Đường dẫn truy cập

Tôi ủng hộ ’60 phút mở’


MC Phan Anh
MC Phan Anh

Tôi tưởng chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Obama đã khiến dân chúng quên đi các cuộc vận động biểu tình về cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung cũng như hành động thờ ơ, bưng bít thông tin từ phía nhà nước. Nhưng, trong mấy ngày qua, cộng đồng mạng lại quay trở lại câu chuyện vùng Vũng Áng. Không biết do vô tình hay cố ý mà chương trình “60 phút mở” phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV1 lại xoay quanh chủ đề “Chia sẻ trên Facebook để làm gì?” nhưng tập trung thảo luận khá nhiều vào việc MC nổi tiếng Phan Anh chia sẻ clip thử nghiệm cá chết trong 2 phút do bơi trong nước lấy từ biển Vũng Áng.

Tôi dành đủ 1 tiếng để theo dõi chương trình này. Chủ trì chương trình là nhà báo Tạ Bích Loan cùng các khách mời tham gia tranh luận sôi nổi về lý do tại sao mọi người lại chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, mặc dù những thông tin đó có thể chưa được kiểm chứng độ xác thực, và liệu điều đó có tác động lớn đến xã hội hay không? Cuộc tranh luận vô hình chung được chia ra làm 2 hướng khác biệt. Trong khi MC Phan Anh liên tục nói rằng việc làm của anh là nhằm nói lên nhu cầu được trình bày ý kiến của mình, được đóng góp tiếng nói của mình đối với các sự kiện xã hội nói chung, và liên quan đến clip cá chết Vũng Áng, anh muốn bày tỏ sự tôn trọng đối với một cơ quan truyền thông dũng cảm dám khai thác tìm hiểu vấn đề trong một thời điểm nhạy cảm, thì hầu hết những người còn lại lên tiếng phản bác, cho rằng hành động của anh có thể định hướng sai vấn đề khi mà những thông tin như vậy hoàn toàn có thể chưa được kiểm chứng. Cuộc chiến không cân sức đó được mọi người gọi là “cuộc đấu tố” và được chia sẻ bàn tán rộng rãi.

Số “60 phút mở” với nội dung như vừa đề cập đã bị xóa trên tất cả các các trang truyền thông xã hội, bao gồm cả Youtube. Câu hỏi được nhà báo Tạ Bích Loan nhấn mạnh và đưa ra xuyên suốt cả chương trình đó là: “Động cơ nào khiến bạn phải nhấn nút chia sẻ trên Facebook?” Riêng cá nhân tôi thấy rằng nội dung chương trình này rất đáng khen, bởi có lẽ đây là một số ít chương trình có tính đối đáp, tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Theo dõi các ý kiến của “cư dân mạng”, tôi thấy phần lớn họ lao vào chỉ trích nhà báo Tạ Bích Loan cũng như các chuyên gia với nhiều từ ngữ rất khó nghe và cho rằng đây là một màn “đấu tố” giữa một nhóm 5 người với 1 đối tượng khác có phần yếu thế hơn. Đây là một “format” nội dung khá mới đòi hỏi kỹ năng tranh luận và kiến thức hùng biện sâu rộng. “60 phút mở” dĩ nhiên còn nhiều non nớt trong việc xây dựng và chỉnh sửa kịch bản, nhưng điều tôi lo ngại rằng những chương trình như thế có thể sẽ không thể phát triển tại Việt Nam khi mà đa số khán giả Việt chưa có cái nhìn đa chiều.

Tại sao? Một chương trình với kịch bản tranh luận gay gắt luôn có sự tương tác đa chiều. Các ý kiến được đưa ra không dựa trên sự đúng-sai, và đó mới chính là sự thú vị tạo tính thu hút. Rất nhiều người lên án thái độ thiếu tôn trọng và lập luận chủ quan của nhóm người có luận điểm đối nghịch với MC Phan Anh, nhưng chính bản thân họ lại thể hiện những hành động y chang, thậm chí còn tệ hại hơn, đó là sử dụng lời lẽ miệt thị cá nhân. Nếu quan tâm đến việc bầu cử tổng thống tại Mỹ, bạn sẽ biết đến những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên trong cùng một đảng, đối chọi gay gắt trực tiếp trên truyền hình về đủ mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, để người dân có thể xem và chọn lựa. Có những ý kiến nghe như cực kỳ vô lý, nhưng vẫn được lắng nghe một cách cởi mở, thậm chí được đón nhận và ủng hộ. Một ví dụ điển hình là ứng cử viên tổng thống Donald Trump cùng những chính sách khắc nghiệt của ông. Chẳng thế mà sinh ra 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ với những chính sách luôn luôn đối chọi tại nước Mỹ. Những buổi tranh luận như thế đã được đưa vào trường học dành cho học sinh chọn lựa ngành Political Science (Chính trị học) để rèn luyện một thái độ cởi mở cùng cái nhìn đa chiều cũng như sự tôn trọng ý kiến của người khác. Đó là mấu chốt cho sự tồn tại cân bằng của một xã hội đa nguyên - đa đảng. Và nếu chúng ta muốn có một đất nước dân chủ, đó cũng là điều mà người dân cần phải làm quen.

Tôi hơi tiếc khi VTV gỡ bỏ toàn bộ số chương trình “60 phút mở: Chia sẻ trên Facebook để làm gi?” trên các trang mạng xã hội. Hành động đó coi như một sự e ngại dư luận. Khán giả Việt đã quá quen với những chương trình “nguội” mang tính giải trí như ca hát, game show với nội dung nhẹ nhàng, đơn giản. Chính vì vậy, cần có thêm nhiều chương trình như “60 phút mở”. Và tôi hoàn toàn ủng hộ những chương trình như thế.

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG