Đường dẫn truy cập

TQ ngưng dự án nhà máy kim loại sau các cuộc biểu tình


Cảnh sát chống bạo loạn ngồi nghỉ, cạnh dân địa phương, trong cuộc biểu tình ở thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên hôm 3/7/12
Cảnh sát chống bạo loạn ngồi nghỉ, cạnh dân địa phương, trong cuộc biểu tình ở thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên hôm 3/7/12
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bãi bỏ một kế hoạch xây dựng một nhà máy đồng tại một thành phố miền trung Trung Quốc sau khi hàng ngàn cư dân tổ chức biểu tình trong 3 ngày để phản đối việc nhà máy có thể gây ô nhiễm nặng.

Trong một tuyên bố được đưa lên mạng, chính quyền thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên hôm thứ Ba cho biết đã ngưng dự án nhà máy kim loại.

Cư dân bắt đầu biểu tình trên đường phố chống lại dự án vào cuối ngày Chủ Nhật, than phiền là khí thải nhà máy sẽ đầu độc họ.

Các nhân chứng và các giới chức nói những người biểu tình trở nên bạo động hôm thứ Hai khi cảnh sát chống bạo loạn đối đầu với hàng ngàn người biểu tình, làm cho ít nhất 13 người bị thương.

Cư dân đưa lên mạng hình ảnh cảnh sát bắn hơi cay và dùng gậy đánh đập người biểu tình.

Các nhân chứng nói những người biểu tình trở lại đường phố hôm thứ Ba bất kể cảnh báo của nhà chức trách địa phương không được dùng Internet và điện thoại di động để tổ chức thêm những cuộc biểu tình nữa.

Chính quyền địa phương kêu gọi những người tổ chức biểu tình ra trình diện với cảnh sát trong vòng 3 ngày, nếu không sẽ phải chịu “hình phạt nặng nề.”

Nhà bất đồng chính kiến Hoàng Kỳ cư ngụ tại Tứ Xuyên nói với Đài VOA là ông liên lạc với cư dân Thập Phương và mô tả cảnh tượng trong thành phố trong ngày thứ ba của cuộc biểu tình.

“Sáng nay vẫn còn một cuộc tập hợp đông đảo dân chúng. Họ hy vọng chính quyền hứa sẽ bãi bỏ vĩnh viễn dự án hợp kim môlípđen (molybdenum) - đồng Hoành Đạt. Trong khi đó nhà cầm quyền Thập Phương bao vây vùng đô thị và đến tận khu vực thuộc thành phố Miên Trúc. Cảnh sát vũ trang có mặt trên các đường phố và tại các giao điểm. Viêc đi lại được kiểm soát chặt chẽ từ Đức Dương đến Miên Trúc. Nhiều cảnh sát thi hành nhiệm vụ trên các con đường.”

Những cuộc biểu tình địa phương ngày càng xảy ra thường xuyên hơn tại Trung Quốc nơi các giới chức chính quyền đã làm công chúng phẫn nộ vì theo đuổi phát triển đô thị nhanh chóng bất chấp những tác hại đối với môi trường.

Hàng ngàn người biểu tình lo ngại về nạn ô nhiễm đã buộc nhà cầm quyền phải đóng cửa một nhà máy hóa chất tại thành phố Đại Liên hồi tháng 8 năm 2011.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG