Khi Trung Quốc và người lao động nước này trở nên giàu có hơn, các nhà sản xuất toàn cầu đang nhìn xuống phía nam để kinh doanh ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, Campuchia thường đối mặt với những cuộc đình công. Chính phủ Thái Lan hứng chịu biểu tình phản đối không ngớt. Miến Điện, còn gọi là Myanmar, lại cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Chính vì thế nhiều công ty đang để mắt tới Việt Nam.
Hàng trăm công ty nước ngoài mới đây đã đổ về thành phố Hồ Chí Minh để tham dự triển lãm hàng dệt may Saigon Tex. Giáp biên giới Trung Quốc, Việt Nam vừa thuận tiện về mặt địa lý lại vừa ổn định về chính trị, cũng như có chi phí kinh doanh thấp. Những yếu tố như vậy thu hút các công ty như Jeanologia của Tây Ban Nha. Công ty này trưng bày công nghệ in laser trên vải jeans tại triển lãm.
"Nơi này đang trở thành một trung tâm quan trọng cho các thương hiệu Mỹ và châu Âu," giám đốc khu vực Jeanologia Borja Trenor Casanova nói về Việt Nam.
Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng giúp thu hút sự chú ý tới Việt Nam. Là một trong 12 quốc gia đàm phán thỏa thuận thương mại này, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ điều khoản giảm thuế quan đối với hàng dệt may, một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Để tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế, nhiều công ty nước ngoài đang dời nhà máy sang Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú là tổng giám đốc công ty Thạch Anh Vàng, đại diện các nhà sản xuất từ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, và những nước khác. Bà cho biết TPP là một phần lý do công ty bà chứng kiến mức tăng 50 phần trăm doanh thu hàng năm vào năm 2013.
"Tôi thấy có rất nhiều khoản đầu tư đang xúc tiến, bởi vì gần đây chúng ta nhận được khá nhiều yêu cầu thông tin," bà Cẩm Tú nói tại cuộc triển lãm.
Sự tăng trưởng được phản ánh khắp cả nước. Xuất khẩu dệt may tăng 20 phần trăm trong quý đầu tiên của năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê.
Trong khi sản lượng và doanh thu vẫn tăng đều, các công ty và quan chức Việt Nam nhận thấy một lỗ hổng lớn trong ngành công nghiệp may mặc của mình: Việt Nam mua hầu hết nguyên vật liệu từ những nước khác. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nói với khán giả tại hội chợ Việt Nam cần đặt ra mục tiêu sản xuất thêm nhiều mặt hàng vải của riêng mình.
“Mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam là đến năm 2020, đạt kim ngạch 25 tỷ USD, chỉ tiêu nội địa hóa 60 - 70%, cấp thiết đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý chất lượng, lao động, môi trường, hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may theo tiêu chuẩn quốc tế,” Thứ trưởng Kim Thoa nói.
Nếu không tạo dựng thêm những nhà cung cấp địa phương, Việt Nam sẽ không thể khai thác hết tiềm năng của Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Thỏa thuận có thể bao gồm một quy định đòi hỏi Việt Nam sản xuất quần áo với nguyên vật liệu từ các nước thành viên TPP để được miễn thuế nhập khẩu.
Người ta cũng đang tìm cách cải thiện ngành dệt may. Ông Casanova nói công nghệ in laser của Jeanologia có thể giúp Việt Nam gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất. Dù vươn lên nhóm nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, Việt Nam vẫn còn rất phụ thuộc vào lao động giá rẻ; nhưng để tránh bị kẹt trong nhóm thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải tìm cách để tăng thêm giá trị trong những mặt hàng xuất khẩu.
Ông Casanova cho biết dường như Việt Nam muốn có công nghệ để đạt mục đích đó, cũng như thúc đẩy tính bền vững của môi trường trong kinh doanh. "Việt Nam đang muốn có sự thay đổi trong ngành dệt may," ông nói.
TPHCM —
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1