Đường dẫn truy cập

Trung Quốc có phản bội lời tiền nhân?


Một tấm bảng viết "Bán đất hoặc cho thuê" trên một cánh đồng lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán tại tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam, ngày 30 tháng 3 năm 2016.
Một tấm bảng viết "Bán đất hoặc cho thuê" trên một cánh đồng lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán tại tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam, ngày 30 tháng 3 năm 2016.

Nhân nghĩa

Ít có tôn giáo nào đề cao nhân nghĩa một cách sâu xa, triết lý như Nho giáo. Trong suốt nghìn năm lịch sử phong kiến, Trung Quốc không chỉ vận dụng Nho giáo cho nền thống trị trong nước mà còn truyền bá đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Khổng Tử, cha đẻ của Nho giáo, cho rằng “Nhân là yêu thương con người” (Nhân giả ái nhân). Trong Luận ngữ, nói về “nhân” Khổng Tử viết: “Người nhân là người mình muốn lập thân thì cũng giúp người lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người thành đạt” (Nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân). Quan điểm này trùng hợp với đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Nhân gắn với nghĩa. “Nghĩa” là đạo đức con người trước cái lợi. Khổng Tử nói: “Giàu với sang ai chẳng ham muốn? Nhưng giàu sang mà trái đạo thì thì người quân tử chẳng tham. Nghèo với hèn ai mà chẳng ghét? Nhưng gặp cảnh nghèo hèn mà chẳng lỗi đạo thì chẳng nên từ bỏ cảnh nghèo hèn. Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, ta chỉ xem như đám mây nổi mà thôi”. (Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xứ dã. Bần dữ tiện, thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khứ dã. Bất nghĩa nhi phú thả quý, ư ngã như phù vân). Mạnh Tử nói: “Người quân tử lấy đức nhân làm nhà ở, lấy đức nghĩa là đường đi, lấy lễ làm cửa, duy người quân tử đi đường ấy, ra vào cửa ấy mà thôi” (Nhân nhân chi an trạch dã, nghĩa lộ dã, lễ môn dã, duy quân tử năng do thị lộ, xuất nhập thị môn dã).

Tôi không muốn đưa quý vị lạc vào rừng chữ nghĩa giáo điều của Nho giáo (vào thì được nhưng không có lối ra), chỉ trích dẫn một số câu tiêu biểu của đức Khổng Tử, người được xem là thánh “Vạn thế sự biểu”, nghĩa là người thầy của muôn đời mà Trung Quốc bao đời ca tụng. Khổng Tử cũng là một trong những biểu tượng được tôn thờ trong văn hóa Nho giáo Việt Nam. Trải qua thử thách của thời gian, đạo đức của Nho giáo vẫn còn nguyên giá trị. Vì đó là văn hóa, văn hóa là giá trị chung của nhân loại. Đó là lý do tại sao, cho đến nay đã có hơn 100 viện Khổng Tử được thành lập tại các nước, và dĩ nhiên trong đó có Việt Nam.

Vấn đề đặt ra trong bài viết này là Trung Quốc xưa nay có theo lời chỉ dạy của tiền nhân, nhất là trong ứng xử với Việt Nam, nước láng giềng của họ? Họ rao giảng về đạo lý nhân nghĩa nhưng tổ tiên họ ngàn năm đô hộ nước Nam. Hết thời Bắc thuộc, đến thời độc lập tự chủ, Trung Quốc vẫn âm mưu thôn tính nước ta. Hết Hán, Đường, Tống, Nguyên đến Minh, Thanh đều kéo quân xâm lược nước ta. Đến thời cận hiện đại, khi đã có mối quan hệ bang giao hữu nghị “như môi với răng” giữa hai nhà nước cộng sản, những là “4 tốt” (“Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”), 16 chữ vàng ("Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”) trên cơ sở gắn bó “sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”. Trung Quốc vẫn không từ bỏ mộng bành trướng qua sự kiện hải chiến Hoàng Sa (1974), chiến tranh biên giới và xung đột biên giới Việt - Trung (1979 - 1990), hải chiến Trường Sa (1988). Và từ đó đến nay Trung Quốc từ chỗ ngấm ngầm đến công khai cải tạo, bồi đắp những bãi đá ngầm thành sân bay, khu quân sự tại Hoàng Sa, Trường Sa. Những năm gần đây họ liên tục tịch thu ngư cụ, đốt phá tàu thuyền, bắt bớ ngư dân Việt Nam ở những vùng biển đang có tranh chấp. (Đến chiếm ao nhà của người ta rồi gọi là vùng tranh chấp?). Tất cả hành động trên của Trung Quốc là nhân nghĩa ư?

Tôi sẽ không dài dòng kể lể các cuộc xâm lăng của Trung Quốc xưa nay đối với Việt Nam, nhưng “ôn cố tri tân”, muốn họ thấy bản chất bành trướng của họ là thâm căn cố đế, dã tâm xâm lược Việt Nam, họ chưa bao giờ từ bỏ. Trung Quốc rất coi trọng lịch sử, thì đây là vấn đề lịch sử của họ với Việt Nam.

Xét riêng về đạo lý, rõ ràng Trung Quốc đã phản bội lời dạy của tiền nhân, đi ngược học thuyết cha ông họ, cái học thuyết mà Trung Quốc đến nay vẫn muốn truyền bá trên thế giới.

Liệu có ai đó sẽ nói: Trung Quốc có trái lời tiền nhân họ, chẳng qua là đối với nước khác, họ vì dân tộc họ, đâu có gì sai ! Xin thưa, Khổng Tử đã dạy đó thôi: “Điều gì không muốn cho mình, chớ làm cho kẻ khác” (Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân). Hơn nữa, tư tưởng của Khổng Tử đâu có hẹp hòi như vậy, ông nói “tứ hải giai huynh đệ”, bốn biển là anh em một nhà. Chẳng lẽ người Trung Quốc lại quên tư tưởng đại đồng của Nho giáo hay sao? Nho giáo rất ghét tư tưởng “ích kỷ hại nhân”, “giả nhân giả nghĩa”. Tuân Tử, người kế tục tư tưởng của Khổng Tử nói: “Làm một điều bất nghĩa, giết một kẻ vô tội mà được cả thiên hạ, cũng chẳng thèm làm” (Hành nhất bất nghĩa, sát nhất vô tội, nhi đắc thiên hạ, bất vi dã). Vậy mà Trung Quốc, thấy điều gì có lợi là họ làm. Người ta nói “thâm như Tàu” quả rất đúng. Họ mua sừng trâu, mua mèo, mua đỉa, mua ốc bưu vàng, mua lá sắn, lá nhãn, mua gốc tiêu ... để phá hoại mùa màng của dân Việt Nam. Ngay cả giày dép, đồ chơi trẻ em, áo ngực phụ nữ ... Trung Quốc cũng bỏ chất độc vào để hại người. Họ còn làm gạo, mực khô bằng nhựa để lừa đảo ngườidân Việt Nam. Trái cây Trung Quốc tẩm hóa chất rất độc, nếu thương lái không giả là trái cây Việt Nam thì chẳng ai dám mua. Tóm lại, Trung Quốc đã tuồn không biết bao nhiêu hàng dỏm, hàng rẻ tiền và độc hại vào Việt Nam. Mới đây, ông Chu Xuân Phàm, giám đốc đối ngoại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã phán một câu xanh rờn làm cho nhân dân cả nước hết sức bất bình:“Muốn bắt cá tôm hay muốn xây một nhà máy thép hiện đại?”; “Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá”. Một câu nói sạch ráo đạo đức trong kinh doanh.

Xưa, Tử Hạ nói: “Chơi với bạn, lời nói cần tín thực” (Dữ bằng hữu chi giao, ngôn nhi hữu tín). Nghe nói người Trung Quốc rất coi trọng chữ tín trong đối ngoại, giao thương, kết bạn nhưng càng ngày họ không còn chút uy tín nào trong lòng người dân Việt Nam.

Thi ân bất cầu báo

Trong chiến tranh chống Mỹ, bên cạnh Liên Xô, Trung Quốc trợ giúp đắc lực cho cộng sản Việt Nam. Thôi thì bỏ qua động cơ chính trị, như Trung Quốc giúp Việt Nam là bảo vệ hàng rào, cổng ngõ chế độ cộng sản của họ. Cứ xem Trung Quốc giúp Việt Nam trên tình đồng chí, nghĩa anh em. Nhưng từ năm 1979 đến nay, Trung Quốc luôn rêu rao “Việt Nam vô ơn”, không biết điều và có lúc đã muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”. Trung Quốc muốn chiếm trọn Trường Sa, Hoàng Sa, biển Đông theo tham vọng trở thành một siêu cường quốc biển. Mưu đồ của họ chưa trọn vẹn, họ bảo Việt Nam vô ơn. Chẳng lẽ dâng hết cho họ mới là biết ơn, biết nghĩa?

