Đường dẫn truy cập

Tuổi 25 và ước mong nhìn thấy biển


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tại bang Tennessee, Mỹ, bà Ruby Holt, 101 tuổi, đã kỷ niệm sinh nhật của mình trên bờ biển tại vịnh Mexico. Đó cũng là ước muốn của bà, “trước khi chết, hãy cho tôi được nhìn thấy biển” bởi suốt đời bà chỉ quanh quẩn nơi cánh đồng và rặng núi, cần cù làm lụng chịu khó nuôi 4 người con khôn lớn. Bà chưa bao giờ dành được cho bản thân mình một chuyến đi xa. Hình ảnh bà cụ ngồi trầm ngâm trước biển cả rộng lớn, trên chiếc xe lăn vừa cô đơn, vừa vĩ đại. Nó như một khoảnh khắc nở bung ra, tràn vào từng ngóc ngách nhỏ hẹp trong cuộc sống vốn bình yên của một người đã đi đến cuối cuộc đời.

Tại sao tôi lại nhắc đến tuổi 25, chứ không phải là một con số khác? Vì 25 là con số tròn vành vạnh mà chênh vênh, quãng thời gian của một con người mà vô vàn thứ cảm xúc cùng tập trung, cùng được bộc lộ mãnh liệt ở thời điểm này. Bùng cháy, nhiệt huyết, khát khao, và cả những đớn đau, thất vọng, vấp ngã… Tôi dám chắc bất kỳ ai khi nhớ lại, sẽ ngoái nhìn lại hình ảnh của chính mình khi 25 tuổi, và ước sao 25 dài hơn để thực hiện trọn vẹn những mộng mơ trẻ tuổi.

Những cô gái Việt rất “thiệt thòi” so với các nước khác trong vấn đề tuổi tác, bởi vì tuổi 25 của họ đến sớm một cách bất thường. Khái niệm “tuổi mụ” như một cột mốc ranh giới để bất cứ cô gái nào chạm ngưỡng, họ bắt đầu phải rục rịch suy nghĩ đến việc cần ổn định và có một gia đình nho nhỏ của riêng mình. Chưa kể, có lời nói không rõ bắt nguồn từ đâu, cứ văng vẳng bên tai họ, rằng tuổi trẻ của người phụ nữ ngắn ngủi lắm, chẳng dài mãi như cánh đàn ông, để hối thúc họ mau tìm cho mình một chỗn nương tựa sớm tối. Vấn đề là ở chỗ, việc kết hôn không chỉ của “hai người”, quyết định tổ chức đám cưới gần như hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, xã hội với vô vàn lý do, thủ tục và “hủ tục”. Tôi có một cô bạn lấy chồng đã lâu, chồng bạn là một anh chàng mới quen chưa đầy nửa năm. Ngày bạn cưới, cũng là lúc tôi mới chân ướt chân ráo đi du học. Tôi ngạc nhiên vì “tốc độ tên lửa” của đám cưới chưa hết, đã phải “choáng” vì lý do: ông nội của cô bệnh sắp mắt. Có một cụm từ phổ thông hơn cho trường hợp này, đó là: “cưới chạy tang”. Con cháu trong nhà sẽ để tang trong một thời gian khá dài nếu ông bà, cha mẹ mất, độ dài còn phụ thuộc bên nội bên ngoại cùng nhiều quy tắc lằng nhằng khác. Bởi vậy, giải pháp là “cưới ngay kẻo lỡ”. Cho đến giờ, không rõ việc tôi có chút “kỳ thị” với những lý do có tính chất tang tóc như vậy có phạm húy đến phong tục tập quán nào hay không? Nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa so với việc một cô gái khi còn đang tất bật học hành trên trường lớp, lại phải đôn đáo làm lễ dạm ngõ, ăn hỏi và đám cưới chỉ trong 2 tuần ngắn ngủi, quyết định xong xuôi việc trọng đại chỉ trong 1 cái chớp mắt. Cuộc hôn nhân của cô có hạnh phúc hay không, tôi không bàn tới. Đó là cuộc sống riêng tư mà tôi vô cùng tôn trọng. Cũng như tôi tôn trọng quyết định của mỗi cô gái về mọi vấn đề trong cuộc sống của bản thân mình.

Trong xã hội Việt Nam nói chung, người phụ nữ vẫn bị đặt ở thế yếu, quan trọng nhất là quyền tự do quyết định. Hầu hết suy nghĩ và từng giai đoạn trong cuộc sống của họ vô hình được vẽ sẵn, từ những người trong gia đình, các mối quan hệ xung quanh và bạn bè cùng trang lứa. Cột mốc 25 tôi đang nhắc đến chính là thời điểm mà cả 3 “thế lực” trên đồng thời tạo áp lực lên quyết định của họ từ công việc đến hôn nhân gia đình. Tôi nhấn mạnh hai chữ “vô hình”, bởi vì rất khó để hình dung và nhận diện được những áp lực đó. Những câu nói bông đùa hàng ngày như “bao giờ lấy chồng?”, “cưới đi không ế đấy”, hoặc “anh chàng đó được đấy, hốt luôn kẻo tiếc.” cũng được coi là một tác động không nhỏ. Nhưng điều đáng nói đó là tại sao khi các cô gái ở tuổi này, sau khi tốt nghiệp đại học, rất hiếm hoi được hỏi về dự định, mong mỏi của mình, mà thay vào đó, những gì xã hội đang quan tâm và đang đánh giá lại dựa vào việc cần có một tấm chồng? Để rồi từ khoảnh khắc các cô khoác lên bộ váy cô dâu trở về sau, mọi hành động hay quyết định cũng hoàn toàn phụ thuộc vào một người khác. Lối mòn mà xã hội đặt lên từng người phụ nữ cũng khiến chính bản thân họ, khi nhìn vào bản thân mình và so sánh với những người cùng trang lứa khác, cũng tự nhủ rằng “đàn bà, hơn nhau ở người chồng.”

Bà Ruby Holt cuối cùng cũng được chạm những ngón chân già nua vào nước biển, bà cụ dường như trẻ lại như một đứa con nít, móm mém cười: “Nước lạnh nhỉ!” Cái ước muốn nhỏ bé thôi, nhưng được lắng nghe thực sự. Và dẫu ở tuổi 101 hay chỉ mới đôi mươi, tôi mong những người phụ nữ xung quanh tôi sẽ được sống trong một xã hội mà ở đó, khát vọng và mong mỏi của họ được quan tâm và tôn trọng. Nếu không thể, thì bản thân họ, hãy tự bỏ qua những nặng gánh của quy luật và lề lối, để sống cuộc đời của riêng mình, cho mình.

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG