ được thay ghép các bộ phận thì các trung tâm phải quyết định như thế nào về các ưu tiên cho các trường hợp được thay ghép ?
Dr. Nghiêm Đạo Đại: Thí dụ mọi người (các bác sỹ chữa trị) đều đồng ý là người này cần phải được ghép tim, phải ghép thận hay ghép gan.. vv..vv thì họ phải hoàn toàn bình thường trên những phương diện khác. Thí dụ như người được ghép tim sau đó phải uống thuốc, phải đi tái khám, phải có những người trong gia đình chăm sóc. Nếu không có được những điều kiện đó thì người đó không thể nào trở thành bệnh nhân được thay ghép các bộ phận được. Khi được ghép xong, bệnh nhân phải được theo dõi cẩn thận. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ nhì, sau khi các bác sỹ họp xong có một ban chỉ huy trong cơ quan bàn về bệnh nhân đó xem họ có hội đủ mọi điều kiện như là xã hội, bảo hiểm v..v..để mà nhận được bộ phận thay ghép hay không, rồi nếu được chấp thuận tên họ được đưa vào danh sách. Trong trường hợp có ai chết và hiến tặng bộ phận thì danh sách đưa ra tên bệnh nhân đang chờ, và máy computer tính ra là người nào đó có ưu tiên số một, số hai, số ba, số bốn, số năm…thì người ưu tiên số một sẽ được nhận bộ phận hiến tặng đó. Nếu ngay khi đó mà người này bị nhiễm trùng hay ốm đau vì một lý do khác như đau tim, không thể thực hiện vụ thay ghép bộ phận cơ thể được, thì bộ phận đó sẽ dành cho người số hai, số ba, v..v..
VOA: Thế trong trường hợp hai bệnh nhân trên danh sách chờ đợi có cùng một điều kiện như nhau thì ai là người đưa quyết định dành ưu tiên cho bệnh nhân nào trước thưa bác sỹ?
Dr. Nghiêm Đạo Đại: Ít khi có tình trạng hai nguời có trường hợp giống in như nhau. Thứ nhất là tuổi tác, thứ nhì là HLA typing, tức là gene của bệnh nhân có giống với bộ phận hiến tặng hay không. Nếu giống thì kết quả thay ghép bộ phận kéo dài được lâu hơn. Đó là nói về thận. Còn về thay ghép tim mỗi năm (ở nước Mỹ) chỉ thay ghép chừng 2 ngàn quả tim thôi thì giới thẩm định không để ý mấy đến gene mà chỉ để ý đến loại máu mà thôi. Trong trừơng hợp ghép thận, nếu ai có nhiều gene chung với bộ phận được hiến tặng thì được ưu tiên, sẽ có một số điểm, thí dụ 1,6 điểm, thì người này nhiều điểm hơn là người được 1,4 điểm. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ nhì liên hệ đến thời gian chờ đợi. Thí dụ như hai người cùng có điểm gene giống nhau nhưng một người chờ đã 6 tháng, còn người kia mới chờ có 2 tháng thôi, thì đương nhiên người 6 tháng có ưu tiên hơn. Đó là chuyện thứ hai. Chuyện thứ ba, chuyện này hơi đặc biệt, thí dụ một ông bệnh nhân chờ ghép tim, con gái ông đi xuống Dallas chơi rồi bị đụng xe. Trước khi chết cô con gái dặn rằng “nếu tôi chết thì dành trái tim cho ba tôi” thành thử trái tim của cô được lấy đưa về Michigan ghép cho ông bệnh nhân đó. Ông được quyền ưu tiên vì cô ấy quyết định như vậy.
VOA: Thưa, bác sỹ nghĩ thế nào về chuyện mới đây cựu phó tổng thống Dick Cheney được ghép tim. Dư luận nói rằng ông này lớn tuổi quá rồi, 71 tuổi rồi. Tại sao lại được thay tim như thế?
Dr. Nghiêm Đạo Đại: Ông ấy mổ ở Inova Fairfax và điều kiện của họ cho đến nay người già nhất là 64 tuổi. Nhưng tuổi già và tuổi bệnh nhân khác nhau.Tôi muốn nói là người ta có thể 70 tuổi nhưng người ta tập tành, người ta klhỏe mạnh. Trong khi người 40 tuổi bị diabetes (tiểu đường)bị mù, hay bị hư thận thì tình trạng y tế của người đó không được bằng người 60, 70 tuổi. Thành thử đó là quyền quyết định của Inova Fairfax họ đưa ra. Ông đã thay tim máy khoảng 2 năm nay rồi, nên ông có ưu tiên nhiều hơn là những người không có tim máy. Ông dùng tất cả những tiện nghi mà bảo hiểm bây giờ cho phép. Vấn đề đặt ra là ông Obama đưa ra vấn đề Obama Health Care, qui định tất cả mọi người đều có quyền được chăm sóc sức khỏe. Ông này (Cheney) là Republican (Cộng Hòa) hoàn toàn chống đối luật này mà lại được hưởng nhiều nhất qui chế đó vì ông ấy sử dụng mọi qui chế để được hưởng lợi ích chăm sóc sức khỏe. Phải nói ông là người hưởng nhiều nhất về quyền lợi y tế, trong khi đảng Cộng Hòa lại chống vấn đề (bảo hiểm) y tế cho mọi người.
Với những tiến bộ của y học, hiện nay việc thay ghép các bộ phận cơ thể con người thường xuyên được tiến hành tại các trung tâm y khoa lớn ở nước Mỹ cũng như toàn cầu. Tuy nhiên con số bệnh nhân chờ được thay ghép các bộ phận cơ thể bao giờ cũng nhiều hơn là số được đồng ý đem hiến tặng nên các bệnh nhân phải chờ đợi có khi rất lâu. Vậy thì làm sao quyết định là bệnh nhân nào sẽ được ưu tiên thay ghép bộ phận cơ thể? Tại Hoa Kỳ, tổ chức duy nhất có thẩm quyền là The United Network for Organ Sharing gọi tắt là UNOS. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ đem đến quí thính giả bài nói chuyện của bác sỹ Nghiêm Đạo Đại chuyên khoa về ghép các bộ phận cơ thể hiện đang giảng dạy tại đại học UC Davis ở Sacramento, bang California.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1