Nho giáo nói rằng “thi ân bất cầu báo”, làm ơn không cần báo đáp. Khổng Tử dạy rằng: “Khi tức giận hãy nghĩ đến tai nạn; khi thấy lợi, hãy nghĩ đến điều nghĩa” (phẫn tư nạn, kiến đắc tư nghĩa). Chu Tử thì nói: “Làm ơn không nhớ nghĩa, mang ơn chớ có quên” (Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong). Làm ơn, làm phước không tính toán, thế mới đạo đức. Làm ơn mà tính toán, mưu lợi, đó là vô đạo, bất nghĩa. Lời dạy cao siêu của tiền nhân bị họ làm méo mó bởi những ngụy biện hào nhoáng.

Tri túc tiện túc

Lão Tử dạy: “Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc”, nghĩa là “biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ”. Ông cảnh báo với con người về “lòng tham vô đáy”, thì Trung Quốc lại đi ngược tinh thần đó. Lòng tham của Trung Quốc không bao giờ có điểm dừng. Có Hoàng Sa, Gạc Ma, họ còn muốn ải Nam Quan, thác Bản Giốc và đường biên giới có lợi cho họ. Đoạt rồi, họ lại chiếm tiếp những bãi đá ngầm, đảo chìm, xây sân bay, chiến hạm hòng mưu đồ chiếm trọn biển đông với “đường lưỡi bò” ăn tạp.

Trung Quốc đưa mấy chục dự án cùng hàng chục ngàn người vào Việt Nam, trải khắp từ Nam chí Bắc, ảnh hưởng đến môi trường và an ninh Việt Nam. Hết bô-xít Tây Nguyên đến nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), hết đường cao tốc ở Lào Cai (kết nối biên giới Trung Quốc với Hà Nội) đến Fomosa Hà Tĩnh, World Shine ở đèo Hải Vân, Huế. Có khoảng 20 “căn cứ địa” như vậy cho đến thời điểm này. Trung Quốc muốn khai thác triệt để Việt Nam về mọi mặt: kinh tế, chính trị, quốc phòng, môi trường. Dường như họ không biết thế nào là đủ.

Vô vi

Đạo giáo đề ra học thuyết vô vi. Vô vi không phải là không làm, mà không làm điều gì trái quy luật, trái với ý trời, tức là trái đạo lý. Trung Quốc đã hành xử trái quy luật tự nhiên, trái ý trời, trái lòng người. Sông Mekong bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi đổ xuống hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long, cuối cùng chảy ra biển đông của Việt Nam. Quy luật của dòng sông này bao đời vẵn vậy, thế mà Trung Quốc đã làm những đập lớn, công trình thủy điện đồ sộ để lợi riêng cho mình, bất chấp sự thiệt hại của nước khác, nhất là Việt Nam. Trước đây người ta chỉ lo cho hệ sinh thái trên sông mất cân bằng, các loài thủy sản khu vực hạ lưu sẽ khan hiếm. Nay thì thấy hậu quả càng trầm trọng hơn, đồng bằng sông Cửu Long khô hạn, nhiễm mặn, nhân dân điêu đứng. Vựa lúa của cả nước đang bị đe dọa. Tháng ba vừa rồi, khi đồng bằng sông Cửu Long đang khát cháy thì Trung Quốc xả đập với thông báo xả đập để chống hạn. “Nhân nghĩa” là chỗ đó, kiểu nhân nghĩa chỉ Trung Quốc mới có.

Càng thấy cái cao siêu của Lão giáo, càng hậm hực với cách hành xử “trái ý trời, trái lòng người” của Trung cộng.

Vật cùng tắc biến

Lão Tử nói: “Vật cùng tắc biến”. Người Việt Nam thì nói tương tự, “tức nước vỡ bờ”, “con giun xéo lắm cũng quằn”. Thái Công nói: “Tham tâm hại kỷ” - lòng tham hại mình. Lão Tử nói: “Không họa nào lớn bằng không tự biết đủ. Không hại nào to bằng sự muốn chiếm hữu của lòng tham” (Họa mạc, đại ư bất tri túc. Cửu mạc, đại ư dục đắc). Trung cộng nên nhớ lấy những câu này. Núi sông, con người Việt Nam yêu nước sẽ không để chúng mày yên, nếu chúng mày không chịu dừng tay lại.

Dẫu biết nói chuyện đạo lý là thừa đối kẻ tiểu nhân, đạo tặc, nhưng ít ra cũng để “biết người biết ta”, các bạn trẻ biết thế nào là “4 tốt”, “16 chữ vàng”, và chẳng bao giờ chấp nhận đem chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng để đổi lấy cái tình “hữu nghị viễn vông”, như có người từng nói.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG