Hồi đầu tháng này Myanmar thực hiện lại một thủ tục để cấp quốc tịch cho những người ở trong tình trạng vô quốc tịch từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, kế hoạch này đòi hỏi người Rohingya trước hết phải từ bỏ cái tên họ dùng lâu nay để tự nhận là người Bangladesh. Thông tín viên Colin Lovett cửa đài VOA tới thăm các cộng đồng người Rohingya ở tiểu bang Rakhine và gởi về bài tường thuật sau đây.
Tại Rakhine, khối người Rohingya thiểu số theo đạo Hồi đã trở nên khốn khổ hơn kể từ khi những vụ rối loạn sắc tộc làm cho cộng đồng của họ bị tan nát cách nay 3 năm.
Ông Ali, một người ở trại tạm cư Dar Pang ở ngoại ô thành phố Sittwe, cho biết như sau.
"Chúng tôi cần có công ăn việc làm. Chúng tôi cần giáo dục. Chúng tôi không có tiền bạc."
Tại Aung Minglar, khu duy nhất của người Hồi giáo ở Sittwe và là nơi xảy ra những vụ bạo động năm 2012, hầu hết các cư dân nói rằng họ là người Rohingya và cho biết đe dọa bạo động cùng với sự phân biệt đối xử, kể cả việc không cấp quốc tịch, là nguyên do chính của vấn đề.
Ông Shwe La nói tuy bạo động lộ liễu đã chấm dứt, nhưng tình hình nói chung vẫn rất tệ vì người Rohingya không thể ra ngoài vì lo sợ cho an toàn cá nhân.
"Ba năm trôi qua, tuy không có những vụ tấn công bạo động, tình cảnh kinh tế, xã hội và giáo dục của chúng tôi vẫn chưa được cải thiện vì chúng tôi không được tự do rời khỏi khu vực."
Hồi giáo cũng trở thành một vấn đề gây tranh cãi ở Myanmar, nơi đa số dân chúng theo đạo Phật và là nơi mà công chúng có quan điểm chống lại nhóm dân này.
Ông Aye Lwin, một nhà tranh đấu người Hồi giáo ở Yangoon không thuộc sắc tộc Rohingya, nhận định như sau.
"Những gì đã xảy ra trong thời gian qua là tôn giáo đã bị sử dụng như một khí cụ chính trị bởi những người được có những lợi ích nhờ tình trạng hiện nay."
Một số nhân vật lãnh đạo Phật giáo có chủ trương cực đoan, cả ở Rakhine lẫn ở những nơi khác ở Myanmar, đang khích động những sự lo âu trong dân chúng về điều gọi là “sự tràn ngập của người Hồi giáo.”
Bà Mya Sein, một cư dân ở Sittwe, là người có những mối lo âu như vậy.
"Chúng tôi lo ngại về ảnh hưởng của người Bangladesh trong khu vực này. Đó là lý do tại sao chúng tôi quan tâm về việc người Bangladesh di dân tới đây."
Thống đốc tiểu bang Rakhine, ông Maung Maung Ohn, nói rằng tôn giáo không dính líu gì tới vấn đề quốc tịch của người Rohingya, là nhóm người mà ông và chính phủ Myanmar gọi là người Bengali.
"Một số người vẫn không chịu chấp nhận tên gọi này để tham gia vào tiến trình. Cho nên vấn đề là “ông muốn có quốc tịch hay là ông muốn có sắc tộc Rohingya?”
Hầu hết những người Rohingya mà phóng viên VOA có dịp tiếp xúc đều nói rằng họ sẽ không bao giờ tự nhận là người Bangladesh, khiến họ không hội đủ điều kiện để tham gia tiến trình nhập quốc tịch.
Vì người Rohingya và chính phủ bên nào cũng cương quyết bảo vệ lập trường của mình, vụ bế tắc làm cho cộng đồng này bị chia rẽ có phần chắc sẽ tiếp tục.