Vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh loan báo chính phủ của ông đang tìm cách thương lượng với người biểu tình đòi dân chủ, căng thẳng lại bùng ra vào lúc tảng sáng ở thành phố bán tự trị này của Trung Quốc. Thông tín viên VOA Ivan Broadhead tương thuật rằng hàng trăm cảnh sát viên đã đổ tới các đường phố của Kowloon, dỡ bỏ các rào cản trong cố gắng chấm dứt việc chiếm đóng quận thương mại Mongkok, nơi đã diễn ra những vụ đối đầu bạo động giữa cảnh sát, người biểu tình đòi dân chủ và các phần tử thân Bắc Kinh trong 19 ngày qua.
Cảnh sát chống bạo động và các cần trục trên các xe tải đã tiến vào Mongkok lúc 5 giờ sáng thứ sáu. Trong khi các cảnh sát viên nhấn mạnh rằng họ đi tháo dỡ các chướng ngại vật trên đường chứ không phải chính trại biểu tình, một người hoạt động trẻ tuổi không muốn cho biết tên nói cô và bạn bè lấy làm thất vọng trước hành động của cảnh sát:
“Tôi thấy họ mạnh tay dẹp một số lều trại và chận một số lều của bạn bè tôi. Họ đâu cần phải làm thế - họ rất giỏi tự lừa dối mình. Chúng tôi rất tức giận.”
Cảnh sát đã ra tay chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi ông Lương Chấn Anh tìm cách mở lại cuộc đối thoại với sinh viên và các nhóm biểu tình khác, 1 tuần lễ sau khi chính phủ đơn phương rút ra khỏi tiến trình thương nghị.
Lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Alex Chow nêu nghi vấn về sự thành thực của ông Lương khi đề nghị đàm phán. Anh nói đề nghị này không phù hợp với lệnh của cảnh sát dẹp đường phố và việc chính phủ từ chối không cung cấp các chọn lựa hợp hiến cho quyết định của Bắc Kinh đòi kiểm tra các ứng cử viên ra tranh cử vào năm 2017 – là chất xúc tác chính cho phong trào chiếm đóng 3 tuần lễ.
Anh Chow nói: “Dân chúng và sinh viên ở Hong Kong đã đưa ra nhiều khả năng khác nhau cho chính phủ giải quyết vấn đề hiện tại. Nhưng chúng tôi không thấy đề nghị cụ thể nào của chính phủ, vì thế mà mọi việc thực sự tuỳ thuộc vào họ nếu có được kết quả nào trong các cuộc đối thoại xây dựng được tổ chức.”
Những lời tố cáo cũng tiếp tục bung ra có liên quan đến việc tấn công tàn bạo một người hoạt động của đảng Dân sự và cán sự xã hội Ken Tsang, người đã bay trở lại Hong Kong sau khi đi thăm Nam Mỹ 9 tháng với chủ ý tham gia vào các cuộc biểu tình về hiến pháp.
Nhà lập pháp của Đảng Dân sự Ronny Tong nói mặc dầu ông cảm thấy đề nghị thương thuyết của ông Lương sẽ không đạt được mấy kết quả về chính trị, nó có thể xoa dịu những căng thẳng đã leo thang sau khi đoạn phim về vụ tấn công ông Tsang được phát hình trên toàn thế giới hôm thứ tư.
Nhà lập pháp này nói: “Những gì xảy ra cách đây 2 đêm đã góp phần làm cho nhiệt độ lại tăng lên. Tôi không thể nói tôi trông đợi sẽ có nhiều tiến bộ từ các cuộc đàm phán. Nhưng họ ngồi xuống bàn thương nghị càng sớm thì nhiệt độ sẽ càng giảm nhanh một chút. Vì thế tôi hy vọng các bên có thể họp với nhau vào thứ hai hay thứ ba tới.”
Sự chú ý nay quay sang địa điểm biểu tình chính là khu Admiralty ở giữa lòng quận thương mại của Hong Kong. Các đảng thân chính nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình tập trung ở đây gây thiệt hại nhiều nhất cho nền kinh tế Hong Kong.
Tuy nhiều, nhiều bài phân tích được trích thuật trên báo Wall Street Journal hôm nay gợi ý rằng tác động kinh tế dài hạn sẽ không đáng kể, với số du khách và các số liệu thương mại vẫn duy trì tốt.
Chuyên gia về quản trị công ty địa phương David Webb nói thêm rằng dành cho Hong Kong quyền phổ thông đầu phiếu thực ra giúp cải thiện sự thịnh vượng. ông nói với giới truyền thông địa phương ở đây rằng không có nền kinh tế đại quy mô nào phồn thịnh nếu không được hưởng nền dân chủ.
Ông Webb nói: “Chung cuộc, bản thân Trung Quốc cũng là một nền dân chủ, nếu không thì họ sẽ không đạt được các mức độ thịnh vượng mà dân chúng mong muốn. Đa số mọi người hiểu rằng nếu muốn các thị trường tự do và lợi ích của sự cạnh tranh, thì điều đó cũng phải có được trong giới lãnh đạo; gần như hai thứ phải đi song song với nhau.”
Con số người biểu tình lại tăng lên ở quận trung ương vào lúc các cuộc tụ tập cuối tuần đã trở thành lệ thường và các cuộc họp đoàn kết sắp tới. Trong bối cảnh đó, một sách lược rõ ràng đã nổi lên là cảnh sát phá vỡ các trại biểu tình vệ tinh hàng đêm trong tuần này, chính phủ nay đối mặt với vấn đề nhức đầu là phải làm gì đối với hàng ngàn người biểu tình bám trụ trong trại cuối cùng còn lại này, nằm ngay giữa lòng thành phố.